Bánh kẹo bán cân không nhãn mác tung hoành tại chợ Tết

author 07:10 12/02/2018

(VietQ.vn) - Không nhãn mác, không bao gói theo chủng loại nhiều loại bánh kẹo, mứt được đựng đơn giản ở những bao nilon bên ngoài đính kèm tên gọi và giá. Các sản phẩm này đang rất hút khách tại các chợ Tết.

Chợ Nguyễn Tri Phương (Phường 6, Quận 10, TP.HCM) những ngày giáp Tết, hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ cho Tết Nguyên đán được các tiểu thương nhập về bày bán ngập chợ. Bên cạnh những thực phẩm, hoa quả chủ yếu là hàng Việt Nam, được vận chuyển từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ như rau củ Đà Lạt, Xoài cát Hòa Lộc, Vú sữa, quýt đường, dưa hấu... thì các gian hàng bán bánh kẹo, các loại hạt khô, mứt thu hút rất đông khách hàng chọn mua.

Bánh kẹo "3 không" bán tràn lan tại các chợ Tết tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh Bảo Anh 

Theo quan sát của PV, tất cả các loại bánh kẹo được bán theo cân bày bán tại chợ Nguyễn Tri Phương đều không được bao gói theo từng chủng loại, không nhãn mác theo quy định, đặc biệt rất nhiều loại bánh kẹo có chữ nước ngoài nhưng không hề có nhãn phụ. Các loại bánh kẹo bán cân có giá khá rẻ chỉ từ 30.000 đồng, mứt các loại chỉ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng. Mức giá này đang rẻ hơn từ 10 - 20% so với các sản phẩm cùng loại.

Chị Vũ Phương Anh - tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết, bánh kẹo bán theo cân có cả loại trong nước và nhập khẩu. Để phục vụ cho nhu cầu người mua thì việc bán theo cân dễ tiêu thụ hơn loại được đóng gói.

"Nhiều người mua ít hoặc mua mỗi loại một ít cho đa dạng thì việc bán theo cân dễ hơn nhiều. Chưa kể bánh kẹo loại này có nhiều hương vị giá lại rẻ nên rất được nhiều người chọn mua", chị Phương Anh nói.

Giải thích về nguồn gốc các loại bánh kẹo không nhãn mác này, chị Phương Anh cho rằng, đều có hóa đơn chứng từ hết nhưng "không tiện đưa ra" và cam kết đều là hàng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng do nhập số lượng lớn nên không đóng gói nhỏ mà cho vào những bao lớn.

 Các loại mứt không nhãn mác cũng được bán nhiều dịp Tết Nguyên đán 2018. Ảnh Bảo Anh

Không chỉ bánh kẹo, tại đây nhiều gian hàng cũng bày bán các loại mứt "3 không" được tẩm màu bắt mắt, tất cả đều được để trong túi lớn, khách mua tới đâu lấy ra tới đó. Các sản phẩm này cũng không có hướng dẫn sử dụng, bảo quản hay hạn sử dụng.

Theo PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, đối với hàng hóa, nhất là thực phẩm "3 không" thì nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng là khá cao. Do đó, không nên mua những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là những hàng hóa giá rẻ, có màu sắc lòe loẹt, bắt mắt.

Ông Thịnh cũng cho rằng, để đảm bảo sức khỏe cho người thân và gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán, khi mua thực phẩm, người tiêu dùng phải lưu ý đến hạn sử dụng, trên nhãn phải thể hiện rõ nguồn gốc, có địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất hoặc của thương nhân.

"Khi có những thông tin này thì chứng tỏ rằng các sản phẩm này được công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định, trong trường hợp xảy ra sự cố có thể truy trách nhiệm của nhà sản xuất", ông Thịnh nói.

Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định, nếu hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng lại không ghi nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa, thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng. Mức phạt sẽ tăng lên nếu giá trị hàng hóa lớn hơn và mức tối đa của mức xử phạt là phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Ngoài mức phạt chính, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa theo đúng quy định theo quy định tại Điều 25 của Nghị định 80/2013 của Chính phủ.

Còn hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu theo quy định phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn phụ phải được dịch nguyên bản từ nhãn gốc; Nếu hành hóa không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi thì mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng và mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng theo khoản 4 Điều 26 Nghị định 80/2013 của Chính phủ.

 

Tỉnh táo trước món khô bò không nhãn mác bán đầy chợ ngày giáp Tết(VietQ.vn) - Khô bò là món ăn được nhiều người thích khi nhâm nhi cùng gia đình, bạn bè trong ngày Tết. Tuy nhiên một thực tế hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều khô bò không nhãn mác.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang