Báo động thực phẩm chức năng chứa chất cấm, không rõ nguồn gốc

author 05:52 26/03/2021

(VietQ.vn) - Chưa bao giờ thị trường lại ‘loạn’ các sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm, không rõ nguồn gốc như hiện nay khiến người tiêu dùng ‘sập bẫy’.

Thế giới hiện đại đang quay về với các hợp chất thiên nhiên có trong động vật và cây cỏ, khai thác kinh nghiệm y học cổ truyền và nền văn minh ẩm thực của các dân tộc phương Đông, hạn chế tối đa việc đưa hóa chất vào cơ thể - thủ phạm của các phản ứng phụ, quen thuốc, nhờn thuốc. Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Với những thành công bước đầu đã đạt được, cộng thêm những tiềm năng to lớn của đề tài nguyên sinh học là những cơ sở quan trọng để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại Thực phẩm chức năng (TPCN) - một lĩnh vực có nhiều triển vọng.

Theo lời PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF): "Việt Nam trong những năm trở lại đây được coi là thời gian bùng nổ các sản phẩm TPCN. TPCN được biết đến với nhiều tác dụng và công dụng như: chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật, hỗ trợ làm đẹp, tạo cho con người có sức khỏe sung mãn, hỗ trợ điều trị rất nhiều chứng và bệnh tật.

Trong xu thế phát triển của thế giới hiện đại, luôn kèm theo các nguy cơ gia tăng các bệnh mãn tính không lây. Đây là các bệnh chưa thể phòng bệnh bằng vaccin, mà cần thực hiện bổ sung thông qua các vitamin, các vi chất dinh dưỡng, các khoáng chất, các chất chống oxy hóa - đó chính là TPCN. 

Chính vì vậy, nói TPCN là công cụ dự phòng của thế kỷ XXI và việc thị trường này phát triển vũ bão cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề cần nhận thấy ở đây đó là nhận thức của người dân về TPCN còn hạn chế. Người tiêu dùng vẫn e dè khi tiếp xúc với TPCN do thiếu thông tin thực tiễn về tác dụng cũng như cách sử dụng TPCN. Nguy hiểm hơn, hiện nay do nhu cầu tăng cao kéo theo những hành vi, vi phạm về kinh doanh mặt hàng này cũng không ít, trong đó thủ đoạn kinh doanh hàng TPCN không rõ nguồn gốc, chứa chất cấm đang trở thành vấn nạn đáng báo động.

 

 Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chứa chất cấm tràn lan trên thị trường người tiêu dùng nên thận trọng. Ảnh minh họa

Nhập viện vì sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc

Mới đây, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện đã điều trị cho bệnh nhân 63 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận… do uống thuốc Nam chữa bệnh tiểu đường. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm, nhưng không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên, bột không rõ nguồn gốc về uống.

Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong những thuốc mà bệnh nhân sử dụng có một gói là phenformin - loại thuốc điều trị tiểu đường bị cấm từ lâu do gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người. “Thông thường, ngộ độc do phenformin gây tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50-60% trở lên. Thuốc này ngoài gây tụt đường huyết, còn gây tác dụng phụ toan lactic, suy thận nặng”, bác sĩ Nam cảnh báo.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhân N.M.P. (nam, 56 tuổi) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và đau bụng. Nguyên nhân ban đầu cũng được xác định là ngộ độc phenformin.

Theo PGS. Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), gần đây, Khoa liên tục tiếp nhận 5 bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian tự ý uống các loại viên hoàn để điều trị bệnh tiểu đường. Hệ quả là trong số các bệnh nhân đó đã có người tử vong. Kết quả xét nghiệm các viên tiểu đường hoàn mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin.

“Các bệnh nhân đều có tiền sử đái tháo đường nhiều năm, nhưng không điều trị bằng thuốc Tây, mà uống viên tiểu đường hoàn không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, được bán tràn lan, rất dễ mua. Các bệnh nhân đều vào viện với bệnh cảnh giống nhau như đau bụng, mệt mỏi, sốc, suy đa tạng, diễn biến xấu rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao”, ông Cơ nêu.

Thận trọng với thành phần gây hại da có trong mặt nạ giấy(VietQ.vn) - Hiện nay khá nhiều chị em tin tưởng phương pháp làm đẹp da bằng đắp mặt nạ giấy, tuy nhiên theo các chuyên gia người tiêu dùng không nên tin tưởng vào tác dụng của nó, thậm chí cần thận trọng với những thành phần bên trong.

Thực phẩm chức năng chứa chất cấm

Không chỉ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thời gian qua, nhiều loại thực phẩm chức năng nhập khẩu bị phát hiện chứa chất cấm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo 7 loại sản phẩm của Singapore chứa chất cấm nguy hại, trong đó kẹo sâm “cường dương” Hamer đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng có chứa chất N-desmethyl Tadalafil (chất kích dục).

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin về lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên giảm cân Giáng ngọc Eva, Health- Belief- Effective Detox Slimming Capsules, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea chứa chất cấm sibutramin. Một số sản phẩm chứa chất cấm sibutramine như Coco Curv, Choco Fit, Nutriline Cleansline, Kimiso Dark Chocolate...

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do chưa bị xử lý thích đáng, mà chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính, không đủ tính răn đe, nên việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, tới đây, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong kinh doanh thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng các chất cấm này trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, xử phạt nặng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Phong cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm chức năng; kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự, đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang