Bao lì xì, thần tài… Trung Quốc đổ bộ Sài Gòn

author 16:11 13/01/2016

Hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch khiến hàng trong nước bị “giết chết”.

Hàng TQ có nhiều kiểu dáng, mẫu mã, kích cỡ và giá rẻ. Còn hàng Việt giá cao, lại không đa dạng nên người mua toàn chọn hàng TQ.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay các mặt hàng trang trí, đồ chưng, cúng tết như thần tài, ông Thọ, bao lì xì, câu đối, pháo điện… đang được mua bán nhộn nhịp tại TP. HCM, nhiều nhất là khu vực chợ Bình Tây và nhiều con đường ở quận 5. Đa số các mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ).

La liệt bao lì xì Trung Quốc

Tại một tiệm bán hàng trang trí gần chợ Kim Biên, chúng tôi nhận thấy bao bì lì xì được bày bán la liệt với nhiều kích cỡ, kiểu dáng, được làm bằng giấy và nylon.

Anh Hồng, nhân viên bán hàng, nhanh nhảu giới thiệu: “Chị muốn mua hàng Việt Nam hay TQ. Bao lì xì Việt Nam loại nhỏ 3.600 đồng/bao sáu cái, còn bao lì xì loại nhỏ TQ chỉ 2.500 đồng/bao 10 cái; loại bao lì xì lớn của Việt Nam 6.800 đồng/bao sáu cái, loại lớn của TQ chỉ 3.500 đồng/bao 10 cái”.

Nhân viên này còn cho biết thêm: Hàng TQ có nhiều kiểu dáng, mẫu mã, kích cỡ và giá rẻ. Còn hàng Việt giá cao, lại không đa dạng nên người mua toàn chọn hàng TQ.

Ghé vào một cửa hàng khác cũng thấy bày bán la liệt pháo điện với đủ kích cỡ. Ngoài ra còn có câu đối, ông thần Tài, đồng tiền mạ đồng vàng lấp lánh. Cầm trên tay một băng pháo điện đầy chữ TQ, chị Oanh - chủ cửa hàng giới thiệu đây là pháo điện do TQ sản xuất, giá 290.000-900.000 đồng/dây.

Chị Oanh còn hướng dẫn cách dùng để pháo điện TQ phát ra âm thanh như pháo thật. Trong khi đó pháo Việt Nam loại nhỏ giá 140.000 đồng/dây nhưng không có điện nên chỉ dùng để trang trí chứ không có âm thanh và thiết kế cũng không đẹp bằng. “Tôi được biết nhiều người mua hàng của TQ về rồi in tên công ty hoặc cơ sở Việt lên” - chị Oanh nhận xét.

Tại nhiều cửa hàng khác, các mặt hàng như tháp vàng, dây treo tài… đựng nguyên hộp với chữ TQ bên ngoài cũng bày bán rất nhiều.

Hàng Trung Quốc gắn mác Việt

Theo một số doanh nghiệp (DN), hiện nay một số mặt hàng trang trí và đồ chưng, cúng ngày tết được các cơ sở kinh doanh, DN Việt đặt hàng từ TQ mang về bán. Họ chọn cách này vì sản xuất trong nước giá cao, không cạnh tranh nổi với hàng TQ.

Ông Huỳnh Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ Thuật Mới, ước tính có khoảng 70%-80% bao lì xì trên thị trường là do các cơ sở ở khu vực Chợ Lớn đặt TQ sản xuất rồi mang về. Cũng có trường hợp DN Việt đặt Trung Quốc làm hàng nhưng in tên DN bằng tiếng Việt.

Điều đáng lo ngại là phần lớn mặt hàng này đều qua Việt Nam bằng đường tiểu ngạch, không phải chịu thuế, phí như các DN Việt nên giá rẻ hơn hàng Việt. Điều này đã khiến hàng trong nước bị “giết chết” bởi hàng TQ.

“Không chỉ bao lì xì mà nhiều mặt hàng khác như quần áo, mỹ phẩm… cũng được làm theo hình thức như vậy” - ông Khánh khẳng định.

Nhiều ý kiến nhận định do TQ là “công xưởng cả thế giới”, sản xuất đồng loạt với số lượng lớn nên chi phí sản xuất thấp, giá rẻ. Không chỉ vậy, các thương nhân TQ còn sẵn sàng giao hàng tận tay, tận nhà chứ người mua không cần phải qua TQ để vận chuyển về.

Nghi ngờ kém chất lượng

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng hàng TQ giá rẻ là do nguyên liệu kém chất lượng. Ông dẫn chứng có lần qua Thượng Hải tìm mua mực in đúng thương hiệu Z với giá 6 USD/kg. Phía DN TQ gợi ý nếu ông đặt làm thương hiệu Z với giá chỉ 2-4 USD/kg thì họ vẫn làm được (y chang mực in giá 6 USD/kg).

“Đánh vào tâm lý ham giá rẻ, DN TQ có thể thay đổi nguyên vật liệu chất lượng cao, có thương hiệu bằng nguyên liệu giá rẻ để sản xuất ra sản phẩm mà bán giá nào cũng được, bán giá nào cũng có lời. Có điều những DN Việt lớn uy tín không bao giờ làm như vậy” - đại diện một DN nhìn nhận.

Tuy vậy, ông Khánh cũng cho rằng đầu tư để sản xuất các mặt hàng chưng hay trang trí tết rất tốn kém. Chẳng hạn đầu tư một khuôn ép để ra một chữ “xuân” chi phí cả trăm triệu đồng. Trong khi hàng TQ nhập qua Việt Nam bán rẻ hơn thì các DN không thể nào cạnh tranh nổi, do vậy không dám mạo hiểm đầu tư.

Ở góc nhìn tương tự, bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Gia Long, nói: “Nếu đầu tư cả dây chuyền mà chỉ bán tại thị trường nội địa với số lượng ít thì giá cao, khó bán. Còn nếu sản xuất số lượng lớn thì chưa chắc thị trường tiêu thụ hết, rủi ro cao. Bên cạnh đó năng lực thiết kế của DN Việt còn hạn chế. Do đó nhiều nơi chọn cách nhập hàng từ TQ về với số lượng bao nhiêu cũng có, bán có lời cao hơn so với tự sản xuất”.

Mặt khác, theo bà Hồng, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam phải đi kiểm định, có tem hợp quy, thông tin xuất hàng hóa trên sản phẩm… Tức DN phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra, còn hàng TQ do nhập lậu, tiểu ngạch nhiều nên không thể kiểm soát được chất lượng.

Đồ cúng thì phải ngon

Hàng loạt trái cây tạo hình của TQ tràn ngập thị trường TP HCM những ngày giáp tết. Trong đó nhiều nhất là dưa có hình thần Tài, Phật bà, Phật Di Lặc, ông Thọ…

Nhiều đại lý trái cây tại TP. HCM đang nhập sản phẩm này về với số lượng lớn để bán. Anh P., một người rao bán dưa thần Tài, ông Thọ, đỉnh vàng với giá 37.000-38.000 đồng/quả loại 300 g/quả. Còn loại trên 500 g/quả, giá chỉ 41.000 đồng/quả.

Theo tính toán của chúng tôi, với mức giá trên, các loại trái cây tạo hình có xuất xứ từ TQ rẻ gấp hàng chục lần so với trái cây tạo hình của nông dân Việt.

Hầu hết chủ tài khoản Facebook, chủ cửa hàng trái cây bán qua mạng đều cho hay hàng nhập từ TQ có thể chưng, cúng tết trong vòng 2-3 tháng vẫn tươi. “Chất lượng chưa được kiểm chứng, dưa lại còn xanh nên chỉ có thể để chưng cho đẹp thôi, đừng ăn, có thể ảnh hưởng sức khỏe” - một chủ cửa hàng trái cây thừa nhận.

Nhiều ý kiến thì cho rằng không nên mua trái cây tạo hình TQ. Lý do đã là đồ chưng, cúng tết thì nên chọn sản phẩm không chỉ đẹp mà còn phải ngon, chất lượng tốt. Bởi quan niệm của người Việt khi thờ cúng tổ tiên từ bao đời nay đều chọn đồ ngon, đồ đẹp chưng, sau đó cho con, cháu ăn hay còn gọi là hưởng lộc.

Thiết bị lạ trong mũ len Trung Quốc

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản cảnh báo nhiều đồ chơi TQ có hóa chất ảnh hưởng sức khỏe, phát ra ngôn ngữ không phù hợp, dạy trẻ nói bậy, kích động bạo lực... Đó là các loại đồ chơi trẻ em trên nhãn ghi “Máy kể chuyện thông minh”, “Chú mèo Tom biết kể chuyện”, “Máy kể chuyện tiếng Doraemon”.

Tại một số địa phương khác cũng vừa phát hiện thiết bị lạ trong mũ len TQ ảnh hưởng đến thính lực, tâm lý và khả năng nhận thức của trẻ.

Theo NLĐ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang