Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cuộc chiến “thiên thu”

author 07:46 15/03/2014

(VietQ.vn) – Để người tiêu dùng (NTD) đòi được quyền lợi cho mình mỗi lần đứng trước các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, chưa đảm bảo an toàn là điều không hề dễ dàng dù đã có nhiều chính sách pháp luật nghiêng về phía họ.

Liên quan đến vấn đề khiếu nại, tố cáo, thậm chí kiện tụng của NTD khi các sản phẩm, doanh nghiệp sai, lỗi, hỏng, gây thiệt hại, không ít chuyên gia nói rằng, nếu có “vấn đề” NTD nên “tố” với cơ quan chức năng, với văn phòng luật sư, với các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi NTD và với doanh nghiệp và truyền thông, báo chí... Tuy nhiên, giống hệt điều mà người xưa đã dạy: Lắm mối tối nằm không. Nhiều nơi NTD có thể phản ánh, có thể dựa hơi nhưng nơi nào mạnh nhất, nơi nào tâm huyết nhất với NTD để vào cuộc một cách trung thực, khách quan… là nơi nào? Đại đa số NTD không rõ hoặc rõ rồi thì lại sợ mất công, mất tiền, theo đuổi lâu dài mà không biết quyền lợi đòi được có bằng với những gì đã bỏ ra hay không.

Người tiêu dùng khiếu nại về sản phẩm lỗi hỏng

Người tiêu dùng lo ngại, khiếu nại xong rồi, lợi ích đem lại chẳng là bao, trong khi công sức và chi phí theo đổi sự việc lại rất cao. Ảnh: N. M

Không ít trường hợp NTD phàn nàn, nhiều cơ quan hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi NTD hoạt động còn mờ nhạt, còn nhiều rào cản khiến các phản ánh của họ chưa tới được đúng địa chỉ, hiếm có cơ quan nào có điện thoại đường dây nóng để NTD phản ánh dễ dàng. Hiện tại cũng có rất ít các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt tập thể liên quan đến việc tư vấn lựa chọn, tư vấn dịch vụ và phản ánh khiếu nại của NTD về các vấn đề họ bức xúc.

Theo bà Phan Thị Việt Thu - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP. Hồ Chí Minh, hể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực từ tháng 7-2011, NTD đã được bảo vệ nhiều hơn, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là đơn vị giải quyết khiếu nại cho NTD chưa có. Luật đã quy định cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm đối với việc bảo vệ quyền lợi NTD; bên cạnh đó cũng quy định việc giải quyết tranh chấp cho NTD thuộc thẩm quyền của tòa án với những điều kiện dễ dàng cho NTD khởi kiện như miễn tạm ứng án phí, được xét xử theo thủ tục đơn giản. Thế nhưng trên thực tế vẫn chưa có cơ quan QLNN nào đứng ra trực tiếp xử lý các trường hợp khiếu kiện của NTD. Ngay cả tòa án cũng chưa áp dụng việc nhận khiếu kiện của NTD theo đúng quy định của Luật khiến NTD phải chịu thiệt thòi.

Nói đi cũng phải nói lại rằng, việc bảo vệ quyền lợi NTD chưa tốt cũng có lỗi không ít từ bản thân họ. Khi lựa chọn kênh phản ánh, NTD chưa biết cách khiến đường đi vòng vèo. Các thủ tục, chứng cứ chuẩn bị không đầy đủ khiến cho việc tiếp nhận và xử lý gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, tâm lý e dè, ngại va chạm, sợ bị “trả thù”… khiến không ít NTD chỉ phản ánh cho qua lần.

Hàng loạt người tiêu dùng tố xe SH 125i của Honda có lỗi

Hàng loạt người tiêu dùng tố xe SH 125i của Honda có lỗi nhưng chưa có cơ quan nào vào cuộc kiểm tra, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Ảnh: N. M

Ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) Quảng Ninh cho biết: “Chẳng nói đâu xa, ngay như vụ ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội xảy ra trong tháng 12-2013 làm 6 người chết, 15 người nhập viện, với tư cách là Chủ tịch Hội, tôi đã tìm đến nhà của một số nạn nhân ở khu vực Quang Hanh (Cẩm Phả), Hà Trung (Hạ Long) để hướng dẫn người bị hại phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, làm rõ nguyên nhân và những thiệt hại về người và của để làm cơ sở cho việc bồi thường sau này. Điều đáng buồn là phần lớn người bị hại và gia đình đều không biết đến 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng, không biết phải làm văn bản để khởi kiện. Đáng buồn hơn nữa là nhiều người sau khi nghe hướng dẫn cũng ngại làm đơn khởi kiện, ngại va chạm với những thủ tục hành chính. Và như vậy là rõ ràng, Luật đã có nhưng chưa hề đi được vào cuộc sống”.

Chẳng phải “Xuân thu nhị kỳ” mới có việc NTD tố hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp chưa tốt, lỗi, hỏng mà số lượng các phản ánh ngày càng dày lên theo nhận định của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam. Nhưng trước việc làm gian, làm giả của các tổ chức ngày càng tinh vi, tinh xảo hơn, đẩy NTD vào cuộc chiến bảo vệ lợi ích ngày càng khó khăn hơn. Những hạn chế từ nhiều phía và từ phía NTD đang là rào cản khiến cho công tác bảo vệ quyền lợi của NTD nhiều khó khăn và rất dài hơi.

Theo báo cáo của Ban BVNTD (Cục Quản lý cạnh tranh), trong 2 năm qua, các hội BVNTD trên toàn quốc mỗi năm giải quyết được khoảng 2.000 vụ với tỉ lệ thành công là từ 80-82%. Hiện trên cả nước đã có 47 hội ở các tỉnh, 1 hội hoạt động trên phạm vi cả nước.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang