Báo chí, truyền thông về khoa học và công nghệ đã có bước chuyển mình mạnh mẽ

author 11:36 18/07/2020

(VietQ.vn) - Chánh Văn phòng Bộ KH&CN đánh giá, thời gian qua, báo chí, truyền thông cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về chất lượng nội dung cũng như các phương thức tiếp cận vấn đề khó như khoa học và công nghệ.

Phát biểu tại Hội thảo “Báo chí với công tác truyền thông khoa học và công nghệ” vừa diễn ra, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, trong bối cảnh đất nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngành KH&CN đã tích cực đổi mới và xây dựng nhiều cơ chế, chính sách cho sự phát triển của đất nước.

“Thực tế hiện nay cho thấy KH&CN và đổi mới sáng tạo đã tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp. KH&CN đã thực sự đi vào cuôc sống và thực sự đi vào các khâu sản xuất như chọn giống, canh tác, nuôi trồng, bảo quản…”, ông Trần Quang Tuấn nói.

Ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phát biểu tại Hội thảo. 

Cũng theo ông Trần Quang Tuấn, song song với sự chuyển mình của ngành KH&CN, các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua cũng đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm truyền tải những chính sách mới, truyền thông những cách làm hay, mô hình tốt cũng như đưa ra những phân tích, đóng góp về mặt chính sách cho sự phát triển chung của ngành KH&CN.

“Có thể thấy, trong nhiều năm gần đây, KH&CN ngày càng được dư luận quan tâm. Trong kết quả này có sự đóng góp lớn của phóng viên viết về KH&CN. Đội ngũ các nhà báo, phóng viên đã miệt mài, đi sâu, đi sát và truyền tải những kết quả rất nổi bật của ngành. Đặc biệt, những bài báo liên quan đến KH&CN có sự lan tỏa, có sự đồng hành rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam”, ông Trần Quang Tuấn nhấn mạnh.

Cùng phát biểu tại Hội thảo, ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) nhấn mạnh, thời gian qua, cơ quan này đã thực hiện chỉ đạo từ Bộ KH&CN để tiến hành triển khai, kết nối, hỗ trợ đưa các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống sản xuất, đặt biệt là ở vùng sâu vùng xa. Mặc dù cho đến nay, các dự án, chương trình đã bước đầu có những kết quả tích cực nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định. Trong đó, có hạn chế về nhận thức, trình độ hiểu biết của người dân ở vùng sâu, vùng xa liên quan tới những thông tin về các chương trình, dự án đưa KH&CN vào sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) phát biểu tại Hội thảo.

Từ thực tế này, ông Chu Thúc Đạt cho rằng, thời gian tới, cần có sự vào cuộc, tham gia mạnh mẽ hơn nữa có đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, đội ngũ truyền thông về KH&CN để góp phần truyền tải nhanh chóng, chính xác thông tin về hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN đến với các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này sẽ góp phần lớn để các dự án, chương trình được lan tỏa, thành công hơn.

“Những năm qua, chúng tôi rất vui mừng vì đã có sự đồng hành của đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, hoạt động KH&CN, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Báo chí, truyền thông chính là kênh thông tin để giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về ứng dụng KH&CN vào đời sống sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân”, ông Chu Thúc Đạt nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo 

Đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông đối với việc thông tin về hoạt động KH&CN, ông Nguyễn Mai Dương, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cũng đã dành lời cảm ơn tới đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong thời gian qua đã cùng sát cánh, chia sẻ thông tin về những nhiệm vụ, kế hoạch, định hướng mà ngành KH&CN đã và đang triển khai tới đông đảo công chúng.

“Thời gian qua, bằng sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm với công việc, đội ngũ báo chí, truyền thông về KH&CN đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy, làm lan tỏa hiệu quả các hoạt động KH&CN đến với công chúng. Các nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã có nhiều bài viết, sản phẩm báo chí có nội dung chuyên sâu. Đặc biệt là những bài viết mang tính phân tích, nhận định về tính hiệu quả, triển vọng của những định hướng mà ngành KH&CN đã và đang triển khai cũng như hiệu quả thiết thực của các chương trình, hoạt động KH&CN đối với đời sống xã hội. Chính các nhà báo, phóng viên, biên tập viên cũng là những người đã tích cực có những góp ý, chia sẻ về những điểm còn hạn chế để qua đó chúng tôi có những đánh giá, thảo luận, phối hợp cùng với các đơn vị liên quan nhằm điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn sản xuất, giúp các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Mai Dương cho biết.

Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Nguyễn Mai Dương đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông trong việc thông tin về các hoạt động KH&CN. 

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, thời gian qua, báo chí, truyền thông cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về chất lượng nội dung cũng như các phương thức tiếp cận vấn đề khó như KH&CN. Đội ngũ báo chí, truyền thông cũng đã có sự tham gia, tiếp cận sâu hơn với các đối tượng đòi hỏi chuyên môn như lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, hoạt động KH&CN trong lĩnh vực y tế… Bước chuyển này vừa thể hiện sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, vừa khẳng định vai trò, vị thế của ngành KH&CN, chứng minh rằng KH&CN là lĩnh vực ngày càng được dư luận quan tâm sát sao.

“Cái khó của người làm nội dung về KH&CN là phải tiếp cận với các vấn đề mang tính chuyên sâu, đòi hỏi nhiều công sức và nhiều thời gian. Ví dụ như đối với các giao dịch online, chỉ cần một cú click chuột là có thể nhận được hàng, người mua sẽ biết ngay tiền lãi (kết quả) mà mình nhận được là bao nhiêu.

Tuy nhiên, với các chương trình, dự án, hoạt động KH&CN triển khai vào đời sống đôi khi phải mất một thời gian dài mới có thể thấy được hiệu quả. Lấy ví dụ gần nhất là dự án trồng xoài ở Mai Sơn (Sơn La), thời gian để nghiên cứu giống, triển khai trồng cũng đã mất khoảng 2-3 năm, chưa kể đến thời gian chăm sóc, cây sinh trưởng, cho quả. Tính đến khi thu hoạch cũng mất thêm vài năm nữa. Chỉ đến lúc đó, mới có thể đánh giá hiệu quả của chương trình đến đâu.

Như vậy, có thể thấy, để đưa được thông tin về hiệu quả của các chương trình này, đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên phải bám sát, đồng hành cùng đơn vị triển khai trong nhiều năm, bỏ ra nhiều công sức để có những bài viết hay mang hiệu ứng tốt", ông Nguyễn Mai Dương nhấn mạnh.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang