Bàn về sự “lệch chuẩn”

author 08:57 24/01/2013

(VietQ.vn) - “Sát thủ đầu mưng mủ” là cuốn sách lần đầu ra mắt công chúng năm 2011, không lâu sau đó bị “cha đẻ” là Nhà xuất bản Mỹ Thuật quyết định thu hồi; rồi lại được tu chỉnh và “tái xuất giang hồ” dưới dạng một cuộc triển lãm. Ngày Xuân, nhìn lại ấn phẩm này với một tâm thế thư thái, khoan dung hơn âu cũng là điều thú vị.

Nếu dành cho nó một cái nhìn nghiêm túc, thân thiện pha chút hài hước thì qua đó cũng phần nào nhận biết được lối nghĩ, lối sống, tâm thái của tuổi trẻ để phát huy cái hay, điều chỉnh cái dở một cách thích hợp.

Trước hết, có thể nói rằng loại sách giải trí như thế này là bình thường và nhìn chung là không có vấn đề gì lớn (dù rằng nhà xuất bản nên biên tập kỹ lưỡng hơn). Nhưng phải nói thêm rằng nhà xuất bản và Công ty Nhã Nam cũng đã thận trọng khi đề lên bìa sách con số 15+ ngụ ý dành cho lứa tuổi trên 15; lại còn khuyến cáo: “Không nên đọc khi ăn uống” (ngụ ý đây là cuốn sách giải trí, có thể gây cười đến... sặc và vỡ bụng!).

Giới trẻ đón nhận "Sát thủ đầu mưng mủ" như một hiện tượng.
Giới trẻ đón nhận "Sát thủ đầu mưng mủ" như một hiện tượng

Chơi ngôn ngữ

Kể ra thì 119 đơn vị tác phẩm được lựa chọn trong cuốn sách này không phải đều mang hình thức thành ngữ (riêng tranh thì nhìn chung là dí dỏm, hài hước, đôi khi ngộ nghĩnh đến bất ngờ; tuy rằng có vài bức hao hao tranh Nhật Bản). Những thành ngữ sành điệu kiểu này chúng ta có thể gặp mọi lúc mọi nơi. Từ góc độ ngôn ngữ, tôi cho rằng “Sát thủ đầu mưng mủ” là một hiện tượng “kỳ” nhưng không “quái”. Nói “kỳ” ở đây hàm ý lạ (chứ không phải là “kỳ diệu”). Nó có thể ngây ngô ngộ nghĩnh, nhưng chưa đến nỗi ngổ ngáo, quái gở. Cũng có những trường hợp gây phản cảm, nhưng phần nhiều là chấp nhận được, thậm chí khá nhiều câu hay!

Nếu căn cứ vào nội dung, 119 “thành ngữ sành điệu” này có thể tạm chia làm 4 loại. Có loại thô thiển gây phản cảm (như “gào thét trong toa lét”), nên bỏ đi. Có loại vô thưởng vô phạt (như “tào lao bí đao”, “nhỏ như con thỏ”, “dở hơi biết bơi”…), không mấy ý nghĩa nhưng cũng vô hại. Có loại ngộ nghĩnh hay hay (như “xinh như con tinh tinh”, “thú vui tao nhã giặt tã cho con”). Đáng nói hơn cả là loại có ý vị trào phúng khá thâm thúy (như “đầu to óc bằng quả nho”, “cướp trên giàn mướp”, “nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô cùng”, “yêu nhau trong sáng phang nhau trong tối”…) - gợi nhiều suy ngẫm. Nó cho thấy trí tuệ của giới trẻ và thái độ phê phán của các em đối với những hiện tượng xấu trong xã hội.

Nhưng dù thuộc loại nào thì cũng nôm na mách qué bình dân. Lứa tuổi 15 (vị thành niên) tuổi dậy thì, con gái tóc xanh hơn, con trai vỡ tiếng. Vỡ tiếng là biến đổi về sinh lý, ưa quậy là biến đổi về tâm lý. Chơi trò trẻ con thì “yếu” quá, mà chơi kiểu người lớn thì không hạp (vả lại cũng chưa đủ điều kiện). Thế là bèn “chơi ngôn ngữ” cho... “sành điệu củ kiệu” một cách hồn nhiên. Vị thành niên, còn trẻ người non dạ, thì đôi khi chưa chuẩn cũng không có gì lạ (vả lại, thành niên rồi đã chắc gì luôn luôn chuẩn; huống chi cái gọi là “chuẩn” cũng luôn vận động – xưa là chuẩn, bây giờ thành cổ hủ, cái bây giờ có vẻ lệch chuẩn biết đâu lại là yếu tố mới, là tích cực trong tương lai?).

Xét về mặt hình thức thì các thành ngữ này cũng có thể chia làm bốn loại: loại chơi chữ, như “cố quá thành quá cố”, “cướp trên giàn mướp”; loại “nhại” thành ngữ, tục ngữ dân gian đã định hình, như “môi hở răng hô”, “có chí thì ghê”; loại kết hợp cả hai loại trên, như “thất bại vì ngại thành công”, “cái khó ló cái ngu”… Ngoài ra có vài trường hợp mới “tạo tác”, chưa xếp được vào loại nào (những trường hợp này rất ít, tạm gọi là “loại ngoài loại”) như “bó tay chấm com”, “kết nổ đĩa”… Như thế cũng có thể nói rằng trừ “loại ngoài loại” (rất ít) ra thì có thể chia làm hai loại lớn là “chơi chữ” và “nhại”.

Loại “chơi chữ” gồm nhiều “đơn vị tác phẩm”. Loại này có thể chia thành các loại nhỏ nhưng chơi chữ điệp vần là chủ yếu.

Đáng kể hơn, loại “nhại” thường có ý vị trào phúng, nhìn chung là dí dỏm thông minh, có một số trường hợp thâm thúy, chiếu lên đối tượng quen thuộc những góc nhìn mới, từ đó phát hiện ra những nét nghĩa khác. Chẳng hạn, “thất bại vì ngại thành công”. Hẳn là các em không có ý phủ định câu tục ngữ “thất bại là mẹ thành công”. Hình như các em thấy nói mãi vậy cũng nhàm, bèn thêm vào một lời giải thích (hơi kỳ) cho nhiều trường hợp tai nghe mắt thấy trong đời. Nhưng đó cũng là một lời nhắc nhở. Ở một câu khác, “cái khó ló cái ngu”, minh họa của Thành Phong khá “đắt” - nó cho thấy một sự thật đáng thương.

Hay câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” - tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết cộng đồng ấy là có thật, rất cảm động và đáng quý. Nhưng ở đời quả thật cũng không thiếu thái độ “hạnh tai lạc họa” (sướng vui trước tai họa của người khác). Phản ứng trước thái độ xấu nên mới ngao ngán chán chường thốt ra “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”!

Bìa của cuốn sách.
Bìa của cuốn sách

Thủ pháp nghịch dị?

Trừ một số trường hợp phản cảm tuy không nhiều, nhìn chung những thành ngữ được đưa vào tuyển tập khá hiền lành. Có câu ngậm ngùi như “ăn trong nồi ngồi trong xó” thể hiện thân phận bần hàn. Có câu dễ thương như “bình thường như cân đường hộp sữa”. Đọc đến câu này lại chạnh nhớ cái thời mà đối với ông bà cha mẹ của các em, cân đường hộp sữa là thứ quý hiếm (dành để đi thăm người ốm mệt) mà mừng cho các em bây giờ. Có câu rất xót xa như “cái khó ló cái ngu”. Có câu trào phúng sâu sắc như “cướp trên giàn mướp”. Mới đọc qua có vẻ như vô thưởng vô phạt nhưng nếu nhớ rằng trong dân gian từ “mướp” thường được dùng chỉ cảnh nghèo thì câu “cướp trên giàn mướp” lại là lời châm biếm sắc sảo và phẫn nộ. Có câu thâm thúy như “nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô cùng”. Nói thâm thúy, vì câu này còn có tiềm năng sinh tạo nghĩa mới bằng cách thay thế danh từ đầu câu bằng nhiều danh từ khác. Biết tạo hàm ngôn như thế cũng cần phải có trí tuệ và ghét thói xấu.

Hơi lạ là “Sát thủ đầu mưng mủ” lại được chọn làm tranh bìa; đã thế lại còn được đặt ở vị thế áp đảo so với dòng chữ Nhà xuất bản Mỹ thuật và Nhã Nam, xem ra chưa được “mỹ” và “nhã” cho lắm. Cũng có thể đó là thủ pháp “nghịch dị” để đập mạnh vào cảm giác của người đọc, người xem? Thủ pháp “nghịch dị” cũng có cái lý của nó, nhưng có thể vì vậy mà chưa được “thuận cảm”.

Khen chê thì cũng người ta thường tình

Thành ngữ được hình thành một cách tự nhiên sinh động trong ngôn ngữ đời thường, có những thành ngữ bước ra từ những tác phẩm thành văn nổi tiếng; nếu hay thì được giữ lại, dở thì dần bị lãng quên rồi mất hẳn. Chắc là số mất nhiều hơn số còn. Cũng chẳng riêng gì ngôn ngữ bị chi phối bởi quy luật đào thải tự nhiên này.

Trong đời sống hiện đại, do giao lưu văn hóa, do sự phát triển siêu tốc của khoa học kỹ thuật, do nhịp sống sôi động hối hả… tư duy của con người cũng luôn đổi mới rất nhanh nên ngôn ngữ, công cụ của tư duy cũng phát triển rất nhanh, nhiều từ ngữ mới xuất hiện. Trong giới trẻ, lối nói lạ xuất hiện nhiều, vì lứa tuổi này nhạy cảm và thích cái mới, thích tỏ ra sành điệu. “Sát thủ đầu mưng mủ” chỉ là sự phản ánh hiện tượng mới - lạ này. Cuốn sách là một cố gắng tuyển chọn 119 “tác phẩm” dân gian truyền miệng mà tác giả chủ yếu thuộc giới trẻ. Có thể coi nó là một tư liệu tham khảo. Nếu dành cho nó một cái nhìn nghiêm túc, thân thiện pha chút hài hước thì qua đó cũng phần nào nhận biết được lối nghĩ, lối sống, tâm thái của tuổi trẻ để phát huy cái hay, điều chỉnh cái dở một cách thích hợp.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Mỹ Thuật kết hợp với Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam ấn hành. Hai đơn vị đều là những tên tuổi có uy tín trong giới xuất bản. Tháng 10/2011, do có những ý kiến phê bình gay gắt, Nhà xuất bản Mỹ Thuật quyết định thu hồi cuốn sách. Công ty Nhã Nam cùng họa sĩ Thành Phong đã sàng lọc lại, bỏ đi những bức tranh có phần nhạy cảm, bổ sung thêm một số minh họa mới và tổ chức triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Tràng Tiền, Hà Nội) vào cuối tháng 3/2012. 

PGS, TS. Ngữ văn Nguyễn Thị Bích Hải

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang