Băng vệ sinh rởm bủa vây làng quê

author 06:31 12/07/2013

(VietQ.vn) - Nhái theo các nhãn hiệu băng vệ sinh nổi tiếng hoặc đóng thành từng bịch, bao bì là những vỏ nilon trong suốt không có các thông số chất lượng cần thiết… băng vệ sinh rởm đang hiện hữu ở nhiều tiệm tạp hóa, đại lý bán buôn bán lẻ và đặc biệt nhiều ở những làng quê.

Tràn lan trên thị trường

Một sản phẩm băng vệ sinh (BVS) tốt thì tối thiểu phải đạt những tiêu chuẩn cơ bản về vệ sinh an toàn (như hàm lượng khuẩn lạc, nấm mốc, độ an toàn với da v.v.) cũng như tiêu chuẩn cơ bản cho sử dụng (độ thấm hút phù hợp, tốc độ hút thấm tốt, bề mặt khô thoáng và chống thấm ngược...).

Các loại BVS của những nhãn hàng nổi tiếng như Diana, Kotex thường có mức giá khoảng 10.000 – 22.000 đồng/gói. Tuy nhiên, để tiết kiệm từ 3.000 – 7.000 đồng, nhiều chị em (thường là phụ nữ lao động tự do, thu nhập thấp, phụ nữ nông thôn) vẫn chấp nhận mua các loại BVS giá rẻ, không có kiểm định chất lượng để sử dụng.

Đó là những loại BVS không có nhãn mác, không hạn sử dụng, không thành phần, bao bì đơn giản hóa tới mức chỉ có một túi nilon trong suốt bọc vừa khít khoảng 10 miếng BVS phía trong. Để nổi bật, một số loại BVS có in họa tiết hoa trên miếng giấy dán hoặc vỏ bọc từng miếng BVS có màu hồng. Với mức giá “rẻ bèo” từ 5.000 – 7.000 đồng/gói, chúng vẫn được nhiều người sử dụng. Có chị em còn mua liền lúc cả bịch, khoảng 10 – 20 gói để hưởng mức giá ưu đãi hơn. Tại nhiều hàng tạp hóa ở Hà Nội, bên cạnh các thương hiệu BVS nổi tiếng thì cũng có trưng bày một số loại BVS giá rẻ này.

Có rất nhiều loại BVS nhái theo các thương hiệu nổi tiếng
Có rất nhiều loại BVS nhái theo các thương hiệu nổi tiếng

Đa số các vùng quê, BVS rởm thậm chí có phần lấn áp, nổi trội hơn hẳn những nhãn hàng đã có thương hiệu. Khảo sát tại một số làng, xã ở tỉnh Hưng Yên, hàng ngày vẫn có khá nhiều phụ nữ bán hàng rong, đi trên chiếc xe đạp và rao: “Ai giấy vệ sinh, băng vệ sinh nào”. Điều đặc biệt là những chiếc xe đạp rong này chỉ cung cấp toàn BVS rởm: bao bì đơn giản hoặc BVS có cái tên hao hao giống các nhãn hiệu nổi tiếng (nhái Kotex có Kotax, Kotek, Kilter; nhái Diana có Dibanco, Dictwn). Nếu muốn mua BVS có chất lượng thì người tiêu dùng buộc phải tới các hàng tạp hóa ở chợ (ở đây bán đồng thời cả BVS rởm và xịn).

“Gặp nạn”vì  băng vệ sinh rởm

Năm trước, trong dịp nghỉ hè về quê, chu kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường nên để “chữa cháy” trong tình huống khẩn cấp, T.H (Viện ĐH Mở) phải dùng tạm loại BVS nhái mà em gái con nhà chú ruột học lớp 8 ở quê đang dùng. H. khá băn khoăn về chất lượng của loại BVS này song trong lúc chần chừ thì nhận được lời trấn an của cô em họ: “Muốn mua loại chị nói thì phải xuống chợ cơ. Giờ chị cứ dùng tạm loại này rồi lát xuống đó mà mua. Em vẫn dùng bình thường chứ không sao đâu”.

Không còn cách nào khác, H. đành dùng tạm loại BVS được em họ rỉ tai. Mọi chuyện cũng không có gì bất ổn cho đến khi đi vệ sinh, H. phát hiện ra BVS mình đang dùng đã bị bong mất lớp lưới ở phía trên bề mặt, những cục bông vón lại lộ hẳn ra, trông rất sợ. Ngay sau đó H. đã phải tức tốc xuống chợ để tìm mua loại BVS vẫn hay dùng. “Từ dạo đó, tôi đều mua sẵn BVS đảm bảo chất lượng để sẵn trong tủ quần áo, lúc nào cần thì dùng chứ không dám dùng lung tung nữa”, H. cho biết.

Không chỉ H., nhiều chị em khác cũng từng lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi dùng BVS kém chất lượng như: ngứa ngáy vùng kín, bị trào kinh nguyệt ra ngoài…

Những loại BVS đơn giản tuyệt đối thế này xuất hiện ở hầu khắp các làng quê Việt Nam
Những loại BVS đơn giản tuyệt đối thế này xuất hiện ở hầu khắp các làng quê Việt Nam

Trao đổi về vấn đề này, BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội) cho biết, các loại BVS sởm thường không đảm bảo chất lượng, độ thấm hút rất kém, không đạt tiêu chuẩn khử trùng, khi dùng rất dễ xảy ra tình trạng bông một nơi, lưới một nẻo. Nếu chị em dùng các sản phẩm này trong thời gian dài có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, ngứa ngáy vùng kín, viêm nhiễm phụ khoa, nặng hơn có thể dẫn tới tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung.

Khi được hỏi, BVS rởm liệu có nguy cơ gây ung thư, BS Dung cho rằng chưa thể khẳng định dùng băng vệ sinh kém chất lượng sẽ gây ung thư. Bởi theo bà, những cơ sở sản xuất trái phép BVS có thể dùng các nguyên liệu kém chất lượng hơn để giảm giá thành một chút, nếu họ không có mưu đồ cho chất độc hại gì vào bên trong BVS thì không thể gây ra ung thư.

Lam Phong 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang