Báo động thực trạng tai nạn thương tâm học đường

author 07:18 07/11/2013

(VietQ.vn) - Tai nạn gây thương tích thậm chí tử vong xảy ra với học sinh đang là thực trạng báo động hiện nay ở các trường học.

Sự kiện: Tai nạn giao thông

Báo động thực trạng tai nạn, thương tích học đườngHọc sinh đùa nghịch, leo treo trên lan can ngay trước phòng y tế tại một trường tiểu học tại Hà Nội.

Gia tăng nhiều vụ nghiêm trọng

Chỉ thống kê  trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây có thể thấy mức độ về  số vụ tai nạn, thương tích đối với học sinh không ngừng tăng lên, nhất là những vụ tai nạn xảy ra ở trường mầm non và tiểu học. Mới đây nhất là vụ án bé Trần Nhật Hương 12 tháng  tuổi (Long Biên, Hà Nội) tử vong tại trường mần non Thiên Thần Nhỏ ngày 27/ 08/ 2013 với nghi vấn là bị sặc cháo và sữa khiến dư luận phẫn nộ, sau khi sự việc xảy ra Ban giám hiệu nhà trường đã có đơn xin giải thể.

Vụ học sinh bị chết đuối ở ao cạnh trường học xảy ra không lâu ở xã Thượng Mỗ, Đan Phượng ( Hà Nội) vào 9/ 2010 khiến bé Phan Quốc Cường (3 tuổi) tử vong, chỉ vì sự lơ là của giáo viên trong việc quản lý, chăm sóc học sinh, bé Cường mất tích mà giáo viên không hay biết gì để dẫn đến hậu quả đau lòng. 

Trước đó  tháng 7/ 2010, một vụ án cũng có mức độ khá nghiêm trọng khiến cháu bé Dương Thị Băng Trâm ( 3 tuổi) ở Gia Lai tử vong do sự bất cẩn của giáo viên, một tấm liếp giường  đổ xuống đè lên người cháu gây chấn thương đầu, phổi, bé đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Còn rất nhiều vụ việc nghiêm trọng khác xảy ra tại trường học khiến học sinh tử vong mà chỉ cần gõ cụm từ " những cái chết thương tâm tại trường học" có thể cho hàng loạt các kết quả. Chỉ vì sự bất cẩn, lờ là của nhà trường trong việc quản lý, chăm sóc học sinh của mình mà đã dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng, làm rung động dư luận.

Công tác quản lý vừa thiếu lại vừa yếu

Sự yếu kém trong công tác quản lý, phòng chống tai nạn, thương tích là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều cái chết cho trẻ tại trường học. Sự yếu kém không chỉ về cơ sở vật chất mà còn ở đội ngũ nhân viên của nhà trường. 

Sự thiếu thốn về trang thiết bị cũng là một trong những yếu tố đưa đẩy đến những hậu quả không mong muốn. Hiện nay ở hầu hết các trường học đều có phòng y tế để phòng chống, sơ cứu cho học sinh, thế nhưng phần lớn trang thiết bị đều nghèo nàn, đơn sơ không thể cứu chữa cho học sinh khi tai nạn, thương tích xảy ra. Từ những vụ học sinh tử vong tại trường học chúng tôi tiến hành thâm nhập vào một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội  để xác minh công tác quản lý học sinh cũng như phòng chống tai nạn, tích ở các trường học hiện nay.

Thiêt bị y tế chỉ đơn sơ đặt tại một góc của 1 lớp học mầm non Quận Thanh Xuân

Tại trường tiểu học N.T quận Thanh Xuân (Hà Nội), vừa bước vào cổng trường chúng tôi đã thấy rất nhiều học sinh đùa nghịch, chạy nhảy, leo lên lan can hành lang mà không hề bị giáo viên nhắc nhở, phía sau là phòng y tế chỉ đủ kê được hai cái giường và một tủ thuốc ngoài ra không có vật dụng gì khác, chúng tôi cũng chẳng thấy bóng dáng một nhân viên y tế nào khoác áo Blue trắng trực tại phòng mà chỉ có hai em nhỏ bị mệt và xây xát do bị ngã.

Em B.V.T học sinh lớp 5 ngã tay bị chảy máu vẫn cứ ôm tay ngồi đợi nhân viên y tế đến băng bó nhưngđợi hàng tiếng đồng hồ vẫn không thấy, vết máu vẫn chảy ra khiến em xuýt xoa: “ Em bị ngã, tay chảy máu nên hơi xót, đợi các cô lâu lắm rồi nhưng không thấy các cô xuống băng, chắc em phải về lớp hỏi lại cô giáo đã.”  Vừa nói dứt câu em ôm tay lủi thủi đi về lớp mặt vẫn không ngừng nhăn nhó vì vết xây xát. Còn một em học sinh nữ lớp 3 mặt tái nhợt, giọng nói yếu ớt chúng tôi lại hỏi han thì em bảo bị mệt nên các cô cho xuống phòng y tế nằm nghỉ giờ đang đợi mẹ đến đón về nhà. 

Thâm nhập vào một trường mầm non tư thục quận Thanh Xuân, chúng tôi không hề thấy có phòng y tế lẫn nhân viên y tế, chỉ có một tủ thuốc mi ni đặt ở góc lớp, chủ yếu là các loại thuốc ho, hạ sốt bông gòn, băng gâu. Chị V.T.N (quản lý mầm non tư thục B.B.H ) thừa nhận: “Trường hiện chưa có phòng y tế chỉ có tủ thuốc thôi, tủ thuốc chủ yếu là thuốc ho, thuốc hạ sốt, băng gâu, bông gòn, nước muối biển.”

Cơ sở trang thiết bị để chăm sóc, sơ cứu cho học sinh khi bị xây xát do tai nạn đã nghèo nàn công tác quản lý, chăm sóc học sinh cũng hoàn toàn yếu kém, Chị V.T.N (quản lý mầm non tư thục B.B.H  quận Thanh Xuân) thừa nhận: " Hiện nay trường vẫn chưa có nhân viên y tế mà chính cô giáo chăm sóc trẻ đảm nhận luôn. Trong trường hợp trẻ bị xây xát thì dán băng gâu, nặng phải gọi cho người nhà mang đi bệnh viện. Hiện trường vẫn chưa có nguồn kinh phí để đào tạo kỹ năng sơ cứu khi trẻ bị tai nạn, thương tích, hoặc ốm đau đột suất mà chỉ đọc qua tài liệu thôi. Việc xây dựng phòng y tế và mở lớp kỹ năng sơ cứu với trường không thể thực hiện được, chỉ cố gắng không để xảy ra sự cố”.

Vừa đảm nhiệm một lúc hai công việc (vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc) thế nhưng mọi sự đầu tư để phòng chống tai nạn, thương tích cho học sinh lại chưa được quan tâm thích đáng. Cũng chính vì thế mà khi sự cố xảy ra nhiều giáo viên không thể sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Có quá nhiều yếu kém còn tồn tại phổ biến hiện nay tại các trường học, sự yếu kém về trang thiết bị chỉ là một phần cái chính yếu vẫn nằm ở đội ngũ nhân viên, giáo viên, ngoài sự tắc trách, lơ là trong việc chăm sóc, quản lý các em họ còn yếu kém cả về chuyên môn sơ cấp cứu khi học sinh xảy ra sự cố. Thiết nghĩ cần phải có giải pháp nào đó để tai nạn, thương tích học đường không còn là nỗi lo canh cánh trong lòng phụ huynh học sinh. 

Toán Lương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang