Bánh trung thu cao cấp: Cuộc đua thương hiệu

author 11:55 04/09/2013

Nhiều dòng bánh Trung thu độc, lạ, siêu đắt với giá trên dưới cả chục triệu đồng/hộp vẫn được tung ra thị trường, trong khi lượng tiêu thụ dòng bánh bình dân rất chậm. Một số chuyên gia cho rằng, bánh cao cấp không nhằm mục tiêu kinh doanh mà là đánh bóng tên tuổi của đơn vị làm ra nó.

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

 

Làm bánh Trung thu siêu đắt chỉ để lấy danh 1

Quầy bán lẻ bánh Trung thu trên phố Bà Triệu (Hà Nội). Ảnh: TL.

Cuộc đua “tên tuổi”

Khách sạn Daewoo (Hà Nội) vừa mới tung ra dòng bánh Trung thu đắt nhất thị trường tính đến thời điểm này, với hộp bánh có giá lên tới 16,2 triệu đồng/hộp. Chị Nguyễn Minh Hằng, nhân viên bán bánh tại khách sạn Daewoo cho biết: “Giá cao hay thấp phụ thuộc vào phụ kiện đi kèm là trà hay rượu hoặc bao gồm cả trà và rượu”.

Giá cao thứ hai là dòng bánh của khách sạn Hà Nội, với Vương Kim Tri Ngộ Ballantine’s 30 có giá 11,998 triệu đồng/hộp. Hộp bánh gồm 4 bánh to nhân sen trắng, 2 lòng đỏ trứng mặn và 1 chai rượu 30 năm tuổi. Như vậy, sản phẩm này không có bất cứ sự khác biệt nào so với năm ngoái. Khách sạn Hà Nội cũng có nhiều sản phẩm cao cấp khác như Vương Kim Tri Ngộ Ballantine’s 21 giá 6,698 triệu đồng, Kim Long Kết Nguyệt Chivas 21 giá 6,298 triệu đồng…

Cũng tung ra thị trường dòng sản phẩm độc và lạ không kém là bánh Trung thu của khách sạn Sofitel với bao bì mạ vàng 24k làm hoàn toàn thủ công. Theo khách sạn này, bởi sự cầu kỳ, công phu của sản phẩm nên khách hàng nếu muốn mua cũng phải đăng ký trước từ 3- 4 ngày mới có hàng. Mỗi hộp bánh hình rồng mạ vàng được bán với giá 6,4 triệu đồng, loại hộp hình cá mạ vàng có giá gần 3,5 triệu đồng.

Không hề kém cạnh, khách sạn Fortuna Hà Nội cũng đưa ra thị trường những hộp bánh mạ vàng 24k hình rồng với giá gần 6,5 triệu đồng/hộp hoặc hình cá có giá trên 3,5 triệu đồng/hộp. Muốn có những hộp bánh này, khách hàng phải đặt trước ít nhất 4 ngày...

Nhà hàng Long Đình cũng giới thiệu dòng bánh hạng sang Long đình An Quý với mức giá 4,3 triệu đồng/ hộp. Bên trong hộp bánh gồm 8 chiếc bánh nhỏ kèm theo chai rượu 17 năm tuổi.

Dạo qua một số hãng bánh vẫn được cho là phổ thông như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Đồng Khánh... các sản phẩm chủ đạo được bày bán vẫn là những hộp bánh có mức giá từ 300.000đ đến 800.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, không hãng bánh nào bỏ sót phân khúc bánh cao cấp đắt tiền được sử dụng cho mục đích làm quà biếu tặng.
 
Làm bánh Trung thu siêu đắt chỉ để lấy danh 2

Bánh trung thu Long Đình - một trong những tiệm ra nhiều dòng bánh cao cấp. Ảnh: MH.

Đắt bởi… vỏ hộp

Một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, nhiều đơn vị làm bánh Trung thu hạng sang, độc, lạ, siêu đắt không chỉ nhằm mục đích biếu tặng mà còn để khẳng định đẳng cấp, gây sự chú ý để được giới truyền thông “hâm nóng” tên tuổi. Thực tế những hộp bánh đó đưa ra thị trường rất có hạn, muốn có thì khách hàng phải đặt trước, nhiều khi cũng chỉ là để “lòe” tên tuổi lẫn nhau vì đơn vị làm những dòng bánh siêu đắt này chủ yếu là những khách sạn lớn.

Ông Nghiêm Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phân tích kinh tế xã hội Hà Nội phân tích: “Bánh Trung thu càng được khoác áo cao cấp, giá siêu đắt thì nhà sản xuất càng lãi khủng. Nhưng xét cho cùng, nhiều khi sản phẩm bánh Trung thu cao cấp không phải mục tiêu kinh doanh của những đơn vị làm ra nó. Vì nhận diện lại những đơn vị làm ra dòng bánh siêu đắt này chủ yếu là khách sạn lớn, cao cấp. Bánh Trung thu có đắt đến trên chục triệu đồng nhưng khoản thu với số lượng có hạn lại phải đi kèm rượu quý, chè sang thì mức lãi cũng chẳng thấm là bao so với số tiền họ cho thuê phòng với giá vài nghìn USD/phòng/ngày. Vì vậy, làm bánh siêu đắt chỉ để khẳng định đẳng cấp, làm nổi thêm tên tuổi mà thôi”.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, bánh Trung thu cao cấp chủ yếu đắt ở vỏ hộp làm sang như mạ vàng, làm thủ công, đầu tư nhiều công sức, tiền của cho thiết kế. Còn nhân bánh có quý hiếm đến mấy thì số lượng cũng rất hạn chế, rất khiêm tốn vì mỗi chiếc bánh Trung thu nặng nhất cũng chỉ 300g, còn vỏ bánh vẫn làm bằng gạo nếp với mức giá bình dân. “Theo quan điểm của tôi, nhân càng cao lương mỹ vị, càng quý hiếm, nhiều đạm thì càng... nhanh hỏng. Nếu không nhanh hỏng thì nhà sản xuất lại cho quá nhiều chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe”, ông Phú nói.
 
Theo Giadinh.net
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang