Bánh trung thu và mối hiểm họa 'mất an toàn vệ sinh thực phẩm'

author 10:04 22/09/2015

(VietQ.vn) - Cận kề Tết Trung thu thị trường các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu đã khá nhộp nhịp. Tuy nhiên, qua kiểm tra, có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu bẩn, không đúng quy trình.

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Đóng cửa im ỉm để né tránh kiểm tra

Xung quanh bức xúc của người dân về chất lượng bánh trung thu năm nay, PV báo Lao Động đã tìm hiểu một xưởng làm bánh tại làng sản xuất bánh trung thu truyền thống Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Trong vai khách hàng muốn nhập một lượng lớn bánh trung thu về đại lý bán, PV ghé vào cơ sở sản xuất bánh H.S và được chủ cửa hàng đon đả giới thiệu về các loại bánh cũng như “dây chuyền” làm bánh “sạch nhất Xuân Đỉnh”.

Chị Loan (chủ cửa hàng) tự hào khoe: “Lúc có đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, các nhà xung quanh đều đóng cửa im ỉm để né tránh còn cửa hàng nhà chị vẫn mở cửa hoạt động bình thường”.Theo quan sát của PV, bột và nhân làm bánh đều được nhân viên nhào, nặn bằng tay trần. Chưa kể, bột bánh vương vãi khắp nơi trên nền gạch ẩm ướt trộn lẫn cùng đất cát từ giày dép khiến sàn nhà vốn đã nhớp nháp lại càng trở nên nhầy nhụa.

Lực lượng chức năng của TP Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh trung thu

Lực lượng chức năng của TP Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh trung thu. Ảnh: Người Lao Động

Các thùng đựng nguyên liệu cũng “vô tình” được bày ngổn ngang trên sàn nhà. Chưa hết, chủ cửa hàng còn tiết lộ sự thật: “Cửa hàng bánh thu B.P (Thụy Khuê, Hà Nội) mà dân tình hay xếp hàng mua thực chất toàn nhập hàng dưới này để mang lên bán. Xe chở hàng thường hoạt động vào ban đêm nên ít người biết là phải”. “Nhiều khi họ chỉ nhập bánh loại rẻ khoảng 20.000 đồng/chiếc rồi bán khống lên tới 50.000 - 60.000 đồng/chiếc, chẳng qua là chỗ làm ăn anh em nên chúng tôi mới đồng ý bán giá đó” - chị Loan khẳng định.

Như vậy, sau hàng loạt sai phạm bị các cơ quan chức năng “sờ gáy” trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Xuân Đỉnh vẫn “đủng đỉnh” như chưa hề có gì xảy ra. Chưa kể, hàng tấn nguyên liệu “bẩn” vẫn đang được bày bán trôi nổi trên thị trường, ngay chính các con phố trung tâm mà không hề có sự kiểm định của cơ quan ATVSTP.

Thêm nhiều cơ sở “bẩn” bị phát hiện

Theo báo Người Lao Động, sáng ngày 21/9, tại cơ sở sản xuất bánh ngọt (địa chỉ 64-66 Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa), đoàn phát hiện nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo không có thông tin về xuất xứ, ngày sản xuất và 160 kg nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Tại cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu (địa chỉ 38 Đê Tô Hoàng, phường Ô Cầu Dền), đoàn cũng phát hiện nhiều mẫu bánh nướng, bánh dẻo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu ở 164 Kim Ngưu (phường Thanh Nhàn) không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP...Sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra đột xuất 2 cơ sở sản xuất bánh trung thu Mesa và Long Đình (quận Hai Bà Trưng), lấy nhiều mẫu bánh để xét nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục kiểm tra để bảo đảm các loại bánh trung thu hết hạn sử dụng phải bị tiêu hủy.

 Nhân viên một xưởng sản xuất bánh trung thu tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) “tay không nặn bánh” - vi phạm tiêu chuẩn ATVSTP.

 Nhân viên một xưởng sản xuất bánh trung thu tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) “tay không nặn bánh” - vi phạm tiêu chuẩn ATVSTP. Ảnh: Lao Động

Bánh “nhà làm” cũng đầy nguy cơ mất vệ sinh

Nhiều người dân “mất lòng tin” vào bánh trung thu bày bán tại các cửa hàng đã quyết định tự mua nguyên liệu về nhà làm bánh. Những ngày này, theo khảo sát của PV Báo Lao Động tại phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi nổi tiếng chuyên bán các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm - luôn tấp nập “người mua kẻ bán”.

Theo nhiều chủ cửa hàng, các nguyên phụ liệu làm bánh trung thu như bột làm bánh, các loại nhân như mứt bí, hạt sen, hạt dưa, lạp sườn, trứng muối, đậu xanh… và hương liệu như nước đường bánh dẻo, nước đường bánh nướng, nước hoa bưởi… được rất nhiều người hỏi mua và bày bán la liệt công khai ngay trên vỉa hè. Tại đây, các túi bột và mứt được buộc chun, ghi “nguệch ngoạc” vài chữ sơ sài trên vỏ bao.

Bên cạnh đó, các can nhựa đựng hương liệu được ghi bút dạ ngoài vỏ can để “phân biệt” chủng loại. Hầu hết các nguyên liệu được đóng gói sơ sài, không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng trên vỏ bao khiến người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc xuất xứ.

Tiểu Quyên (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang