Bảo hộ thương hiệu, đẩy mạnh phát triển cây nghệ Chí Tân

authorThu Thảo 09:00 21/05/2017

(VietQ.vn) - Cây nghệ phát triển mạnh ở Chí Tân - Khoái Châu (Hưng Yên) và đang được bảo hộ thương hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm, chống các hành vi xâm hại, làm hàng giả.

Cây nghệ phát triển ở huyện Khoái Châu

Năm 2016, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có 15.815 ha đất trồng cây nông nghiệp và cây ăn quả. Trong đó trên 50% diện tích là đất trồng lúa; cây công nghiệp hàng năm và cây thực phẩm chiến khoảng 25% diện tích; diện tích cây ăn quả là 3.228 ha.

Nằm ở phía tây tỉnh Hưng Yên, huyện Khoái Châu nổi tiếng với các sản vật như nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, gà Đông Tảo... Trong vài thập niên trở lại đây, có một loại sản vật ở Khoái Châu cũng đang dần tạo được danh tiếng trên thị trường, đó là sản phẩm nghệ.

Cây nghệ phát triển và gắn bó với người dân Khoái Châu vào những năm 70 của thế kỷ trước. Hiện nay toàn huyện có gần 300 ha diện tích trồng nghệ, tập trung chủ yếu ở xã Chí Tân (xấp xỉ 200 ha) và một số xã lân cận như Đại Tập, Thuần Hưng, Đại Hưng, Nhuế Dương. Sản lượng nghệ toàn huyện năm 2016 đạt gần 9.000 tấn, năng suất bình quân 1-1,5 tấn/sào. Giống nghệ chủ yếu là giống nghệ vàng. Với giá bán nghệ tươi hiện nay từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/kg, mỗi sào trồng nghệ vàng ở Khoái Châu cho hiệu quả kinh tế gấp 3 lần trồng lúa.

Cây nghệ đang phát triển mạnh tại Chí Tân - Khoái Châu nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi. 

"Nghệ Khoái Châu" chưa nổi tiếng trên thị trường, người tiêu dùng chủ yếu biết đến nghệ Khoái Châu dưới tên gọi "Nghệ Chí Tân". Không phải ngẫu nhiên, Chí Tân lại là tên địa danh gắn liền với cây nghệ được nhiều người biết đến. Ngoài việc là xã có diện tích trồng nghệ tập trung lớn nhất miền Bắc hiện nay, củ nghệ được trồng ở xã Chí Tân còn có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được quảng cáo rộng thông qua các kênh tiêu thụ trung gian.

Nghệ Chí Tân nói riêng cũng như nghệ Khoái Châu nói chung hiện nay chưa gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Gần như toàn bộ sản lượng nghệ của huyện được các công ty mỹ phẩm và các công ty dược phẩm thu mua ngay tại ruộng, thông qua các thương lái địa phương, thậm chí mua ngay từ thời điểm...mới xuống giống. Một phần nhỏ trong tổng sản lượng nghệ được người dân giữ lại để chế biến bột nghệ và tinh bột, bán ra thị trường với giá cao hơn nghệ tươi.

Được điều kiện thiên nhiên ưu đãi, chính quyền địa phương tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi, người dân Khoái Châu đã đầu tư tâm huyết, nhân lực, vật  lực vào cây nghệ, khiến diện tích nghệ của huyện qua mỗi năm lại được mở rộng thêm. Dự kiến năm 2017, huyện Khoái Châu sẽ chuyển đổi 60 ha diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng nghệ, đưa diện tích nghệ toàn huyện lên trên 300 ha.

Không chỉ sản xuất và kinh doanh nghệ tươi, nhận thức được giá trị của các sản phẩm liên quan đến nghệ, hiện nay trên địa bàn xã Chí Tân, huyện Khoái Châu đã có thêm 5 cơ sở chế biến các sản phẩm từ nghệ (tinh bột nghệ và bột nghệ), góp phần nâng cao giá trị của cây nghệ trên địa bàn, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, đa dạng hoá sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Tuy vậy, trong bức tranh tổng thể của xã Chí Tân hay huyện Khoái Châu được "vẽ" bằng sản phẩm nghệ, bên cạnh những điểm sáng, người sản xuất và kinh doanh sản phẩm này vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, liên quan đến cả kỹ thuật và thị trường.

Khó khăn lớn nhất hiện nay người dân huyện Khoái Châu gặp phải là "bệnh lạ" trên cây nghệ. Bệnh này đã xuất hiện trên cây nghệ Khoái Châu 2-3 năm nay, những cây nghệ trong quá trình sinh trưởng bình thường có hiện tượng cháy lá, thối rễ, thối củ non. Người dân đã dùng nhiều biện pháp để cứu cây nghệ nhưng không có hiệu quả.

Các cơ quan chuyên môn của huyện, một số nhà khoa học tâm huyết, các công ty thuốc BVTV cũng đã xuống trực tiếp tại ruộng kiểm tra, nhưng chưa có nhận định cuối cùng về tên bệnh và nguyên nhân gây bệnh. "Bệnh lạ" làm một số diện tích trồng nghệ của huyện giảm năng suất 50% đến 70%, một số diện tích mất trắng, khiến người dân hoang mang và lo lắng.

Một vấn đề nữa hiện đang tồn tại ở huyện Khoái Châu, là hiện tượng lợi dụng thương hiệu và trà trộn sản phẩm. Thương hiệu "Nghệ Chí Tân" hiện nay đang được sử dụng tràn lan trên thị trường tinh bột nghệ (cả bán trực tuyến – online và bán trực tiếp), trong đó có nhiều sản phẩm quảng cáo tên "Nghệ Chí Tân" nhưng thực tế không có nguồn gốc xuất xứ từ xã Chí Tân hoặc huyện Khoái Châu.

Mặt khác, chính tại xã Chí Tân, đã có hiện tượng một số cơ sở sản xuất nhập sản phẩm nghệ của tỉnh khác (thường gọi là nghệ rừng) bán lẫn với nghệ của địa phương hoặc sản xuất tinh bột nghệ. Các hành vi này gây ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của sản phẩm nghệ Chí Tân, nhưng chưa có biện pháp khắc phục, chấm dứt.

Nghệ Chí Tân đang được bảo hộ thương hiệu

Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt (IPASPRO) được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên giao chủ trì thực hiện dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Nghệ Chí Tân – Khoái Châu" dùng cho các sản phẩm liên quan đến nghệ của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên" từ tháng 2/2017.

Mục tiêu của dự án là đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận "Nghệ Chí Tân – Khoái Châu", thiết lập các công cụ quản lý nhãn hiệu, công cụ truy xuất nguồn gốc và xây dựng một số tiền đề phát triển cho cây nghệ trên địa bàn huyện Khoái Châu. Dự kiến năm 2018, nhãn hiệu chứng nhận trên sẽ được chính thức bảo hộ, tạo ra căn cứ pháp lý xử lý các hành vi xâm phạm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy lùi hiện tượng trà trộn sản phẩm kém chất lượng.

Về hiện tượng "bệnh lạ" trên cây nghệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu nhận định, đây là bệnh do virus, do vậy khó có khả năng chữa trị, chỉ có thể thực hiện các công tác phòng ngừa. Cơ quan này đang tham mưu cho UBND huyện Khoái Châu thực hiện quy trình trồng nghệ chuẩn và khép kín, kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, làm đất, bón phân, tưới tiêu đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chăm sóc cây nghệ.

 Nghệ Chí Tân - Khoái Châu đang được bảo hộ thương hiệu.

Theo ông Nguyễn Thanh Quyết – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu – chia sẻ: "Canh tác cây nghệ cần thực hiện quy trình khép kín để loại bỏ các mầm bệnh từ ban đầu, nhanh chóng cách ly và xử lý những diện tích hoặc cây bị bệnh mới có thể phòng ngừa và kiểm soát được bệnh lạ trên cây nghệ của huyện".

Luật sư Lê Kinh Hải – Giám đốc IPASPRO – cho biết thêm: "Ngoài việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Nghệ Chí Tân – Khoái Châu" tại Cục Sở hữu trí tuệ, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Khoái Châu ban hành các công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý chặt chẽ nhãn hiệu chứng nhận này, thiết kế logo và hệ thống nhận diện cho nhãn hiệu, đăng ký mã số mã vạch cho các cơ sở kinh doanh, xây dựng website quảng bá và một số công tác marketing sản phẩm, phục vụ mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị sản phẩm nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, góp phần giúp cây nghệ trên địa bàn huyện Khoái Châu phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao".  

Nâng cao chất lượng Nghệ Chí Tân nhờ 'nói không' với phân bón hoá học (VietQ.vn) - Chất lượng nghệ Chí Tân cao hơn so với chất lượng các loại nghệ khác do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ điều kiện thổ nhưỡng, quy trình kỹ thuật canh tác và tâm huyết với nghệ của người nông dân nơi đây.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang