“Bảo mẫu” loài thảo dược sắp tuyệt chủng

author 13:06 22/04/2013

(VietQ.vn) - Hơn nửa đời người, ông lang thang như con nai rừng đi khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn vạch từng cành cây, ngọn cỏ để tìm thảo dược. Vợ, con thấy ông vắng nhà lên rừng với mật độ tăng theo năm dài tháng rộng mà chỉ biết chẹp miệng lắc đầu, kệ ông “thích làm gì thì làm”, còn ông thì bảo: “Các loại thảo dược quí ở Hoàng Liên Sơn đang bị khai thác cạn kiệt, vì thế mình phải sưu tầm lại những cây thuốc quí mà ông trời đã ban”, ông là là Phạm Văn Thanh ở số 166, phố Hàm Nghi, phường Kim Tân, TP Lào Cai.

Món nợ cuộc đời

Tôi quen ông đã lâu, đã cùng nhau băng ngàn, lội suối cùng ăn nắm cơm với nhúm muối vừng. Ấy vậy mà hễ khi nào tìm được cây thuốc quí ông lại căn dặn: “Anh em mình biết thế, bí mật chú nhé!”. Quái lạ! đường đường là một lương y đã cứu sống cho biết bao nhiêu người hà cớ gì phải úp mở như đi ăn trộm?. Ông ậm ừ: “Ừ thì mình chỉ sợ viết lên rồi cái cánh săn thuốc lại tìm đến nơi, vặt hết mọi loại cây thuốc từ non tới già để bán cho Trung Quốc, đến lúc đó thì các loại thuốc quí sẽ tuyệt diệt hết chứ ai ngại ngần gì chuyện viết lách đâu”.
Lặn lội rừng sâu đi tìm cây thuốc quý 
 
Chẳng biết từ bao giờ, cái nghiệp thuốc từ 6 đời nay của dòng họ lại ám vào người đàn ông mảnh khảnh, giản dị này như duyên tiền định. Ông bảo: “Hồi trẻ tôi ước mơ đi buôn bán kiếm tiền. Thế nhưng bố tôi lại nói: “Cái số mày không buôn non bán núi gì được đâu con”, không ngờ lời nói vô tình của bố tôi lại trở thành định mệnh”. Rồi cái máu lãng du vô định dần độc chiếm con người ông. Lúc mới lên 7 hay 8 tuổi gì đó ông đã lọc tọc đạp xe đến các bìa rừng quanh đại ngàn Hoàng Liên Sơn để hái thuốc bán cho Hội Đông y Lào Cai để kiếm tiền ăn học.
 
Gã giải thích: “Ngày nhỏ tôi có thể một mình ra rừng lấy thuốc về bán cho Hội Đông y là do nhà tôi có truyền thống 6 đời làm nghề bốc thuốc. Ông nội tôi là người Nam Định, năm 1962 ông nội gồng gánh đem theo vợ con lên Lào Cai gây cơ dựng nghiệp. Tài bốc thuốc của ông nội được nhiều người biết đến. Lên Lào Cai ít lâu thì cụ được mời vào Hội Đông y Lào Cai. Lúc đó hội có khoảng 10 người. Tôi được ông nội rất yêu quý, mỗi khi đi bốc thuốc ông thường dẫn tôi đi theo, không ngờ những lần lẽo đẽo theo ông nội tôi lại học được rất nhiều bài thuốc hay. Sau đó ông đã dẫn tôi vào nghề thuốc bằng cách bảo tôi tự đi hái thuốc về bán, mà ngày con nít đi lấy thuốc mà bán được dăm ba hào thì sướng lắm. Không ngờ công việc này lại đeo đẳng theo tôi suốt đời, mỗi khi không được ra rừng, không được thong dong cùng mây ngàn gió núi, không được đi hái thuốc thì tâm tư chếnh choáng, vậy là tôi lại dứt áo lên rừng”.
 
Hiện trong số gần 10 người trong Hội Đông y Lào Cai năm nào thì chỉ còn một người còn truyền nhân đó chính là dòng họ Phạm của ông. Điều này khiến ông rất tự hào, nhưng đó cũng là gánh nặng.
 
Ông kể: “Sinh thời, ông nội tôi và cha tôi thường dặn dò con cháu là không được bỏ rơi nghề thuốc, cái nghề bần hàn nhưng không được thấy người nghèo mà chê, thấy người giầu mà làm nhiệt tình... Làm nghề phải đặt chữ đức lên trên. Lời dạy này chúng tôi mãi ghi tạc trong lòng và tiếp tục truyền dạy lại cho con cháu”.
 
Tuyệt chiêu bảo vệ thuốc quí
 
Mấy hôm không khí lạnh tăng cường, trời mưa rả rích khiến cho con đường từ thành phố Lào Cai lên cao nguyên Tả Phời trơn tuột như lươn. Ông vẫn cố lôi chiếc xe máy ghẻ “bò nửa” ngày trời để lên lưng chừng dãy núi Tây Côn Lĩnh để thăm vườn thuốc mà ông hao tâm tốn sức cấy, trồng từ non chục năm nay.
 
Ông bảo: “Phải thăm vườn thuốc thường xuyên, nếu không bà con dân tộc Dao họ lại phá đi để bán cho thương lái thì uổng công, tốn sức cấy, trồng”. Cây thuốc ông ươm gồm nhiều loại quí như cây sâm bách tiết, cây bảy lá một hoa, chín lá một hoa, cây lá gan... Đây đều là những loại thảo dược chỉ phân bố ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển. Rất nhiều loại thuốc có nguy cơ tuyệt diệt khi tìm thấy ông đều đem trồng lại và nhân giống ra nhiều chỗ khác. Để bảo vệ tốt hơn vựa thuốc của mình, ông nghĩ cách thuê đồng bào dân tộc Dao trồng 10 loại cây, nhưng chỉ có 30% trong số đó là cây thuốc. Khi thu mua, ông mua cả 10 cây nhưng chỉ lấy 3 cây, còn 7 cây vứt đi. Ông bảo: “Bằng cách này tôi đã khôi phục được những loại thuốc quí có, trong đó có nhiều loại đang có nguy cơ tuyệt chủng”.
 
Theo Lương y Thanh thì có nhiều loại cây thuốc mọc ở nhiều vùng, nhiều điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, để bảo vệ những loại thuốc quí, ông đã phải lập trên 20 khu vườn ẩn dật trong dân ở rất nhiều nơi, từ Lào Cai, Yên Bái, Nam Định cho đến các tỉnh Miền Trung... Những khu vườn thuốc này đều được ông phối hợp với người dân để làm, khi cây thuốc đến tuổi thu hái, ông nhận bao tiêu toàn bộ số cây thuốc cho người dân với giá cao, thậm chí, ông chấp nhận chịu lỗ, bỏ tiền của vợ ra để trả cho người dân, đổi lại ông có một vựa thuốc cho riêng mình và có thể dùng lâu dài trong nhiều năm, chữa bệnh cho nhiều người.
 
Thành Tâm
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang