Bao giờ mới chấm dứt cảnh Thứ trưởng đi bán dưa, bán gạo?

author 06:09 28/04/2015

(VietQ.vn) - Kế hoạch "giải cứu" nông sản phải mang tính dài hơi và quy định rõ trách nhiệm các ban ngành chứ không thể để nông nghiệp lo sản xuất và công thương thì đi bán hàng...

Quan điểm trên được ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep)  đưa ra tại buổi Toạ đàm trực tuyến “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường”, do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ vừa tổ chức sáng 27/4. 

Nhiều năm qua, câu chuyện ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu và bị ép giá bởi đầu ra bế tắc không còn là hiện tượng lạ. Việc này lặp đi lặp lại nhưng không hề có những đúc rút cho những năm sau và không có một giải pháp nào để giải quyết những tồn đọng đó. Chuyện bùng nổ đến mức phải nhờ đến sự giải cứu của các tổ chức tình nguyện và thậm chí là của Bộ Công thương. Tuy nhiên, các giải pháp giải cứu của những đơn vị này chỉ mang tính ngắn hạn bằng cách tổ chức bán dưa (đối với dưa hấu). 

Sẽ chấm dứt cảnh Thứ trưởng đi bán dưa, bán gạo

Không thể giải cứu nông sản bằng cách để Bộ Công thương đi bán hàng. Ảnh: Đầu Tư

Lý giải về hiện tượng ùn ứ hàng liên tục trong những tháng đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết do giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sụt giảm lên tới hơn 13%. Sự sụt giảm này một phần nguyên nhân là do cân đối cung cầu trên thị trường thế giới thay đổi nhiều so với năm 2014. Nhiều quốc gia đã gia tăng xuất khẩu khiến cung đang lớn hơn cầu nên thị phần xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, kể cả ở các sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh như gạo, cà phê, cao su… Trong khi đó, giá 1 số mặt hàng như cà phê, thủy sản... đã giảm sâu.

Hơn nữa, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỏ ra lo lắng, thị trường đầu ra khó khăn, cung liên tục tăng nhưng đáng buồn là chất lượng không tăng khiến sức cạnh tranh đã yếu lại càng kém.

Dù thủy sản cũng giảm sút sản lượng lxuất khẩu trong quý 1/2015 nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển thủy sản Việt Nam (Vasep) vẫn khá lạc quan. Bởi theo ông, thị trường lên xuống phải được nhìn dài hạn và có biện pháp ngắn hạn để đối phó, nhưng cũng không gấp gáp tới mức phải hối hả để bù đắp.

Trong khi đó, câu chuyện điều hành của các Bộ, ngành được ông Dũng đánh giá là "đang có vấn đề". Chuyện phối kết hợp trong cuộc họp bàn nào cũng nhắc đến nhưng lại là là điểm yếu nhất. Trong đó, vai trò nhạc trưởng (Nhà nước) vẫn chưa mạnh mẽ, chưa phân rõ trách nhiệm trong việc đôn đốc thực hiện quy hoạch nên "bên vẽ cứ vẽ, còn bên làm cứ làm". 

“Chúng ta nói tới chuyện giải cứu nông sản, tránh được mùa, mất giá, nhưng không thể có ông Thứ trưởng Công thương đi bán gạo, bán cá, hay bán dưa hấu được. Việc quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp và bán hàng phải đặt trách nhiệm về Bộ Nông nghiệp, chứ không phải bây giờ khâu sản xuất thì nông nghiệp lo, còn bán hàng thì công thương lo”- ông Dũng nói. 

Đồng tình với quan điểm về chia sẻ của ông Dũng về việc Bộ Công thương không phải đi bán dưa, bán gạo, bán vải..., Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ xây dựng chính sách, tìm hệ thống phân phối, tiếp thị, tiêu thụ.

Tuy nhiên, trách nhiệm từng bộ, ngành không nhất thiết phải quá rạch ròi như kiểu "nông nghiệp lo sản xuất, công thương lo bán hàng" vì chính sự rạch ròi, thiếu quy hoạch tổng thể, nên đứt đoạn về mặt thông tin giữa các bộ và chính quyền địa phương, người dân. Ngoài ra, cũng không thể bằng biện pháp hành chính như ra lệnh bắt người dân phải trồng theo quy hoạch cứng, mà phải dựa trên thị trường để tạo điều kiện cho người dân, DN phát triển.

Từ thực tế câu chuyện xảy ra với mặt hàng dưa hấu, hành tím hay gần đây, nhất là gạo, Thứ trưởng cho biết, cơ quan này đã rút kinh nghiệm để thay đổi chính sách điều hành tốt hơn. Theo đó, sẽ tính tới đầu tư nâng cấp các chợ đầu mối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa. Sự việc dưa hấu vừa qua cho thấy, thị trường nội địa rất tiềm năng song lại tỏ ra vô cùng yếu ớt.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang