Bão số 14 Haiyan: Cả nước khẩn trương chống bão

author 16:47 09/11/2013

(VietQ.vn) - Người dân cả nước đang hối hả chuẩn bị chống lại bão số 14 Haiyan, cơn cuồng phong mạnh nhất lịch sử...

Đà Nẵng: Lập các "chiến tuyến" chống bão

Đến chiều nay (9/11), công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 14 (Haiyan) trên địa bàn Đà Nẵng đã gần như hoàn tất. Người dân cùng các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Bão số 14

Bão số 14: Hải quân Vùng 3 giúp chằng chống trường học ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: MAI XUÂN HƯỞNG

Trên toàn thành phố, tất cả nhà cửa dù kiên cố hay không kiên cố đều được người dân gấp rút chằng chống. Có thể thấy, không khí khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão hiện diện ở khắp nơi và người dân Đà Nẵng cũng như các ngành chức năng không một chút chủ quan bởi cơn bão dự kiến sắp đổ bộ có thể mang theo sức tàn phá ghê gớm.

Có mặt tại tuyến đường Võ Văn Kiệt chiều 9-11, hàng chục người dân đang khẩn trương xúc cát vào bao, mang về chằng chống nhà. Anh Đặng Trung, một người dân quận Sơn Trà, cho biết: “Lần bão trước, tôi cho nước vào bao buộc lại để chèn chống. Đến khi cây cối ngã đổ, những tấm tôn bung ra, xé toạc bao nước khiến nhà cửa bị hư hại. Lần này không ai bảo ai, bà con nghe tin bão liền đến đây từ sáng để xúc cát về chằng mái nhà”.

Cả các khách sạn, tòa nhà cao tầng cũng không ngoại lệ. Tại những cửa hàng xăng dầu, người dân đổ xô mang can, chai nhựa đi mua xăng về dự trữ. Ở một số chợ, tiểu thương đã gói ghém đồ đạc cẩn thận, tạm nghỉ phiên chợ chiều 9-11.

Tại Âu thuyền Thọ Quang, tất cả các tàu thuyền đã được tập kết và neo đậu an toàn trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Lâu, ngư dân phường Mân Thái (Q.Sơn Trà), cho biết: “Nghe tin bão lần này mạnh quá, bà con ngư dân đã khẩn trương neo đậu tàu thuyền, cột lưới, trút dầu mỡ vào trong các can an toàn. Các tàu lớn neo đậu trong lòng âu thuyền còn các thuyền nhỏ thì kéo lên bờ tránh gió bão có thể làm tàu thuyền va đập gãy nát”.

“Cứ khoảng 10-15 chiếc tàu, chúng tôi neo vào 1 cái bù (khối sắt nặng) để giữ vững. Chúng tôi cũng chỉ biết làm hết sức mình chằng chống nhưng chẳng biết có giữ được an toàn với cơn bão mạnh này không”, ông Trần Được, ngư dân phường Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) nói.

Dọc các bùng binh tại các tuyến đường lớn, công nhân của Công ty điện chiếu sáng Đà Nẵng đang gấp rút tháo các bóng đèn trên các trụ điện. Những trụ điện có chiều cao từ 25-30m ở các bùng binh đều được khẩn trương tháo dỡ nhằm hạn chế thiệt hại và nguy hiểm trong bão.

Công ty Công viên - Cây xanh cũng chỉ đạo công nhân chằng chống cây xanh cẩn thận. Trên những tuyến đường ven biển, công nhân cũng đang khẩn trương cắt cây cảnh và hoa để giữ giống và tránh dập nát.

Trong khi đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải cũng đã hoàn tất công tác xả nước tại các hồ điều tiết, chuẩn bị máy bơm dự phòng khi điện mất; khơi thông các cống, cửa thu nước để giảm tắc nghẽn dòng chảy. Hiện công tác tháo các thiết bị điện ở các tủ điện ven biển cũng được công nhân khẩn trương làm nhằm hạn chế nước biển dâng gây ngập.

Vùng 3 Hải quân sẵn sàng đối phó siêu bão

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 14, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tập trung lực lượng, phương tiện và triển khai các phương án đối phó. Theo đó, toàn Vùng tổ chức trực theo dõi diễn biến của bão 24/24 giờ. Các tàu đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn pháo hiệu thông báo cho tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão.

Bộ Tư lệnh Vùng đã chỉ đạo Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Trên bờ, Vùng chuẩn bị 8 xuồng cao tốc, 9 xuồng cao su, 9 xe tải, 2 xe cẩu, 4 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có tình huống xảy ra.

Đến 14 giờ ngày 9-11, công tác phòng chống bão số 14, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và kho tàng, doanh trại của Vùng đã hoàn tất. Đồng thời, các lực lượng của Vùng còn hướng dẫn cho hơn 400 tàu cá với trên 3.000 ngư dân vào các vị trí tránh bão an toàn. Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã cử 100 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 355 tham gia chằng chống nhà cửa cho các gia đình chính sách, các trường THCS, THPT và trường mầm non trên địa bàn xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Ngay trong trưa nay, Vùng 3 điều 5 xe ca phối hợp với các lực lượng di dời khẩn cấp 200 hộ dân ven biển thuộc phường Thọ Quang, Mân Thái, quận Sơn Trà đến các cơ quan, đơn vị thuộc Vùng 3 và các nơi trú ẩn an toàn.

Hàng nghìn chiến sĩ vũ trang giúp dân

Thượng tá Tống Phú, Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố  Đà Nẵng cho biết, từ sáng 9-11, đơn vị đã huy động gần 400 bộ đội thường trực, 2.000 lực lượng dân quân thường trực tiến hành giúp dân chằng chống nhà cửa, đồng thời di dời người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm.

Riêng phương tiện, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố huy động 3 xe thiết giáp cùng với các phương tiện ô-tô, ca nô và hàng nghìn áo phao, đèn pin sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Đến chiều 9-11, một số địa phương đã tiến hành di dời dân khỏi các vùng nguy hiểm.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, sáng 9-11, các đơn vị Công an địa phương sau khi tiến hành chằng chống đơn vị, đã giúp dân ở khu vực đóng quân. Sau đó, chiều 9-11, phối hợp với lực lượng quân đội, biên phòng tiến hành di dời dân theo chỉ đạo của thành phố.

Ngoài ra, Công an thành phố còn thành lập Trung tâm chỉ huy để cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra trong bão lũ. Đồng thời, bố trí các phương tiện để giúp dân khi cần thiết.

Chiều 9-11, Đồn Biên phòng Hải Vân phối hợp với các lực lượng vũ trang, công an, quân đội tiến hành di dời dân tại khu nhà liền kề Hòa Vân (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), đồng thời đưa hàng trăm người dân khu văn hóa biển Kim Liên vào tránh trú bão tại nhà sinh hoạt động đồng.

Tất cả đang gấp rút hoàn tất chuẩn bị trước một trận bão lớn sắp đổ bộ vào miền Trung.

Huế: Người dân di chuyển đến nơi chống bão

Siêu bão Hai Yan hướng đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh, kết hợp triều cường, lũ do mưa lớn. Các địa phương ven biển, ven sông, miền núi khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người.

Sau khi mấy  cơn bão đi qua, mới nhất là bão số 11, 12, mặc dù đã có những biện pháp ứng phó từ trước nhưng người dân các địa phương cũng không chủ quan trong công tác ứng phó bão số 14 này. Người dân thị trấn Thuận An, Phú Thuận và các xã ven biển huyện Phú Vang đang tập trung triển khai giằng chống nhà cửa, sơ tán nhân dân. Anh Phan Văn Cư ở thôn Cư Lại Trung, xã Phú Hải nói: “Ở địa phương lo nhất là bão.

Nghe trên truyền hình thông báo bão HaiYan là cơn bão cực mạnh nên bà con rất lo. Gia đình tôi và người dân khẩn trương kiểm tra, giằng chống nhà cửa. Những mái hiên lợp tôn phải tháo dỡ nhằm tránh bị tốc gây tai nạn và hư hỏng”. “Nhà tôi xây dựng khá kiên cố, vững chắc, nhưng nếu chưa an toàn sẽ sơ tán đến các nhà thờ, trường học trước khi bão đổ bộ vào”, anh Cư chia sẻ thêm.

 

Tại xã Phú Thanh (huyện Phú Vang), địa phương nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An có khả năng chịu ảnh hưởng lớn khi bão Hai Yan đổ bộ vào. Ông Hồ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho biết, lo lắng nhất đối với chính quyền địa phương trong mùa bão, lũ là ý thức chấp hành của người dân tái định cư Quy Lai (trước đây vạn đò) còn thấp. Điều đáng mừng, đến chiều 9-11, hơn 40 hộ gia đình trong thôn đã hoàn thành việc giằng chống nhà cửa. Bà con ở đây cũng đã chất lúa, gạo, lương thực lên xuồng, lên “tra” để tránh lũ. Mọi thứ cũng được người dân chuẩn bị, sẵn sàng di dời theo lệnh của địa phương. Với các hộ cố tình chây ỳ sẽ bị cưỡng chế, quyết tâm không để thiệt hại về người. Ông Hồ Xuân Chung cho biết, toàn xã có trên 100 hộ phải sơ tán đến các nhà kiên cố, nhà cao tầng, trường học, trụ sở UBND xã.
Ở Quảng Ngãi, tại huyện đảo Lý Sơn gió bão đang mạnh lên, công tác phòng chống bão đang được chính quyền và nhân dân khẩn trương thực hiện. Việc neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, di dời dân ra khởi vùng nguy hiểm... dang được gấp rút triển khai và công việc này sẽ hoàn thành vào lúc 17 giờ chiều 9/11.
Tại huyện miền núi Trà Bồng, người dân cũng đã tổ chức chằng chống nhà cửa, tích trữ lương thực... chuẩn bị đối phó với siêu bão  Haiyan.

 

Để có lương thực thực phẩm sử dụng trong những ngày tránh trú siêu bão Haiyan từ sáng sớm nay, người dân huyện miền núi Trà Bồng đã đến các chợ, cửa hàng tạp hóa để mua sắm để mua các nhu yếu phẩm cần thiết.

Mai Hà (tổng hợp)



 

 

 

 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang