Bảo vệ thương hiệu, chất lượng sâm Ngọc Linh trước 'nạn' giả nhái

author 17:07 16/08/2017

(VietQ.vn) - Sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bán rộng rãi trên thị trường ngay cả tại những vùng trồng thương hiệu như Quảng Nam.

Sâm Ngọc Linh giả ‘tung’ hoành trên thị trường

Sâm Ngọc Linh được coi là dược liệu quý hiếm của Đông y. Chính vì vậy, nhu cầu mua sâm của người tiêu dùng ngày càng tăng cao.

Về cơ bản, nhân sâm có 3 nhóm tác dụng chính đó là tăng lực, chống stress, và bồi bổ sức khỏe. Riêng đối với sâm Ngọc Linh của Việt Nam, khoa học đã ghi nhận ngoài những tính năng tương đương với sâm Triều Tiên, sâm Ngọc Linh còn có khả năng chống stress tâm lý cao. Thông thường, sâm rừng thường tốt và đắt hơn so với sâm vườn được gieo trồng. Số tuổi của sâm càng lớn thì chất lượng của sâm càng tốt hơn.

Do có nhiều tác dụng lớn đối với sức khỏe nên trên thị trường hiện nay, không ít các cơ sở thường xuyên cung cấp loại sản phẩm này. Tuy nhiên, số lượng sâm Ngọc Linh giả chiếm phần lớn thậm chí ngay cả ở những địa phương có thương hiệu về giống sâm Ngọc Linh như Quảng Nam, Kon Tom.

Trước thực trạng trên, vào chiều 14/8, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam để nắm bắt tình hình về hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh giả diễn ra trong thời gian qua, từ đó tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương có biện pháp xử lý vấn đề này để bảo vệ thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Vũ Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam cho biết trên địa bàn tỉnh hiện xuất hiện một số cơ sở kinh doanh sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo ông Tích, tình trạng này nổi lên nhiều sau khi sâm củ Ngọc Linh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được công nhận là sản phẩm quốc gia.

Một số cơ sở ngang nhiên kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh giả ở Quảng Nam. Ảnh minh họa: CafeF 

Cũng theo vị Giám đốc này, Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam hiện chưa thực hiện cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đối với sản phẩm sâm củ cho các tổ chức, cá nhân nhưng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh lại đang tự ý sử dụng. Việc này tạo điều kiện cho sâm củ Ngọc Linh giả và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cũng đưa ra đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đặt tại huyện Nam Trà My.

Đây là hành động có vai trò quan trọng trong việc kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh, trước khi được đưa ra thị trường. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đã có biện pháp phối hợp xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm củ có gắn dấu hiệu chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng.

Ghi nhận các ý kiến đề xuất của tỉnh Quảng Nam, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đoàn sẽ đánh giá và báo cáo kết quả khảo sát về tình trạng Sâm Ngọc Linh giả với lãnh đạo Bộ KH&CN, từ đó có biện pháp phòng chống để đảm bảo chất lượng nguồn sâm quý trên thị trường.

Làm sao để phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả?

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ KH&CN, phía tỉnh Quảng Nam cũng chỉ ra những khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng sâm Ngọc Linh giả bán tràn lan ngoài thị trường. Cụ thể, việc xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả hiện nay hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm của người trồng sâm và những người nghiên cứu về sâm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý hiện đang có sự chồng chéo giữa các ngành chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh.

Về giải pháp trước mắt, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho phép huyện Nam Trà My tổ chức chợ phiên bán sâm Ngọc Linh mỗi tháng một lần, bắt đầu từ tháng 8/2017 để cung cấp sản phẩm sâm Ngọc Linh thật đến người tiêu dùng. Đồng thời, tỉnh sẽ sớm thành lập Hội sâm Ngọc Linh và quế Trà My Quảng Nam, hoàn chỉnh quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh. Tỉnh Quảng Nam đã thiết kế và chuẩn bị cho in tem chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh Quảng Nam để dán lên sản phẩm.

Đối với vấn đề phân biệt sâm Ngọc Linh giả và sâm Ngọc Linh thật, theo Th.S Lê Thanh Sơn, cán bộ Khoa Thực vật và Tài nguyên cây thuốc, Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hiện ở Việt Nam gần như không còn sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên nữa. Hiện tại, nếu có sâm Ngọc Linh thì hầu hết là do những người dân địa phương hoặc một số đơn vị như lâm trường Ngọc Linh, Công ty Dược và Vật tư Y tế Quảng Nam trồng... Tuy nhiên, số lượng bán ra cũng rất ít và giá khá cao.

Hiện 4 – 5 loại sâm Ngọc Linh giả được Th.S Lê Thanh Sơn và các đồng nghiệp tại Viện Dược liệu phát hiện gồm: Loại giả thứ nhất cũng là giả cao cấp nhất (1A) là sử dụng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). 

Tam thất hoang là một trong những loại được dân buôn lựa chọn để "giả", "nhái" sâm Ngọc Linh. Ảnh: ĐSPL

 

Loại sâm giả thứ 2 là sâm Vũ Diệp và Tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại giả 1A đã nói ở trên. Th.S Lê Thanh Sơn chia sẻ, chính bản thân ông đã từng rất xót xa khi chứng kiến cảnh từng đoàn khách du lịch mua sâm Vũ Diệp tại Kon Tum với giá 30 triệu đồng/kg, trong khi, giá trị thực của nó chỉ khoảng 200.000 đồng/kg.

Ngoài ra, một số hộ kinh doanh, buôn bán sâm Ngọc Linh vì lợi nhuận kinh tế đã sử dụng một số loài thuộc họ Araceae (họ Ráy) để đánh lừa khách hàng, biến chúng thành loại sâm “giả” tồi tệ nhất, nguy hiểm nhất. Không ít người khi đi mua đã nhấm thử và sau một thời gian, toàn bộ môi, miệng bị phồng rộp.

Những loài thuộc họ ráy này nếu ở trong trạng thái héo, người mua lại càng khó phân biệt bởi hình dáng bên ngoài hoàn toàn giống với sâm Ngọc Linh thật. “Nếu người dân mua phải loại này về ngâm rượu uống chưa biết tác hại của nó sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn nó không có tác dụng về bồi bổ cơ thể” Th.S Lê Thanh Sơn khẳng định. Thêm nữa, một số củ của những loài khác như củ Hoàng tinh loại nhỏ hoặc củ Bảy lá một hoa (củ rắn cắn) loại nhỏ… một số loại củ có thân đốt giống sâm Ngọc Linh, theo Th.S Lê Thanh Sơn đều có thể làm “giả” được.

Theo chỉ dẫn của chuyên gia, sâm Ngọc Linh tự nhiên thật nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt. Sâm thật có mùi thơm nồng đặc trưng của sâm, chỉ cần đưa lát sâm lên mũi ngửi là có thể nhận biết được mùi này.

Một củ sâm Ngọc Linh thật
Một củ sâm Ngọc Linh thật. Ảnh: BGT 

Ngoài ra, vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám. Còn nếu như sờ vào các loại sâm giả thì vỏ dày, sần sùi, bì bì, màu giống màu da tê giác.

Sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên tại các vùng chuyên canh có hình dạng hơi khác với sâm được mọc tự nhiên. Kích thước và hình dáng sâm trồng khá đồng đều. Sâm trồng thì xung quanh thân có các nốt sẹo, rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây nên tạo thành những cục, loại sâm trồng này có nhiều rễ, ít mắt hơn sâm tự nhiên và phần thân nhỏ hơn về phần củ.

Trên thị trường hiện nay sâm Ngọc linh thật giả lẫn lộn. Nếu không có kĩ năng phân biệt thì khách hàng khó có thể nhìn ra. Vì vậy khi mua người tiêu dùng nên tiếp cận với những cơ sở uy tín, tránh mua đại trà với giá rẻ bất ngờ, vì giá quá rẻ so với mặt bằng chung thì chắc chắn là sâm giả hoặc là đã bị lấy đi hết dưỡng chất có trong sâm.

Phong Lâm

Kon Tum: Dùng ô tô cán nát Sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc trị giá gần 300 triệu đồng(VietQ.vn) - Ngày 5/7, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã tổ chức tiêu hủy các mặt hàng được cho là sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh với tổng giá trị lên tới gần 300 triệu đồng không rõ nguồn gốc.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang