Bảo vệ và phát triển các chỉ dẫn địa lý hàng hóa Việt Nam

author 14:52 30/07/2020

(VietQ.vn) - Một trong những lợi ích quan trọng mà chuyển đổi số mang lại cho xuất nhập khẩu Việt Nam đó là việc bảo vệ và phát triển các chỉ dẫn địa lý. Lợi ích này xuất phát từ vấn đề hàng hoá Việt Nam đang gặp phải khi ở các quốc gia thuộc khối EU, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt…

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu đang trở thành yếu tố cốt lõi để đảm bảo hoạt động cho nhiều doanh nghiệp trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa có chiều hướng thuyên giảm. Một trong những lợi ích quan trọng mà chuyển đổi số mang lại cho xuất nhập khẩu Việt Nam đó là việc bảo vệ và phát triển các chỉ dẫn địa lý. Lợi ích này xuất phát từ vấn đề hàng hoá Việt Nam đang gặp phải khi ở các quốc gia thuộc khối EU, nhiều chỉ dẫn địa lý vẫn còn mờ nhạt trong khái niệm của người tiêu dùng.

 
Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam coi chỉ dẫn địa lý là "dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể” với các tiêu chí đặc thù về chất lượng, uy tín hoặc đặc tính riêng.
 

Theo đại diện Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cả Việt Nam và EU đều đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ. Đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến.

Chính vì sự nổi tiếng này, các thương hiệu mới cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa “mượn” những thương hiệu này để bán tới tay khách hàng.

Có thể kể đến những chỉ dẫn địa lý của EU trong Hiệp định EVFTA như: Rượu vang Bordeaux (Pháp), Pho mát Mozzarella (Italy) cùng nhiều chỉ dẫn khác đều là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời. Trong khi đó, những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam điển hình như Gạo Hải Hậu hay Trà Tân Cương thực tế chỉ có “tiếng” ở trong nước.

Cam Cao Phong - Hòa Bình được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU. 

“Bằng cách tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội, các chỉ dẫn địa lý này có thể tới được với người tiêu dùng EU nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vẫn là phương thức truyền thông cũ là hình thức truyền miệng, nhưng hình thức “truyền miệng trực tuyến” thông qua các khả năng lan truyền thông tin “viral” hay “trending” lại có hiệu quả vô cùng lớn trong thời đại số.

Cách thức mới này không chỉ giúp tạo ấn tượng về sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với người tiêu dùng EU mà còn tạo ra lớp bảo vệ trong chính nhận thức của người tiêu dùng EU cho các thương hiệu, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam”, đại diện Vụ Thương mại đa biên cho biết.

Theo Báo cáo Kinh tế số 2019 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), kinh tế số chiếm khoảng 4,5-15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, Sách Trắng Việt Nam và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, ngay trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020.

Phát triển thương hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn địa lý để tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt (VietQ.vn) - Việc xây dựng thương hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý góp phần thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản trên thị trường.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang