Báo động đá ốp lát nhân tạo gian lận xuất xứ gắn mác “Made in Viet Nam”

author 06:26 29/03/2019

(VietQ.vn) - Tình trạng đá ốp lát nhân tạo nhập khẩu từ Trung Quốc, gắn mác “Made in Viet Nam” để gian lận xuất xứ đánh lừa người tiêu dùng, hưởng lợi khi xuất khẩu đã đến mức báo động.

Thực tế hiện nay, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng.

Đáng chú ý là mặt hàng đá ốp lát nhân tạo, tình trạng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu, đã đến mức báo động.

Tọa đàm giữa Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội với các DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2018 

Tại buổi Tọa đàm giữa Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội với các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2018, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Vicostone, đơn vị chuyên sản xuất, xuất khẩu đá ốp lát nhân tạo- bức xúc cho biết, hiện ngành sản xuất đá ốp lát nhân tạo đang rất khó khăn do một số đơn vị trong nước, vì cái lợi trước mắt, đã tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc về, đóng mác sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ông Phạm Anh Tuấn kiến nghị, cơ quan Hải Quan cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, với những mặt hàng sản xuất như đá ốp lát nhân tạo, phải có cơ sở sản xuất mới được phép xuất khẩu.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều hàng hóa Trung Quốc, trong đó có đá ốp lát nhân tạo, đã tràn vào Việt Nam, mượn xuất xứ “Made in Viet Nam” để xuất khẩu nhằm hưởng lợi.

Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường, tác động xấu đến ngành sản xuất trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam sẽ bị đánh giá gia tăng lượng XK sang thị trường Hoa Kỳ. Khi nhận thấy thâm hụt thương mại với Việt Nam ngày càng tăng lên, Hoa Kỳ có thể gây sức ép, đưa ra chính sách gây khó khăn, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế- ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2018 đều cho rằng, nên lập ra một câu lạc bộ các doanh ngiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực, để có thể tăng cơ hội hợp tác hỗ trợ cùng phát triển, tạo thành thế bó đũa để cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Cùng với đó, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ về truyền thông… cho những đơn vị có sản phẩm công nghiệp chủ lực.

 
Năm 2018, Hà Nội đã công nhận 61 sản phẩm của 36 doanh nghiệp được tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2018 là các sản phẩm công nghệ cao, có năng lực sản xuất lớn, tăng trưởng mạnh, ổn định, và có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế của Thủ đô.
 

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- khẳng định, những thông tin, kiến nghị của các doanh nghiệp là hết sức quý giá, là cơ sở để Sở Công Thương Hà Nội tham mưu với Thành phố ra những quyết sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra được các sản phẩm công nghiệp chủ lực xứng tầm cho Thủ đô.

Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực đã được thành phố Hà Nội triển khai từ năm 2006. Trong những năm qua, sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Năm 2018, Hà Nội đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025 nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang