Bánh trung thu “ngập” giữa tin đồn

author 14:44 06/09/2013

Gần đây một số trang mạng xã hội đưa ra nhiều cảnh báo về bánh trung thu: nhân đậu xanh giả làm từ tinh bột; khay làm bánh của cơ sở gia truyền toàn bằng nhựa độc hại.

 Hoặc chất màu nhũ kim trên vỏ hộp dễ thôi nhiễm vào bánh gây nguy hiểm cho người ăn… Những điều tiếng trên khiến người tiêu dùng vừa ăn vừa… lo.

Cảm giác bất an thường trực của người tiêu dùng với thị trường thực phẩm là lý do bánh trung thu đang “ngập” giữa tin đồn. Ảnh: Lê Kiên
Cảm giác bất an thường trực của người tiêu dùng với thị trường thực phẩm là lý do bánh trung thu đang “ngập” giữa tin đồn. Ảnh: Lê Kiên


Tiếng xấu râm ran

Tại TP.HCM, bà Chu Thị Ngọc Lan (quận 6) kể, nghe nói làm bánh trung thu rất dễ, thế là bà ra chợ mua hai gói nhân trộn sẵn là đậu xanh và khoai môn về tập làm. Khi ăn thử bà phát hiện, khoai môn màu tím có vị… khoai lang, còn đậu xanh là bột được ướp màu. Một câu chuyện khác, nhà có vách liền kề với cơ sở làm bánh trung thu nhưng bà Nguyễn Thị Ba (quận 11) tuyệt đối không mua bánh để ủng hộ hàng xóm. Người thân hỏi bà mới tiết lộ, nhà kế bên sử dụng một loại nguyên liệu gì đó có màu vàng, sau đó gọt thành hình viên tròn rồi mang đi nướng, tò mò hỏi thêm bà mới biết “nướng để dậy lên mùi hột vịt muối”.

Ngoài hai chuyện trên, chúng tôi ghi nhận được thắc mắc của nhiều người, rằng bánh để cả tháng không bị mốc chắc chắn có hoá chất, nào là bánh quá hạn nên mới đại hạ giá… Những lời rỉ tai ấy cũng xuất hiện nhiều trên các nhật ký trực tuyến, một trang mạng cá nhân còn đưa thông tin một thương hiệu bánh trung thu khá lớn làm nhân bánh bằng tinh bột giả đậu xanh, để với giá vốn chỉ 5.000 đồng thành cái bánh thơm phức trên kệ có giá 80.000 đồng (?) Không chỉ vậy, còn có thông tin lớp nhũ kim lóng lánh phủ bên ngoài hộp nhựa sẽ phai ra, bám vào bánh và như vậy ăn rất độc. Đó là chưa kể chất lượng của loại nhựa làm ra cái vỏ này, nào ai biết nó xuất xứ từ đâu và thành phần là gì!

Tìm hiểu tại một số chợ, chúng tôi thấy có nhiều loại nhân bánh trung thu trộn sẵn như đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ, trà xanh, mè đen… được đóng trong gói nilông, giá 50.000 – 60.000đ/kg. Còn nhân thập cẩm thì có thể mua các loại mứt làm sẵn về trộn tuỳ thích. Khay nhựa đựng bánh trung thu tại các chợ, có nhiều loại như sáng trong, trắng đục, trắng ngà, vàng… giá 10.000 – 15.000đ/100g, chủ yếu làm từ hạt nhựa PP, ứng dụng kỹ thuật cán màng định hình. Một số loại khay được phủ thêm một lớp nhũ hoặc trộn nhũ vào trong nhựa trước khi cán màng cho bắt mắt. Theo anh Trần Minh Trung, giám đốc một công ty ép nhựa ở quận Tân Phú, khay bánh sử dụng nhựa PP nguyên sinh thì không vấn đề gì, còn nhựa PP tái chế không được sử dụng cho đóng gói thực phẩm.

Cần tỉnh táo chọn lựa

ThS Trần Trọng Vũ, giảng viên khoa công nghệ thực phẩm, đại học Công nghệ Sài Gòn, cho rằng: “Nếu nhân bánh đậu xanh chỉ làm từ tinh bột mà có cấu trúc, trạng thái giống đậu xanh, vẫn ngon và an toàn thì tôi cho rằng việc này cũng không có gì to tát, bởi không ai ăn bánh trung thu vì giá trị dinh dưỡng của nó cả, thậm chí có người còn muốn ăn bánh trung thu ít dinh dưỡng một chút để đảm bảo sức khoẻ”.

Ông Vũ cho biết, chuyện hoá chất từ bao bì thôi nhiễm vào thực phẩm thông qua tiếp xúc trực tiếp đã được biết đến và nghiên cứu từ lâu. “Tuy nhiên, do bản chất bao bì nhựa là một khối rắn và có cấu trúc chặt chẽ, nên hiện tượng thôi nhiễm cũng phụ thuộc nhiều yếu tố, như quá trình tổng hợp vật liệu, lượng phụ gia, quá trình in ấn trên bao bì… Thông thường tỷ lệ phụ gia trong bao bì sẽ tăng theo tỷ lệ vật liệu tái chế. Thời gian và mức độ tiếp xúc của bao bì với thực phẩm cũng là một yếu tố ảnh hưởng. Với các bao bì đảm bảo tiêu chuẩn tiếp xúc với thực phẩm thì 1 – 3 tháng là ngắn và nguy cơ thôi nhiễm không cao”, ông Vũ khẳng định.

Riêng về các khay nhựa chứa bánh trung thu có thôi nhiễm vào thực phẩm hay không và mức độ an toàn thế nào, các chuyên gia cho rằng chỉ có thể nhờ cơ quan chức năng kiểm tra theo các quy định chi tiết về bao bì tiếp xúc với thực phẩm và giới hạn thôi nhiễm cho phép. Thông thường, các cơ sở sản xuất thực phẩm không thể tự kiểm tra độ an toàn hoá chất của bao bì mà chỉ có thể yêu cầu các cơ sở sản xuất bao bì cung cấp giấy chứng nhận bao bì đảm bảo an toàn khi chứa thực phẩm mà thôi.

Theo TS Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa kỹ thuật hoá học, đại học Bách khoa TP.HCM, cách tốt nhất là không mua hàng trôi nổi, nên chọn mua sản phẩm của những công ty đã đăng ký chất lượng. Các thương hiệu có uy tín đều ghi hạn sử dụng trên bao bì. Khi mua bánh người tiêu dùng nên chọn loại có bao bì nguyên vẹn, hàn kín, không bị thủng; có tên bánh, cơ sở sản xuất, thành phần, hạn sử dụng rõ ràng; bánh không dấu hiệu bị mốc hay giập vỡ, không có mùi lạ…

Bánh không mốc chưa chắc an toàn
 
Bà Tô Ánh Nguyệt, chuyên gia ẩm thực cho biết: do hạ giá để cạnh tranh nên một số nhà sản xuất sử dụng phụ gia công nghiệp cho rẻ và sản phẩm bắt mắt hơn. Nhân làm bánh trung thu trộn sẵn của Trung Quốc để một năm không hư, trong khi nếu được làm từ nguyên liệu tự nhiên không phụ gia, đóng gói hút chân không, thời hạn sử dụng chỉ 3 – 6 tháng. Như vậy, nhà sản xuất đã cho vào một lượng chất chống mốc rất lớn.

Theo SGTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang