Bất cập sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ

author 11:36 09/06/2013

(VietQ.vn) - Vốn Chính phủ phải lo nhưng công trình dự án, tổng mức đầu tư lại do địa phương quyết định.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần phải khắc phục bất cập trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Ông đánh giá như thế nào về báo cáo giám sát lần này về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 ?
 
Đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội là một đánh giá được đưa ra rất đúng thời điểm. Chúng ta nhìn cái đánh giá này phải nằm trong tổng thể hoạt động của QH trong năm 2013. Hoạt động quan trọng nhất của Quốc hội trong năm 2013 là cùng toàn dân sửa đổi Hiến pháp và phải nhìn ra được cái lỗi của hệ thống trong việc sử dụng ngân sách của nhà nước. Trong lần giám sát này để các đại biểu Quốc hội có thêm kinh nghiệm và có thêm niềm tin, vững tin để biểu quyết thay đổi hệ thống chính quyền cấp cơ sở và bộ máy hành chính ở cấp cao nhất.
 
Theo tôi, qua báo cáo giám sát lần này thấy rõ việc quyết định tổng mức đầu tư và phê duyệt dự án lại do chính quyền địa phương và việc lo vốn ở trên lại do Chính phủ phân cấp vì nó nằm trong trái phiếu và Quốc hội lại phải chịu áp lực về cân đối giữa bội chi ngân sách với chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng và như vậy chúng ta đã vô hình chung tách phần trách nhiệm của người sử dụng vốn với người đi lo vốn. 
 
Như vậy đòi hỏi, việc tổ chức bộ máy của chúng ta theo luật theo Hiến pháp 1992 và sửa đổi năm 2001 so với nền kinh tế của chúng ta trong giai đoạn này là có cái bất cập và chúng ta phải sửa. Còn nguyên nhân trong báo cáo này nêu ra chúng ta thấy phảng phất nó ở đâu đấy trong báo cáo giám sát năm 2008, hoặc 2010 chúng ta đã gặp phải.
 
Nhìn lại Nghị quyết Đại hội 11 chúng ta chỉ ra nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu do đầu tư và dàn trải trên diện rộng cho nên mới phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế là để đầu tư vào chiều sâu và đổi mới mô hình tăng trưởng cho hiệu quả hơn. Đổi mới mô hình tăng trưởng là rất hợp lý khi chúng ta đổi mới cả mô hình hành chính nhà nước.
 
Ông Nguyễn Đức Kiên ( phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội )
Ông Nguyễn Đức Kiên ( phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội )
 
Làm thế nào để những bất cập này được xử lý trong lần sửa đổi Hiến pháp này, thưa ông?
 
Qua đây chúng ta có một căn cứ để các ĐBQH báo cáo với cử tri là chúng ta đã phát hiện ra cái lỗi. Vấn đề là giao nhiệm vụ, phân trách nhiệm đến mức độ nào và chúng ta tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương như thế nào? Có hay không có HĐND cấp tỉnh, huyện. 
 
Ví dụ, khi quyết định làm đường để nâng cao đời sống nhân dân, mọi người rất hoan nghênh, nhưng tiền ở đâu, địa phương có thể lo được bao nhiêu, xin trung ương bao nhiêu thì phải báo cáo cho bà con cụ thể số đầu tư, chi phí. Ta công khai chuyện đầu tư chi phí cho dân biết và chính quyền triển khai thế nào thì để dân giám sát. 
 
Theo ông, nguyên nhân của những hạn chế do đâu?
 
Cơ chế quản lý nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có bất cập lớn mà trong thảo luận Hiến pháp không thấy các đại biểu nói, đó là vốn thì Chính phủ phải lo nhưng công trình dự án, tổng mức đầu tư lại là địa phương quyết định. 
 
Mâu thuẫn là một ông quyết định tổng mức đầu tư và dự án còn lo tiền lại là một ông khác, nó tách hẳn ra. Sự phân quyền trong hệ thống hành chính nhà nước không đúng cho nên tổ chức bộ máy của chúng ta đang có vấn đề nó cũng là một trong nguyên nhân làm cho tình trạng đầu tư dàn trải tồn tại rất nhiều năm mà không khắc phục được. 
 
Đi sâu phân tích cái này thì phải nói về lỗi của tổ chức bộ máy, lỗi của việc phân, giao bộ máy. Như đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) đã phát biêu, có những dự án tổng mức đầu tư tăng đến 9 lần, theo luật về xây dựng thì khi tổng mức đầu tư tăng trên 15% thì phải duyệt lại dự án.
 
Vậy vấn đề là tự chủ của địa phương?
 
Theo tôi những cái nào thuộc về ngân sách của trung ương thì trung ương quản lý, còn những cái nào là ngân sách của địa phương mà Chính phủ hỗ trợ thì giao cho địa phương làm. Ví dụ, ở địa phương có dự án làm 3 cây cầu, 2 bệnh viện phải có trong danh mục thì chúng ta mới phân vốn.
 
Bây giờ chúng ta phải bỏ quan niệm ấy đi. Cụ thể, nếu năm nay địa phương được 700 tỷ thì việc của địa phương đó là làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và sau đó là trung ương kiểm tra việc thực hiện. Vì khi đã giao quyền cho địa phương thì người ta sẽ tự quyết định trong 2 bệnh viện ấy chỉ xây dựng 1 bệnh viện thôi và tập trung vốn vào làm trong 3 năm là xong.
 
Như đại biểu Học nói, dự án bệnh viện là 400 tỷ là cái phần vỏ mà hai năm mới cấp có 30 tỷ thì bao nhiêu năm mới xây xong. Vấn đề ở đây là tôi không biết địa phương làm bệnh viện hay làm cầu đường, cái này HĐND tỉnh phải quyết định và nếu địa phương được giao 700 tỷ để triển khai nếu sau 2 năm địa phương đó không làm được hiệu quả thì lãnh đạo địa phương đó phải từ chức.
 
Một số địa phương phản ánh khi lập dự toán thì như thế nhưng đến thời điểm hiện tại bị trượt giá nhiều bị thâm hụt vào số tiền được giao. Có phải cách giao vốn cũng còn bất cập?
 
Đây là một thực tế nhưng không phải là lỗi của ai cả đây là lỗi vĩ mô của nền kinh tế cho nên điều hành lỗi vĩ mô của nền kinh tế thì chúng ta phải có một cách nhìn khác chứ không phải nhìn vào sự việc như thế này. Bởi đây là báo cáo giám sát tiết kiệm, phòng chống lãng phí mình nhìn nó ở góc độ phòng chống lãng phí chứ không nhìn ở góc độ là điều hành nền kinh tế vì nếu gọi như vậy thì phải nhìn ở góc độ khác.
 
 Xin cảm ơn ông
 
Lê Trang (thực hiện)
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang