Bất cẩn của nhân viên y tế có thể làm lây lan vi rút MERS-CoV

author 06:38 05/06/2015

(VietQ.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định có sự lây lan thế hệ thứ 3, tất cả các trường hợp nhiễm trùng thứ phát đều bị lây lan trong môi trường bệnh viện, do sự bất cẩn của nhân viên y tế khi xếp các bệnh nhân nằm chung phòng.

Tuy nhiên cơ quan này cho biết, chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng lây nhiễm vi rút anh em họ nhà Sars này trong cộng đồng.

Liên tục trong nhiều ngày nay, rất nhiều cuộc họp được thành lập nhằm đưa ra các phương án tối ưu để loại trừ vi rút MERS-CoV xâm nhập trong cộng đồng. Trong cuộc họp vừa mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với Văn phòng EOC nhằm chỉ đạo phương án phòng chống ngăn dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam. 

Theo thông tin tại cuộc họp này, tính tới ngày 3/6, Hàn Quốc đã ghi nhận 30 trường hợp nhiễm vi rút MERS-CoV, trong đó có 2 người tử vong. Số trường hợp nhiễm bệnh có thể tiếp tục tăng. Do đó, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam cần thắt chặt an ninh khu vực cửa khẩu và sân bay quốc tế.

Bất cẩn của nhân viên y tế có thể làm lây lan vi rút MERS-CoV

Tất cả các trường hợp nhiễm trùng thứ phát đều bị lây lan trong môi trường bệnh viện

Tại cuộc họp, chuyên gia y tế  của Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định có sự lây lan thế hệ thứ 3, tất cả các trường hợp nhiễm trùng thứ phát đều bị lây lan trong môi trường bệnh viện, do sự bất cẩn của nhân viên y tế khi xếp các bệnh nhân nằm chung phòng. Chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cần chú trọng công tác phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nếu có trường hợp ca bệnh được phát hiện. Cục Quản lý Khám chữa bệnh Việt Nam cần chủ động tập huấn về điều trị cho y bác sĩ trong bệnh viện để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh MERS-CoV. Bên cạnh đó, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, sẽ tăng cường các khuyến cáo cộng đồng, cung cấp thông tin về dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh; thiết lập đường dây nóng nhằm tư vấn cho người dân.

Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để có những thông tin kịp thời đến từng người dân qua các cửa khẩu và sân bay quốc tế. Đối với nhóm người Việt Nam đi lao động ở các nước đang có dịch MERS-CoV lưu hành như các nước Trung Đông, Bộ Y tế sẽ sớm có các biện pháp hỗ trợ thông tin phòng, chống dịch bệnh kịp thời. 

Được biết, MERS-CoV là dịch bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao. Dịch bệnh đang lưu hành tại các quốc gia vùng Trung Đông và sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, chùm ca bệnh chủ yếu tập trung trong cơ sở y tế; chưa ghi nhận sự lây lan trong cộng đồng. Dịch có khả năng lan truyền quốc tế nên nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng, chống tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, tính mạng bị đe dọa, kinh tế xã hội ảnh hưởng trầm trọng.

Trong khi đó, theo đại diện của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC): Bệnh đang có dấu hiệu lây truyền trong gia đình, chưa có bằng chứng về sự biến đổi của chủng virus hay lây lan dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều lo ngại là virus Corona tồn tại trong lạc đà lâu hơn virus Eloba. Tại vùng Trung Đông, lạc đà là con vật gắn liền với đời sống người dân nên khả năng virus Corona tồn tại sẽ còn kéo dài. Do đó, Việt Nam nên xây dựng kế hoạch đối phó dịch trong thời gian dài, bởi virus Ebola có thể biến mất nhưng virus MERS-CoV tồn tại khá lâu.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang