Báo động về hiện tượng kháng thuốc sốt rét ở Việt Nam

author 16:31 20/06/2016

(VietQ.vn) - GS – BS Trần Tịnh Hiền, giám đốc chuyên môn Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford (OUCRU) VN, đã bày tỏ lo lắng về tình trạng kháng thuốc sốt rét.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

d

GS – BS Trần Tịnh Hiền nói: “Cách đây 5 năm, hiện tượng kháng thuốc chỉ xảy ra trong phòng lab, nhưng hiện tại nó xảy ra trên lâm sàng, nghĩa là trên chính bệnh nhân. Tại Bình Phước, tỉ lệ kháng artemisinin lên đến 30%, có nghĩa 30% bệnh nhân sốt rét điều trị thất bại”.

Artemisinin được xem là thuốc chủ yếu trong điều trị sốt rét, giúp cứu sống hàng chục triệu người trên thế giới mắc bệnh này, và trong năm qua nó đã mang lại giải Nobel y học cho người phát minh, nhà nghiên cứu Youyou Tu (Trung Quốc).

“Khi artemisinin bị kháng, gần như con người phải quay lại từ đầu trong việc tìm kiếm một loại thuốc hữu hiệu để chống lại sốt rét, nhưng cho đến nay “ứng viên” này vẫn chưa xuất hiện vì các loại thuốc đang nghiên cứu chỉ mới ở pha 1 và pha 2, chưa thể thử nghiệm trên người”, GS Hiền nói tiếp.

Theo ghi nhận của Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TPHCM, trong năm 2015 tuy số ca mắc sốt rét trên cả nước giảm 30, 92% so với năm trước đó, nhưng tại miền Đông Nam Bộ con số này lại tăng 4,33%, trong đó tập trung tại  tỉnh Bình Phước.

Không chỉ có tỉ lệ ký sinh trùng cao nhất nước trong năm 2015, Bình Phước còn là địa phương ghi nhận có ca nhiễm chủng ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum kháng artemisinin đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2009.

Tháng 2/2015, tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chính thức xác nhận tình hình kháng artemisinine tại 5 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong là Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn kháng artemisinin gồm điều trị thuốc không đúng cách, bệnh nhân tiếp cận thuốc không đầy đủ, sử dụng đơn trị liệu chỉ gồm một mình artemisinin và thuốc giả.

Theo các chuyên gia trong nước, việc Plasmodium falciparum kháng artemisinin khiến cho việc điều trị trở nên cực kỳ khó khăn, nhất là điều trị sốt rét ác tính, vì đây là loại thuốc rất hiệu quả và có tác dụng chống kháng với chủng ký sinh trùng này.

Để ngăn chặn việc kháng artemisinin, từ lâu WHO đã đề nghị sử dụng thuốc phối hợp có gốc artemisini (ACTs) và cấm sử dụng đơn trị liệu sốt rét artemisinine bằng đường uống (thuốc viên).

Trong năm 2015 ước tính thế giới có 214 triệu ca mắc sốt rét và 438.000 người tử vong vì bệnh này. Phần lớn ca tử vong xảy ra ở châu Phi (90%), tiếp theo là vùng Đông Nam Á (7%) và Tây Địa Trung Hải (2%).

Bình Yên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang