Bằng chứng mới về ‘hoạt động sống’ của hành tinh lùn Pluto

author 09:55 25/07/2015

(VietQ.vn) - Những bức ảnh mới nhất của Sao Diêm Vương (Pluto) do NASA công bố đã cho thấy các hoạt động địa chất kỳ lạ và những khám phá mới liên quan đến bầu khí quyển của hành tinh lùn này.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Theo National Geographic, những bức ảnh được công bố hôm 24/7 chủ yếu tập trung vào khu vực có tên Rombaugh Regio hay còn được gọi là “trái tim” trên bề mặt Sao Diêm Vương. Đây là khu vực bao gồm nhiều kiểu địa hình đa dạng và độc đáo. Phía Tây của vùng “trái tim” tập trung những dãy núi băng, trong khi đó tại phía bắc là cánh đồng băng khổng lồ Sputnik Planum.

Sau khi phân tích những bức ảnh trên, hai nhà nghiên cứu Alen Stern và Bill McKinnon đã đưa ra bằng chứng cho thấy sự chuyển động của băng ni-tơ trong khu vực “trái tim”.

Những hình ảnh mới nhất của Sao Diêm Vương đã cho thấy nhiều điều thú vị về hành tinh lùn này

Những hình ảnh mới nhất của Sao Diêm Vương đã cho thấy nhiều điều thú vị về hành tinh lùn này. Ảnh NASA

Tại bờ mép của cánh đồng băng Sputnik Planum, dòng chảy của sông băng ni-tơ đang thường xuyên va chạm với phần địa hình trồi lên trên bề mặt Sao Diêm Vương. Tại phía Bắc, những dòng băng liên tục chảy quanh dãy Edmund Hillary và Tenzing Norgay, đồng thời góp phần tạo ra những miệng hố lớn.

Ông McKinnon nhận định, “Về mặt địa chất, băng ni-tơ, băng carbon monoxide, băng methane đều là những loại mềm và dễ uốn nắn, kể cả trên Sao Diêm Vương, không chỉ vậy, chúng còn chảy tương tự như những dòng băng trên Trái Đất.”

Những bức ảnh mới còn cho thấy một tầng khói bí ẩn trong bầu khí quyển của Sao Diêm Vương. Theo McKinnon, đội nghiên cứu đã đi đến giả thuyết cho rằng, hơi nóng thoát ra từ phía bên trong Sao Diêm Vương chính là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của vùng địa hình bằng phẳng và các dòng sông băng. Ông còn nhận định rằng có thể đại dương phía bên dưới bề mặt và lớp băng ni-tơ vẫn đang tao ra hơi nóng dẫn đến những thay đổi phía bên trên.

Hình ảnh bầu khí quyển của Sao Diêm Vương được ghi lại khi tàu New Horizons đã đi qua được 2 triệu km

Hình ảnh bầu khí quyển của Sao Diêm Vương được ghi lại khi tàu New Horizons đã đi qua được 2 triệu km. Ảnh NASA

Tầng khói chứa những phân tử tí hon này hình thành cách bề mặt 160km, cao gấp 5 lần so với mô hình giả định và vẫn còn là một điều bí ẩn cho đến ngày nay, nhà nghiên cứu Mike Summers tiết lộ với tờ The Guardian.

Đội nghiên cứu tin rằng, những phân tử bên trong tầng khói đã tạo ra màu đỏ nhạt cho bức màn che phủ này của Sao Diêm Vương. Rất khó để quan sát tầng khói rất mỏng nếu đứng trên bề mặt của Sao Diêm Vương nhưng nếu nó được chiếu sáng từ phía sau thì có thể nhìn thấy rõ. Tàu vũ trụ New Horizons đã thu được hình ảnh bầu khí quyển của Sao Diêm Vương khi bay qua nó được khoảng 2 triệu km.

Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng, màu sắc và địa hình đa dạng của Sao Diêm Vương là do quỹ đạo dài và lệch tâm của nó. Hành tinh lùn này mất 248 năm Trái Đất để đi hết 1 vòng xung quanh Mặt Trời và cực Bắc của nó nghiêng một góc 120 độ.

Đinh Ly 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang