Bảo hiểm xã hội: Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính

author 19:47 30/10/2019

(VietQ.vn) - Sau 5 năm thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính, đã có gần 26,5 triệu hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận và 61,5 triệu hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ bưu chính.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo hiểm xã hội, năm 2014, bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định về việc giải quyết các TTHC: tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính BHXH qua dịch vụ bưu chính công ích.

Giai đoạn 2017 - 2019, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ký hợp đồng về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích cho đơn vị sử dụng lao động do cơ quan BHXH trả cước phí và triển khai thực hiện trong toàn hệ thống từ ngày 1/1/2017.

61,5 triệu hồ sơ bảo hiểm xã hội được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính. Ảnh internet

 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành giai đoạn 2014 – 2019, BHXH Việt Nam cho biết, từ năm 2014 đến tháng 9/2019, toàn quốc có gần 26,5 triệu hồ sơ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích và 61,5 triệu kết quả giải quyết TTHC được trả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Theo BHXH Việt Nam, số lượng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tăng nhanh qua các năm, trong đó, nếu như năm 2014, toàn quốc mới có 356.156 hồ sơ được tiếp nhận qua hệ thống bưu điện thì đến năm 2015 con số này là gần 2 triệu hồ sơ; năm 2016 hơn 6,5 triệu hồ sơ, năm 2017 gần 7 triệu hồ sơ và năm 2018 hơn 6,7 triệu hồ sơ; 9 tháng năm 2019 trên 3,8 triệu hồ sơ. Đối với trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính, năm 2014 là 356.561 hồ sơ, năm 2015 hơn 7,5 triệu hồ sơ, năm 2016 hơn 8,5 triệu hồ sơ, năm 2017 hơn 12,6 triệu hồ sơ và năm 2018 là 18,4 triệu hồ sơ; 9 tháng đầu năm 2019 trên 13,6 triệu hồ sơ.

Qua 5 năm triển khai, BHXH Việt Nam nhận định, công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành BHXH đã dần đi vào ổn định, triển khai rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố. Bước đầu đã đáp ứng các mục tiêu như: giảm số lượt đơn vị sử dụng lao động trực tiếp đến cơ quan BHXH để thực hiện giao dịch; tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho người dân và DN khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH; phòng ngừa, hạn chế các hành vi tiêu cực do DN không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết hồ sơ; giảm hồ sơ tồn đọng tại cơ quan BHXH; thuận tiện trong theo dõi hồ sơ…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, như tiến độ tiếp nhận, chuyển phát TTHC qua bưu điện có lúc, có nơi còn chậm, chưa đúng thời gian theo hợp đồng cung cấp dịch vụ; vẫn còn để xảy ra tình trạng chưa đảm bảo an toàn trong chuyển phát, gây mất, thất lạc hồ sơ. Đặc biệt, do nhân lực ngành bưu điện thường xuyên biến động, không ổn định đã ảnh hưởng không ít tới hiệu quả của công tác, dẫn tới việc đào tạo, tập huấn, cập nhật các văn bản hướng dẫn liên quan đến thủ tục, hồ sơ không đáp ứng kịp thời.

 
Việc cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ hài lòng cao như: TP.HCM 98%, Hải Dương 98%, Quảng Ninh 95%...
 

Theo đại diện BHXH các địa phương, để nâng cao chất lượng tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, việc quan trọng nhất là xác định địa chỉ của đơn vị sử dụng lao động để thu gom hồ sơ, phục vụ việc giao nhận hồ sơ chính xác. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa BHXH và Bưu điện, áp dụng linh hoạt tùy tình huống để xử lý kịp thời nếu xảy ra sai sót; tiếp tục hoàn thiện phần mềm, ứng dụng CNTT trong giao nhận hồ sơ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần liên thông giữa các bên việc tiếp nhận hồ sơ theo “vòng tròn khép kín”.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đề nghị, thời gian tới, việc phối hợp giữa cơ quan BHXH và Bưu điện cần chặt chẽ hơn. Tăng cường trao đổi thông tin trong thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ; phòng ngừa, hạn chế các sai sót, thất lạc hồ sơ. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng những tiện ích trên điện thoại di động giúp các cá nhân, đơn vị có thể chủ động hơn trong việc đặt yêu cầu, nhận hồ sơ và theo dõi quá trình giải quyết công việc của mình.

Ngoài ra, theo ông Đào Việt Ánh, tới đây, công tác tập huấn nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho nhân viên bưu điện sẽ được tăng cường nhằm trang bị đầy đủ kiến thức cũng như khả năng thực hiện yêu cầu kiểm đếm, đối chiếu hồ sơ với quy định của TTHC, cũng như hướng dẫn người dân, tổ chức hoàn thiện hồ sơ trong trường hợp cần thiết.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đề nghị các đơn vị của BHXH Việt Nam ngay trong quý IV/2019 phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để kết nối phần mềm tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC. Trên cơ sở đó, dự kiến trong quý I/2020 triển khai tới tất cả các tỉnh, thành phố, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu, theo dõi được đường đi của hồ sơ. Đặc biệt, hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp cung cấp thông tin địa chỉ đơn vị sử dụng lao động, đẩy mạnh tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên Bưu điện và giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ đảm bảo hiệu quả.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang