Báo Đức: Syria có cơ sở hạt nhân bí mật sát biên giới Liban

author 11:37 11/01/2015

Những tài liệu báo Đức, Tấm gương có được cho biết Syria chưa từ bỏ tham vọng hạt nhân và nước này đang có một cơ sở ngầm nằm ở khu vực rừng núi sát biên giới Liban để phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo báo trên ngày 9/1, những tài liệu mà báo này có được, cùng những hình ảnh thu từ vệ tinh và các thông tin tình báo thu được từ các cuộc điện đàm cho thấy Syria có một nhà máy chế tạo hạt nhân nằm cách không xa thành phố Homs. 

Cơ sở này được xây dựng sâu trong những đường hầm và được kết nối với hệ thống cung cấp điện, nước. 

Công trình nằm ở địa điểm núi non hiểm trở khó tiếp cận gần thành phố Qusayr, chỉ cách biên giới Liban khoảng 2km. 

Sau khi nghiên cứu các tài liệu và bằng chứng có được, các chuyên phương Tây kết luận đây là dự án mang mã danh "Zamzam" nhằm xây dựng một lò phản ứng hạt nhân hoặc một cơ sở làm giàu urani.

Sơ đồ khu vực ngầm tình nghi là cơ sở hạt nhân của Syria (Nguồn: Spiegel)

Cũng theo các chuyên gia, chính quyền Syria hiện có khoảng 8.000 thanh nhiên liệu - số nhiên liệu được cho để vận hành khu tổ hợp Kibar đã bị không quân Israel phá hủy năm 2007, và số nhiên liệu này đã được vận chuyển tới cơ sở mới nêu trên. 

Các chuyên gia Triều Tiên và Iran đã tham gia hỗ trợ dự án Zamzam, nơi hiện được các tay súng Hezbollah ở Liban - lực lượng đã sát cánh cùng Tổng thống Assad trong cuộc nội chiến ở nước này, bảo vệ.

Báo trên cho biết, vào 23 giờ ngày 5/9/2007, 10 máy bay ném bom F-15 của Israel cất cánh từ căn cứ quân sự Ramat David, phía Nam thành phố Haifa của Israel để nhận lệnh tham gia diễn tập quân sự ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nửa giờ sau khi cất cánh, ba trong số máy bay này được lệnh trở về căn cứ, trong khi số F-15 còn lại thay đổi lộ trình, hướng lên phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau 18 phút, các máy bay này tới thành phố Deir al-Zor bên bờ sông Euphrates.

Mục tiêu bị các chiến đấu cơ Israel phá hủy hoàn toàn bằng các tên lửa Maverick và bom loại 500kg là cơ sở sắp hoàn tất có tên Kibar nằm ở phía Đông thành phố.

Nhiệm vụ hoàn tất, các phi công trở về căn cứ.

Đường điện (màu đỏ) và Hồ Zaita cách đó 4km (Nguồn: Spiegel)

Thủ tướng hồi đó là Ehud Olmert cùng các cố vấn rất hài lòng về chiến dịch mang tên Orchard này và sau đó ông mới thông báo cho phía Mỹ. 

Vụ việc vẫn được giấu kín, kể cả việc Israel phát hiện có chuyên gia hạt nhân Triều Tiên ở Deir al-Zor để giúp Syria xây lò phản ứng. 

Tổng thống Assad khi đó cũng đã lên án Israel xâm phạm không phận Syria cũng như việc đánh bom vào một "nhà kho" của nước này. Thực tế, lực lượng không quân Syria lúc đó cũng đã tiến hành truy đuổi những tiêm kích cơ F-15 của Israel.

Trước tin đồn về việc Syria xây dựng cơ sở bí mật ở sa mạc, có thể phục vụ mục đích quân sự, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã yêu cầu được tiếp cận cơ sơ này. Là một bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Syria cuối cùng đã đồng ý để các thanh tra IAEA tới cơ sở Kibar đã bị phá hủy. IAEA cũng muốn tiếp cận hai cơ sở tình nghi khác, song bị Syria bác bỏ.

Theo nghiên cứu của IAEA, Syria sở hữu tới 50 tấn urani tự nhiên, đủ để làm vật liệu chế tạo từ 3-5 quả bom. Một số urani được cất giấu ở Marj as-Sultan, gần Damascus. Tuy nhiên, nhiên liệu hiện đã được chuyển tới cơ sở ngầm nằm ở phía Tây thành phố Qusayr, cách biên giới Liban chưa đầy 2km. 

Theo phân tích tình báo, khu vực này cho thấy sáu công trình, bao gồm một nhà bảo vệ và năm nhà xưởng, 3 trong số này là ngụy trang cho đường vào cơ sở phía dưới. Cơ sở được nối đường điện từ thành phố Blosah gần đó. 

Một nghi ngờ nữa là cơ sở này được nối với một giếng nước sâu nhằm lấy nước từ Hồ Zaita cách đó khoảng 4 km. 

Theo các chuyên gia, rõ ràng những chuẩn bị này là để phục vụ một cơ sở hạt nhân chứ không phải là một kho cất giấu vũ khí thông thường. Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng nhất về cơ sở hạt nhân này là giọng nói của một nhân vật cấp cao Hezbollah mà tình báo nghe được có nói tới "nhà máy nguyên tử" hay cơ sở "Zamzam" và ám chỉ tới thành phố Qusayr. 

Người này thường liên hệ và cung cấp số điện thoại mới cho Ibrahim Othman - Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Syria.

Theo Vietnam+


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang