Bảo tồn các bài thuốc hay của đồng bào dân tộc Tây Nguyên

author 06:30 01/09/2015

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học đã nghiên cứu để bảo tồn các bài thuốc hay của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Vừa qua, tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKHCNNN) đã họp nghiệm thu và đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Điều tra, nghiên cứu các cây thuốc được sử dụng trong các bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên và đề xuất các biện pháp bảo tồn”, mã số TN3/T10 (2011-2014) do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chủ trì và TS. Nguyễn Văn Dư làm chủ nhiệm.

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các bài thuốc dân tộc ở Tây Nguyên

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các bài thuốc dân tộc ở Tây Nguyên

HĐKHCNNN gồm: GS.TS.Phạm Thanh Kỳ - Đại học Dược Hà Nội, Chủ tịch hội đồng; PGS. TS. Vũ Mạnh Hùng – Học viện Quân y và GS.TSKH. Trần Văn Sung – Viện Hóa học là Ủy viên phản biện; Ủy viên hội đồng gồm có GS. TS. Phạm Quốc Long – Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, GS. TSKH. Trần Công Khánh – Đại học Dược Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Trung Thành – Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Minh Hà – Viện Y học cổ truyền quân đội, PGS. TS. Nguyễn Văn Tập – Viện Dược liệu, PGS. TS. Nguyễn Văn Sinh – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Ngoài ra còn có đại diện Viện HLKHCNVN, Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, đại diện cơ quan chủ trì.

Đề tài thực hiện với các mục tiêu chính sau: “Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về các cây thuốc dân tộc bao gồm: tên khoa học, tên địa phương, phân bố, và giá trị sử dụng trong các bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên; Nghiên cứu phân tích giá trị dược lý, thành phần hóa học và các hoạt chất sinh học một số cây thuốc được sử dụng trong các bài thuốc và có triển vọng để phát triển tại Tây Nguyên; Các giải pháp bảo tồn, khai thác, phát triển và sử dụng bền vững những loài cây thuốc trong các bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên.” 

Dựa trên các nhiệm vụ cụ thể của đề tài, tại buổi họp nghiệm thu, Hội đồng đã thảo luận, xem xét đối với từng nội dung nghiên cứu của đề tài và thống nhất đánh giá kết quả nghiên cứu đã đạt được, bao gồm:

1. Danh lục cây thuốc tại Tây Nguyên gồm có 1.633 loài thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 51 loài cây thuốc là bổ sung cho danh lục cây thuốc ở Tây Nguyên. Ngành Ngọc lan có số loài nhiều nhất (1.559 loài), chiếm 95,47%; số họ là 197 họ, chiếm 85,65%. Họ nhiều loài nhất là họ Cúc (Asteraceae) với 88 loài, chiếm 5,38%. Chi có nhiều loài nhất là chi Ficus thuộc họ Moraceae với 17 loài, chiếm 1,04% của tổng số loài. Trong số đó 88 loài được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), nhóm loài Rất nguy cấp (CR) có 4 loài đó là Thông nước – Glyptostrobus pensilis (Staunt.) K. Koch, Ba gạc ấn độ - Rauvolfia serpentina (L.) Benth. ex Kurz, Vù hương – Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Meisn, Kim cang petelot – Smilax petelotii T. Koyama, Nguy cấp (EN) 37 loài, Sẽ nguy cấp (VU) có 47 loài.

2. Thu thập 2.400 mẫu tiêu bản các loài cây thuốc thông qua điều tra thực vật dân tộc học về các bài thuốc của 14 dân tộc khác nhau tại Tây Nguyên.

3. Xây dựng bản đồ kỹ thuật số về các loài cây thuốc quí hiếm tại Tây Nguyên để khai thác sử dụng.

4. Cơ sở dữ liệu của 531 số hiệu mẫu cây thuốc thu được ngoài tự nhiên thông qua điều tra các bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên. Cơ sở dữ liệu sử dụng phần mềm Access để quản lý các trường thông tin để có thể khai thác như: số hiệu, tên khoa học, tên Việt Nam, tên dân tộc, tên họ thực vật, dạng sống và điều kiện sinh thái, công dụng chủ trị, nơi thu mẫu, ngày thu mẫu, người thu mẫu, tọa độ nơi thu mẫu.

5. Thu thập 362 bài thuốc của các dân tộc Ba Na, Cil, Cho Ro, Chu Ru, Dẻ, Ja Rai, K’Ho, Lào, M’Nông, Mạ, Tày; các nhóm bài thuốc có số lượng cao nhất là nhóm bài thuốc trị bệnh đường ruột (16,02%), nhóm bài thuốc sức khỏe sinh sản của phụ nữ (11,88%), nhóm bài thuốc điều trị bệnh ngoài da và bệnh về đường tiết niệu (8,84%). Trong tổng số 362 bài thuốc thu thập có tới 315 bài thuốc độc vị, 32 bài sử dụng 2 loài cây thuốc, 9 bài sử dụng 3 loài cây thuốc và 6 bài sử dụng từ 4 loài cây thuốc trở lên. 

6. Từ dịch chiết thô của 104 loài cây thuốc được chọn lọc theo tiêu chí của đề tài, có thể thấy tỉ lệ các loài dịch chiết có hoạt tính sinh học là khá cao: 61 mẫu (58,65%) ức chế sự phát triển của ít nhất 1 chủng vi sinh vật kiểm đỉnh, 41 mẫu (39,4%) có hoạt tính chống ô xy hóa, 8 mẫu (7,7%) có hoạt tính gây độc ít nhất 1 dòng tế bào.

7. Các kết quả thử nghiệm y học về tác dụng dược lý, dược học của các loài cây thuốc cho kết quả: Cao vỏ thân Chòi mòi chua (Antidesma acidum Retz.) có tác dụng hạ acid uric huyết thanh trên mô hình gây tăng acid uric cấp trên chuột nhắt; Cao chiết lá Lộc vừng (Barringtonia acutangula (L.) Gaertn) có tác dụng hạn chế sự tăng đường huyết; Cao chiết cây Xân (Harrisonia perforata Merr.) có tác dụng làm hạ huyết áp rõ rệt trên mô hình chuột gây tăng huyết áp bằng cortison acetat; Cao chiết lá cây Vọng cách lá rộng (Premna latifolia Roxb.) có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình chuột thực nghiệm. Kết quả này cho phép phát triển dược liệu Vọng cách lá rộng ứng dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh gan; Cao chiết thân cây Tơm trơng (Tylophora sp.) với liều 0,5g/kg/ngày và 1g/kg/ngày, uống liên tục trong 28 ngày, có tác dụng điều trị rối loạn lipid máu trên mô hình gây tăng lipid máu bằng hỗn hợp gây tăng.

8. Nghiên cứu cấu trúc hoá học của 10 loài đã được đánh giá có hoạt tính sinh học: Phân lập được 47 hợp chất sạch từ 10 mẫu dịch chiết của 10 loài cây thuốc nghiên cứu sâu, phát hiện được 2 hợp chất hoàn toàn mới cho khoa học. 

9. Tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên cây thuốc tại Tây Nguyên nhìn chung vẫn mang tính tự phát và do thị trường điều chỉnh, việc khai thác chưa được quản lý chặt chẽ, chưa có nhiều đề tài dự án bảo tồn và phát triển cây thuốc. Tình hình khai thác các bài thuốc dân tộc còn khó hơn do tính độc quyền và quyền sở hữu trí tuệ. Việc bảo tồn tri thức bản địa là rất cần thiết, vì vậy cần có những chính sách về quyền sở hữu và khai thác nguồn tri thức này.

Đề tài đã công bố 05 bài báo, trong đó 03 bài đăng trên thuộc tạp chí có tên trong danh mục SCI, 1 bài trong tạp chí SCI-E và một bài đăng trên tạp chí Quốc gia. Đã hỗ trợ các thành viên tham gia đề tài được đào tạo bậc tiến sỹ là 01 người và Thạc sĩ là 01 người.

Hội đồng khoa học thống nhất đánh giá: kết quả của đề tài là những đóng góp mới cho khoa học và có ý nghĩa thực tiễn cao trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng cây thuốc, cũng như góp phần bảo tồn cây thuốc và bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên.

Minh Tâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang