Những độc hại chết người không ngờ từ băng phiến

authorThu Thảo 09:10 31/03/2017

(VietQ.vn) - Băng phiến thường được sử dụng để xua đuổi mối mọt. Tuy nhiên, đây chính là loại chế phẩm tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Theo báo Sức khỏe & đời sống, viên băng phiến (có người gọi là viên long não) là chế phẩm thường được cho vào tủ quần áo để đuổi mối mọt, gián, rận rệp. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, loại hóa chất này có thể gây ngộ độc.

Băng phiến được sản xuất từ hóa chất có tên napthalen lấy từ than đá hoặc từ quá trình tinh chế dầu hỏa. Naphtalen có tính thăng hoa, tức là có khả năng chuyển từ thể rắn sang thể khí mà không cần qua giai đoạn trung gian là chất lỏng ở điều kiện nhiệt độ bình thường. Do vậy, viên băng phiến để trong tủ sẽ bay hơi tạo mùi xua đuổi côn trùng, rận rệp.

Băng phiến có thể gây ngộ độc đối với người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ

 Băng phiến có thể gây ngộ độc đối với người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ

Tuy nhiên, mặc dù có thể xua đuổi gián rệp, băng phiến có thể gây ngộ độc cấp, nhất là đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Ngộ độc xảy ra khi nuốt nhầm hoặc hít quá nhiều hơi băng phiến trong môi trường kín, thiếu khí trời, không thông thoáng. Riêng ở trẻ nhỏ rất dễ bị ngộ độc vì khi mặc quần áo vừa lấy ra khỏi tủ có chứa viên thuốc này, hơi còn bám rất nhiều, lâu trên quần áo.

Mặt khác, băng phiến có thể hấp thu trực tiếp một phần qua da của trẻ, từ đó có thể gây độc với cơ thể của trẻ. Ngoài ra, nó còn gây ngộ độc mãn nếu hít chất này dưới dạng hơi trong thời gian dài.

Ngộ độc cấp: buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, vàng da, tiểu sậm màu, nhức đầu, bồn chồn, kích động, lú lẫn, co giật rồi hôn mê, thậm chí có thể tử vong.

Ngộ độc mãn: có thể gây vỡ hồng cầu làm thiếu máu, gây hoại tử gan, tổn thương thần kinh (nhất là ở trẻ nhỏ) làm mệt mỏi, cáu gắt, hay chóng mặt, làm việc kém, trẻ em thì chậm lớn. Bệnh nhân có thể tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp trên (mũi hầu, họng) và hô hấp dưới (khí quản, phế quản, phổi) mãn tính, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc (lớp nằm trong cùng của đáy mắt) làm giảm thị lực.

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Huy Nga - cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) - cho hay long não, loại được tổng hợp từ naphthalene độc hại, đã nằm trong danh sách chế phẩm diệt côn trùng gia dụng và y tế bị cấm năm 2008.

Theo các bác sĩ, từng có trường hợp trẻ nhầm băng phiến để trong tủ quần áo là kẹo và phải đi cấp cứu. Vì thế, các gia đình có sử dụng băng phiến nhằm bảo quản quần áo hoặc xua đuổi côn trùng nên để xa tầm tay trẻ em.

Cũng theo các bác sĩ, trẻ sơ sinh và trẻ thiếu men G6PD là nhóm dễ bị ngộ độc băng phiến chứa chất naphthalene nhất, vì thế không nên sử dụng băng phiến bảo quản quần áo của trẻ. Nếu đã sử dụng thì nên phơi quần áo có mùi băng phiến ngoài nắng để chất độc hại bốc hơi hết, trước khi cho trẻ mặc.

Với trẻ lớn, gia đình cũng cẩn thận tránh ngộ độc cho trẻ vì tính tò mò, hiếu động, do chỉ cần ngộ độc một viên băng phiến chứa naphthalene trẻ cũng có nguy cơ bị phá hủy tế bào máu.

Liều cao hơn, từ bốn viên băng phiến trở lên, trẻ có nguy cơ bị co giật. Xử trí cấp cứu tại nhà, theo các bác sĩ, nên nhanh chóng rửa sạch băng phiến dính ở miệng, da, tay trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện.

Theo ông Lê Trường Giang, các thử nghiệm trên chuột khi tiếp xúc với hơi naphthalene có trong băng phiến với nồng độ 30ppm liên tục 6 giờ/ngày, 5 ngày/tuần trong hai năm cho thấy naphthalene tác động mạnh đến sự phát triển các khối u phổi, mũi, dạ dày, đặc biệt với chuột cái (89% các trường hợp). Khi tiếp xúc với lượng lớn naphthalene, ở trẻ nhỏ sẽ xuất hiện tình trạng thiếu máu. 

Trẻ có thể tử vong nếu mẹ dùng băng phiến xua đuổi côn trùng(VietQ.vn) - Để chống rệp phá hoại quần áo, đuổi muỗi, mọt hay gián... nhiều bà nội trợ thường dùng miếng băng phiến cho vào tủ đồ nhưng ít ai biết rằng băng phiến có thể gây ngộ độc.

Thu Thảo (t/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang