Sau bão số 3: Hà Nội ảnh hưởng nặng nhất, Hải Phòng không có thiệt hại lớn

author 16:15 19/08/2016

(VietQ.vn) - Tin mới nhất về thiệt hại sau bão số 3 năm 2016. Cập nhật liên tục về cơn bão số 3 năm 2016.

Sự kiện: Dự báo thời tiết

Ngày 20/8 - Sau bão số 3, Hà Nội thiệt hại nặng nhất, Hải Phòng - Quảng Ninh không có thiệt hại lớn

Dù bão số 3 được dự báo sẽ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, tuy nhiên Hà Nội lại là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước khi bão đổ bộ, thủ đô Hà Nội đã phải hứng chịu những trận mưa lớn từ đêm 18/8, đến trưa 19/8, những cơn mưa lớn lại tiếp tục, gió giật mạnh khiến nhiều tuyến phố chìm trong biển nước, nhiều cây xanh bật gốc, ngả nghiêng đè bẹp ô tô.

Hà Nội mưa to gây ngập lụt từ đêm 18/8 - Ảnh: Nguyễn Minh/ Tài nguyên môi trường

 

 Cây đổ đè bẹp ô tô 4 chỗ, gây ách tắc nhiều nơi.

Hải Phòng - Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai thành phố Hải Phòng, 17 giờ ngày 19/8 bão số 3 đã không còn ảnh hưởng đến các khu vực tại Hải Phòng. Hiện toàn thành phố chỉ còn một số nơi có mưa với lượng mưa giảm dần, trời âm u, gió nhẹ.

Một số huyện ven biển như Tiên Lãng, Đồ Sơn, An Lão….trời đã lặng gió, mưa nhỏ, không có thiệt hại về thủy sản, cây ăn quả. Toàn thành phố không có cây to bị đổ, giao thông hoạt động bình thường, tuy nhiên một số khu vực ảnh hưởng mưa lớn bị ngập.

 Tàu thuyền về neo đậu tại bến Đồ Sơn. Ảnh: Công lý

Diễn biến bão số 3 ngày 19/8:

Chiều 19/8 sau khi đi vào khu vực Hà Nội bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 23 giờ ngày 19/8, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc Bộ.

Hồi 17 giờ ngày 19/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-9.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10-11; các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6-9. Ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa 50-150mm, có nơi 200mm.

Dự báo trong 6 giờ tới (đến 23h ngày 20/8), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km.

Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động mạnh. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, Sơn La, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8.

Khu vực Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7 và mưa 50-100mm.

16h15 19/8 -  Bản tin phát lúc 16.15' của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện tại: Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.

Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây vàTây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên còn có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-7. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to.

Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa to.

15h 19/8 - Hồi 15 giờ ngày 19/08, bão số 3 tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11. Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió giật cấp 10-11. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to.

Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 7-9 và mưa to.

Tâm bão đang vào sâu đất liền

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, chiều nay (19/8) bão số 3 đã đi vào khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10-11; các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có gió giật mạnh cấp 8. Ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa 50-150mm.

Hồi 15 giờ ngày 19/08, bão số 3 tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11. Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây vàTây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió giật cấp 10-11.

Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 7-9 và mưa to.

 Sóng lớn tại khu vực huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ảnh Tuổi trẻ

Hồi 13 giờ ngày 19/08, tâm bão ở ngay trên ven bờ biển Nam Quảng Ninh-Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11. Dự báo, trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trong 3 giờ vừa qua, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 17 km/h. Ở Bạch Long Vĩ tiếp tục có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có gió giật mạnh cấp 8.

Hồi 08 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hải Phòng-Ninh Bình khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11-13.

Dự báo trong 06 giờ tới (đến 14h ngày 19/8), bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 14 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11-13.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-13, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-13. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Dự báo trong 06 đến 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 19/8, vị trí áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 10-12.

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình tiếp tục có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-12. Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9.

Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm.

Vùng ven biển từ Nam Định đến Nam Quảng Ninh có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.

Thủ tướng chỉ đạo: Khẩn cấp ứng phó với bão số 3, bảo vệ tính mạng con người

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án khẩn cấp bảo vệ tính mạng con người là trên hết. Ảnh: Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Sáng nay (19-8), thông tin từ Bộ TN&MT cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có cuộc làm việc với Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương về tình hình dự báo bão và ứng phó với cơn bão số 3, theo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc Thủ tướng yêu cầu dự báo trước những cơn bão và thiên tai là công việc thiết thực, khoa học tổng hợp, đòi hỏi trí tuệ cao. Phải có trách nhiệm lớn, giúp cảnh báo cho nhân dân để giảm thiểu thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân, hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tăng cường phối hợp và thu nhận các nguồn tin khác nhau từ các nước trên thế giới để có dự báo kịp thời, chính xác. Thủ tướng Chính phủ đồng tình với nhận định rằng bão số 3 là cơn bão mạnh, đi nhanh, đi sâu và hoàn lưu có thể kéo dài, đồng thời, bão vào đúng đợt triều cường.

 Bão số 3 làm ngập nhiều tuyến đường Hà Nội. Ảnh Infonet

Thủ tướng lưu ý, ngoài các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An cần có biện pháp ứng cứu đối với một số đoạn đê xung yếu, thì các tỉnh, thành phố phía trong như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đều phải cảnh giác. Sau khi bão số 1 và số 2 đã gây ngập nhiều diện tích lúa với thiệt hại không nhỏ, nếu mưa lớn gây ngập sâu nữa thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, cần chỉ đạo cấp điện thường xuyên, bảo đảm các trung tâm, trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt.

“Cần thiết thì đặt một số trạm bơm trung gian chạy bằng dầu để hỗ trợ một số vùng có nguy cơ ngập kéo dài, gây chia cắt. Do đó, ngành điện cần có sự chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời, đừng để bão đã qua một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện. Cùng với đó, phải lưu ý tình trạng mưa lũ có thể gây sạt lở đất, nhất là các vùng miền núi, đe dọa tính mạng người dân. Các cấp, các ngành đều phải có phương án ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra” - Thủ tướng yêu cầu.

 

Mưa lớn làm các phương tiện di chuyển khó khăn. Ảnh Infonet

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bảo vệ tính mạng con người là mục tiêu vô cùng quan trọng khi thiên tai xảy ra. Tất cả các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng chống bão với tinh thần bốn tại chỗ, chỉ đạo sớm khi chưa xảy ra bão. Ngay từ bây giờ cần chằng chống nhà cửa, đề ra phương án cứu lúa, cảnh giác lở đất, an toàn hồ đập; mọi ngành, kể cả ngành hàng không, đều phải có phương án ứng phó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã cử ba phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo một số bộ có liên quan trực tiếp đến các địa phương trọng điểm mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo bão sẽ đổ bộ để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo địa phương, trên tinh thần là hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

3 Phó Thủ tướng chống bão tại địa phương

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ; tiếp theo Công điện số 1478/CĐ-TTg ngày 18/8/2016, yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 3 năm 2016. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa DỪNG CÁC CUỘC HỌP không cấp thiết để TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG BÃO.

 Ở Hà Nội trong chiều ngày 19/8 mưa rất lớn. Ảnh Infonet

Thủ tướng Chính phủ phân công các đồng chí: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống Bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi Nam Định và Thái Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi Ninh Bình và Thanh Hóa.

Do ảnh hưởng mạnh từ cơn bão số 3, mưa giông trên diện rộng khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn thủ đô Hà Nội ngập trong biển nước.

Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố nội thành Hà Nội từ 0,1 m đến 0,3 m như: Hoàng Mai; Định Công; Bến xe phía Nam (Giải Phóng); Minh Khai (Chân cầu Vĩnh Tuy); Pham Văn Đồng; Trần Bình; Thụy Khê; Lê Duẩn (cửa ga Hà Nội); Nguyễn Khuyến; Huỳnh Thúc Kháng; Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Cao Bá Quát, Đội Cấn;…

 Cơn bão số 3 sắp đổ bộ vào đất liền, hiện nay một số nơi trong khu vực Hà Nội đã có mưa vừa đến mưa to khả năng gây ngật lụt cho nhiều tuyến phố nội thành của Thủ đô.

 

 Đường Nguyễn Phong Sắc lụt thành sông, nước ngập ngang nửa người đi xe máy. Trong khi đó đường trên cao cũng bị ngập úng do nước mưa không thoát kịp. Ảnh: Vietnamnet

 

Hàng loạt chuyến bay bị hủy để đảm bảo an toàn

Đại diện sân bay Liên Khương chiều ngày 18/8 vừa cho biết, 24 chuyến bay đi và đến sân bay này của các hãng hàng không trong nước, nhưng do ảnh hưởng của việc mưa to gió giật mạnh, nên nhiều chuyến bay đã phải hủy.

Vietnam Airlines cho biết, do thời tiết xấu và điều kiện khai thác kém, 6 chuyến bay của hãng này, bao gồm 4 chuyến bay từ TP.HCM và 2 chuyến từ Hà Nội đến Đà Lạt đã phải hủy.

Những hành khách nào bị ảnh hưởng từ việc thay đổi chuyến bay này, hãng sẽ hỗ trợ đổi vé miễn phí sang các chuyến bay khác trên cùng hành trình, phương tiện di chuyển về lại trung tâm TP từ sân bay Nội Bài hay sân bay Liên Khương (Đà Lạt).

Vietjet Air cho biết, cũng do ảnh hưởng của mưa to, gió giật mạnh, máy bay không thể hạ cánh được, nên 8 chuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội đến Đà Lạt cũng không thể thực hiện, buộc phải hủy.

Theo lịch bay thì chỉ còn 1 chuyến bay của Jetstar Pacific, nhưng cuối cùng, giờ chót cũng buộc phải hủy, vì lý do an toàn.

Ngoài Đà Lạt thì Vietjet Air cũng có tổng cộng 2 chuyến bay từ TP.HCM đến sân bay Cát Bi – Hải Phòng và ngược lại cũng buộc phải hủy, do không đảm bảo điều kiện khai thác.

Thời tiết xấu, diễn biến thất thường, gió tạt ngang nên các sân bay thường xuyên đưa ra những lời cảnh báo, để các hãng hàng không đưa ra quyết định cuối cùng là có thực hiện chuyến bay hay không.

Cảnh báo những thiệt hại do bão Thần Sét gây ra

Cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Trong Hội nghị trực tuyến ứng phó cơn bão số 3 (Thần Sét) diễn ra vào sáng 18/8, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhận xét: Cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta trong khi toàn bộ 14 tỉnh vùng núi phía Bắc đã bị ảnh hưởng của bão số 1 và số 2, đất đã ngậm nước bão hòa. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét là rất cao.

Ngoài ra, theo dự báo, thời gian bão số 3 đổ bộ vào nước ta đúng lúc triều cường đang lên cao đe dọa các tuyến đê biển xung yếu, gây khó khăn cho phục hồi sản xuất các tỉnh ven biển.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương: Từ nay đến hết ngày 20/8, tiếp tục xảy ra mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ, Hà Tĩnh-Quảng Bình phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m.

Đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Đáy, sông Đào, hạ lưu sông Thái Bình ở mức báo động I; sông Thao, sông Bằng, sông Hoàng Long ở mức báo động II; sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng ở mức báo động III; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I đến báo động II; sông Cả, sông La lên mức báo động I. 

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. 

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao 2-4m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. 

Nhiều tỉnh phía Bắc gió giật mạnh tới cấp 14

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, chiều tối 18/8, bão số 3 đã vượt qua bán đảo Lôi Châu, đi vào vịnh Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía tây bão số 3, ở phía Đông Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, một số nơi có mưa to đến rất to như Hòn Dấu (Hải Phòng) 120mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 60mm, Uông Bí (Quảng Ninh) 65mm, Hoài Đức (Hà Nội) 70mm, Ba Vì (Hà Nội) 70mm, Láng (Hà Nội) 60mm.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó

Chiều 18/8, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 1478/CĐ-TTg yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 3 năm 2016.

Theo đó, nội dung công điện nêu rõ, bão số 3 với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 đến cấp 12 vẫn đang tiếp tục di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ và hướng về đất liền nước ta.

Theo dự báo, sau khi vào Vịnh Bắc Bộ bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, di chuyển nhanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta vào trưa, chiều ngày 19 tháng 8. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối nay (18 tháng 8) ở Vịnh Bắc Bộ  gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 đến cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 đến 10, giật cấp 12 đến cấp 14, biển động rất mạnh.

Từ sáng 19 tháng 8, hoàn lưu bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh), sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 14. Những ngày tới có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm và lũ trên hệ thống sông tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, nhất là tại các những nơi đã bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua.

Đây là cơn bão mạnh, đổ bộ vào thời điểm triều cường, phạm vi ảnh hưởng rộng, vẫn tiếp tục mạnh thêm và diễn biến còn phức tạp; cần đề phòng sau khi bão đổ bộ vào bờ có thể tiếp tục duy trì gió mạnh trong thời gian dài và vào sâu trong đất liền. Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ, tránh tư tưởng chủ quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và các cơ quan khí tượng thuỷ văn của các địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ, tổ chức dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão, mưa lũ.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển, chính quyền các địa phương ven biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu hoạt động ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, chủ động hướng dẫn tàu thuyền không đi vào và thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, những trường hợp không bảo đảm an toàn kiên quyết yêu cầu di chuyển về bờ tránh trú. Chỉ đạo các địa phương rà soát, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê các tuyến đê biển, đê sông, hồ đập, vận hành an toàn các hệ thống thủy lợi, chủ động tiêu nước đệm, chống ngập úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; tổ chức tuần tra, canh gác, hộ đê theo cấp báo động.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý hoạt động vận tải nắm chắc thông tin, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các tàu vận tải trên biển, trên sông, kể cả các tàu ở khu vực neo đậu; chỉ đạo tập trung khắc phục các sự cố sạt lở trong đợt mưa lũ vừa qua, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông chính; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở khi mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ điện, chủ động tham gia phòng, chống lũ cho hạ du, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, hầm lò; chủ động dự trữ hàng hoá thiết yếu, nhu yếu phẩm sẵn sàng cung ứng khi có yêu cầu.

 Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo bảo vệ an toàn các hồ đập; có phương án bảo đảm an toàn đối với các công trình trọng yếu của đất nước; hướng dẫn địa phương bảo vệ các công trình có nguy cơ sập đổ, công trình tháp cao, công trình đang xây dựng.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các lực lượng của địa phương kiểm soát việc giao thông trên các trục giao thông chính trong thời gian bão đổ bộ, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai cứu hộ, cứu nạn, tổ chức sơ tán dân khi có yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến, đánh giá cụ thể nguy cơ, mức độ ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với địa phương mình để kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở và người dân triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, không để bị động bất ngờ, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan. Chủ động chỉ đạo cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tiêu thoát nước chống ngập úng đối với sản xuất nông nghiệp và tại các đô thị, khu dân cư trên địa bàn. Căn cứ tình hình diễn biến bão, mưa lũ cụ thể ở địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các khu vực bão đổ bộ trực tiếp và mưa lũ lớn.

Đối với các địa phương ven biển: Cấm tàu thuyền ra khơi, sử dụng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm; phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển, ngành thủy sản và các đơn vị có liên quan kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào nơi trú tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, kể cả đối với tàu vận tải. Các địa phương trong khu vực dự kiến bão đổ bộ trực tiếp khẩn trương tổ chức sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm như trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ, hải sản, khu vực cửa sông, ven biển có nguy cơ ngập sâu, các nhà yếu có nguy cơ sập đổ đến nơi an toàn, hoàn thành trước 08 giờ ngày 19 tháng 8 năm 2016.

Các tỉnh trung du, miền núi tập trung rà soát, chủ động di dời, kiên quyết sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng khi có mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng mưa lũ gây chia cắt kéo dài.

Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó với bão, mưa lũ, chủ động khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ theo quy định.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đến 10 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12-14.

Từ sáng 19/8, bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Quảng Ninh-Nghệ An). Vùng ven biển Hải Phòng-Nam Định có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, thông tin trên báo Chính Phủ.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. Đến 04 giờ ngày 20/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Sáng 18-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc giao ban trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố từ Nghệ An trở ra để kiểm tra các phương án chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 (bão Thần Sét). Theo Trung tâm khí tượng Thủy văn, đây là cơn bão có mức ảnh hưởng rộng, gây mưa lớn.

Tại cuộc họp khẩn, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo khi bão đổ bộ vào Việt Nam ít nhất sẽ đạt cấp 9, có thể lên tới cấp 10 -11, gió giật cấp 12-13. Khu vực ven biển Bắc bộ có mưa lớn từ đêm 18-8.

Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, vào sáng 19-8, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển và khoảng 12 trưa cùng ngày bão sẽ vào đến bờ.

Do ảnh hưởng của bão Thần Sét, khu vực Bắc bộ sẽ có mưa lớn ở nhiều nơi, với lượng mưa khoảng 200 – 300 mm, bão vào kết hợp với thủy triều dâng sẽ tạo ra sóng cao từ 3 -5m, ảnh hưởng tới hệ thống đê biển. Nguy cơ sạt lở đất, lũ quét rất cao, theo báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh.

Hồi 04 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11.

Tin bão số 3 mới nhất dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 04 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-13 và còn tiếp tục mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển ngoài khơi phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh. Khu vực Bắc biển Đông tiếp tục có mưa dông và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ chiều tối nay (18/8), ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-13, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, cơn bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền nước ta. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 12-14.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động dữ dội.

CÔNG ĐIỆN KHẨN CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

Điện của Bộ Tổng Tham mưu

Bộ Tổng Tham mưu có Điện số 97/TK gửi: Quân khu 1, 2, 3, 4; các Tổng cục: Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng và Tổng cục II; các Bộ Tư lệnh: Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thủ đô Hà Nội; các Quân đoàn: 1, 2; Binh chủng: Công binh, Thông tin liên lạc.

Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu: Các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ và diễn biến của ATNĐ/bão, có biện pháp bảo đảm an toàn cho phương tiện, kho tàng, doanh trại; khi có tình huống chủ động tham mưu, hỗ trợ chính quyền địa phương các biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời và phát huy triệt để phương châm “4 tại chỗ”. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Chú ý bảo đảm an toàn khi sử dụng lực lượng, phương tiện.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: phối hợp với các địa phương ven biển và ngành Thủy sản kiểm đếm, thông tin, kêu gọi, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển về diễn biến của ATNĐ/bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Quân khu 1, 2, 3, 4; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quân đoàn 1, 2: Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc quyền chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, kiểm tra, rà soát các hồ đập đã đầy nước có thể xảy ra sự cố; khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, ngập úng; khu vực vùng sâu, vùng hẻo lánh, cách trở; các hầm lò khai thác khoáng sản; hỗ trợ chính quyền địa phương cương quyết sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó khi có tình huống.

Các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng, II; các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đơn vị thuộc quyền sẵn sàng ứng phú với mưa lũ, ATNĐ/bão.  

Công điện của Bộ Công An

Ngày 16/8, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an có Công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó biến đối khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Công an; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Ban Chỉ huy PCTT & TKCN Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; Cục Cảnh sát giao thông.

Theo đó, Bộ Công an đề nghị các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 18/CĐ-TW ngày 16/8/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và các tình huống mưa, lũ.

Đối với Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh theo dõi chặt diễn biến của ATNĐ, Bão, mưa lũ phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền.

Đối với Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh miền núi Trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, Bão, mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản và công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết; bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” tại các khu vực xung yếu, nhất là các khu vực dễ bị chia cắt. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày trước, trong và sau ATNĐ, Bão, mưa lũ về Ban Chỉ đạo (qua Văn phòng ƯPT: SĐT 069.23.201.60, 069.23.201.52, Fax 069.23.201.52, 069.23.201.60).

Công điện số 18 của Ban chỉ đạo TW PCTT

Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai- Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 18, ngày 16/8, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; các Bộ: Quốc phòng, GTVT, Ngoại giao, TNMT, Thông tin và Truyền thông, NNPTNT; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin Duyên Hải chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới /bão; thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là Bắc vĩ tuyến 20 (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão).

Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh; tổ chức kiểm tra, rà soát tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Chỉ đạo kiểm tra an toàn đập; vận hành cửa van; xả nước đón lũ để đảm bảo an toàn đập và vùng hạ lưu hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

* Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công điện khẩn số 23/CĐ-TCĐBVN về chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài trên diện rộng gửi các Cục Quản lý đường bộ: I và II; Các Sở GTVT: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn,Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An.

Theo đó, để kịp thời khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra bảo đảm giao thông thông suốt, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác bảo trì đường bộ tăng cường công tác tuần đường, phát hiện kịp thời các vị trí sạt lở, ngập úng.

Đồng thời, cử người trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao.

Đối với các vị trí sạt lở lớn tắc giao thông phải cử ngay Lãnh đạo Cục QLĐB, Lãnh đạo Sở GTVT đến hiện trường, triển khai ngay phương án phân luồng giao thông từ xa; khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất.

Tin mới nhất về bão số 2: Mạnh và phức tạp hơn nhiều (VietQ.vn) - Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 2 năm 2016 di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang