Báo động chè xuất khẩu không đạt chuẩn

author 13:57 24/12/2012

(VietQ.vn) - Ngành chè Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Trong số 93 mẫu chè của các công ty, doanh nghiệp gửi đi phân tích tại Đức, có tới 49 mẫu phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Chất lượng không ổn định cùng với việc không có thương hiệu đã khiến sản phẩm chè của Việt Nam luôn bị ép giá khi xuất khẩu (Ảnh minh họa)
Chất lượng không ổn định cùng với việc không có thương hiệu đã khiến sản phẩm chè của Việt Nam luôn bị ép giá khi xuất khẩu (Ảnh minh họa)

 Xuất khẩu chè bứt phá, song nỗi lo vẫn còn

Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) 150.000 tấn chè, tăng 15% so với năm 2011 và đạt khoảng 220 triệu USD. Tuy nhiên năm 2012 cũng là năm ngành chè phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức trong xuất khẩu, đó là tình trạng mẫu chè xuất khẩu không đạt chuẩn tiếp tục tái diễn. Mặc dù Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Chè Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp, hầu như chưa có chuyển biến.

Về yêu cầu chất lượng và kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, nhiều quốc gia NK chè lớn của Việt Nam hiện nay đều không có yêu cầu cao (Pakistan chưa có yêu cầu về kiểm soát chất lượng và dư lượng thuốc BVTV; Đài Loan đã có yêu cầu nhưng chưa theo tiêu chuẩn EU; Indonesia, Malaisia chưa có yêu cầu...).

Mặc dù vậy, một số thị trường lớn khác như Ba Lan, Nga... hiện nay cũng đã chuẩn bị có kế hoạch kiểm soát chất lượng và dư lượng chè NK theo các quy định hiện hành của EU. Điều này đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức về XK chè, khi mà tình hình kiểm soát chất lượng và dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm chè của Việt Nam đang chưa thật sự chặt chẽ.

Một báo cáo mơi đây của Hiệp hội Chè Việt Nam cho thấy, có quá nhiều mẫu chè gửi đi kiểm nghiệm chất lượng ở nước ngoài không đạt chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu do không kiểm soát được quá trình sản xuất từ trồng đến chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản...

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp Hội Chè Việt Nam cho biết: “Thị trường châu Âu đã rất khó vào, nay một số khách hàng lớn như Afghanistan, Nga, Trung Quốc, các nước Trung Đông… chuẩn bị áp theo tiêu chuẩn của EU, bởi vậy ngay từ bây giờ các cơ sở chế biến chè phải chấn chỉnh hoạt động, nếu không sẽ rất khó khăn”.

Thực tế việc sản xuất, chế biến chè nhiều năm nay luôn trong tình trạng không thể kiểm soát được việc sử dụng thuốc trừ sâu và các loại hóa chất. Do đó tỷ lệ số mẫu chè không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn rất cao và chiếm hơn nửa số mẫu gửi đi kiểm nghiệm.

Theo ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam: “Cả nước hiện có trên 300 cơ sở chế biến chè lớn nhỏ, công nghiệp và thủ công thì có tới 85% cơ sở mua nguyên liệu trôi nổi không kiểm soát được chất lượng, 10% có hợp đồng mua bán giữa nhà máy với hộ dân trồng chè, chỉ 5% số nhà máy có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ chế biến. Điều này là rất đáng báo động”.

Vẫn câu chuyện thói quen trong sản xuất

Theo Cục BVTV, trong 10 tháng đầu năm 2012, Cục đã tiến hành lấy 30 mẫu chè tại thị trường Hà Nội và TP.HCM để phân tích 12 hoạt chất thuốc BVTV/mẫu. Kết quả cho thấy, không phát hiện mẫu chè nào chứa dư lượng thuốc BTVT vượt ngưỡng tối đa cho phép. Tuy nhiên, đã phát hiện 27/30 mẫu phát hiện có tồn dư thuốc BVTV, với số lượng từ 1-4 hoạt chất, nhưng thấp hơn mức dư lượng tối đa cho phép. Điều này cho thấy, nguy cơ mất ATTP trên chè vẫn còn rất tiềm ẩn.

Trong khi đó theo Hiệp hội chè Việt Nam, 90% sản lượng chè nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến hiện nay thuộc sở hữu của nông dân, và nông dân tự quyết định việc phun thuốc BVTV như thế nào. Điều này đang gây rất nhiều khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng và dư lượng thuốc BVTV.

Kết quả phân tích chất lượng 24 mẫu chè tại 8 tỉnh do Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm - thủy sản và Nghề muối thực hiện trong thời gian qua cũng cho thấy, vẫn còn phát hiện một số mẫu chè có tiêu chuẩn về hàm lượng, độ ẩm... không đạt yêu cầu. Kết quả kiểm tra, giám sát, đánh giá và phân loại cơ sở chế biến chè của cục này cũng cho thấy, tỉ lệ xếp loại A (đạt yêu cầu các chỉ tiêu về cơ sở chế biến) vẫn còn rất thấp.

Cụ thể trong tổng số 167 cơ sở chế biến chè tại 8 tỉnh SX chè trọng điểm của cả nước, chỉ có 15% số cơ sở đạt loại A, 49,7% số cơ sở đạt loại B và tỉ lệ cơ sở xếp loại C lên tới 32,3%.

Một số nhóm chỉ tiêu có tỉ lệ cơ sở không đạt yêu cầu rất cao như: 77/151 cơ sở kiểm tra (chiếm 51%) không đạt yêu cầu về việc công bố tiêu chuẩn chất lượng; 72% cơ sở không đạt yêu cầu quy định về quy trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa; 73% cơ sở không trang bị thiết bị giám sát chất lượng, đảm bảo ATVSTP trong quá trình chế biến; 43% cơ sở không thiết kế nhà xưởng đúng yêu cầu; 54% cở sở nhà xưởng không đạt tiêu chuẩn về điều kiện thông gió, hút bụi; 81% cơ sở không đạt yêu cầu về dụng cụ phòng chống côn trùng gây hại...

Theo khảo sát, có 70% các hộ trồng chè Việt Nam đã học hoặc biết trồng chè theo hướng sản xuất an toàn, tuy nhiên đa số vẫn làm theo thói quen ngay cả với việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ sâu...

Việc thu hái chè không đảm bảo kỹ thuật cũng ảnh hưởng lớn tới chất lượng chè. Về phía doanh nghiệp: 100% doanh nghiệp đã ý thức được việc áp dụng ISO và HACCP nhưng tỷ lệ đạt chứng nhận chưa cao, chỉ 30% doanh nghiệp áp dụng các chứng nhận quốc tế về sản xuất bền vững và an toàn như: VietGap, UTZ, RFA...

Thực tế năm 2012, nhiều sản phẩm chè từ các doanh nghiệp có uy tín vẫn giữ được chất lượng, đảm bảo được uy tín với khách hàng trong và ngoài nước, đem lại nguồn lợi lớn, giữ được thương hiệu chè Việt.

Tuy nhiên người tiêu dùng trong nước cũng từng được biết, dồn dập trong mấy năm trở lại đây, tình trạng tư thương nước ngoài tràn vào các vùng chè lớn của Việt Nam mua chè cả cành, sao chè trộn bùn đất rồi đưa đi các Hội chợ quốc tế để làm mất thương hiệu chè Việt Nam, nhằm tranh giành thị trường.

Bởi vậy ngành chè không chỉ tăng cường cảnh giác với kẻ xấu từ bên ngoài, mà phải tự đổi mới, nâng cao ý thức tạo nên các sản phẩm chè chất lượng, bền vững.

Thanh Uyên (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang