“Bắt đền” 50 triệu đồng vì nghi dị ứng son môi

author 06:15 10/06/2013

(VietQ.vn) - Nữ khách hàng sau khi sử dụng son môi bị dị ứng đã làm đơn khiếu nại và đòi bồi thường 50 triệu đồng.

Doanh nghiệp khổ vì người tiêu dùng "lạm quyền"

Bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH AMI (chuyên nhập khẩu mĩ phẩm Thái Lan về Việt Nam) cho biết, mới đây Công ty bà bất ngờ nhận được đơn khiếu nại của nữ khách hàng gửi tới Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khiếu nại về việc họ mua sản phẩm son môi do Công ty phân phối mua tại cửa hàng Linh Giang ( Hà Nội). Khi sử dụng môi lưỡi, toàn bộ vùng miệng phồng rộp, nổi mụn nước màu trắng.

“Họ nói rằng phải khám bệnh 5 lần và điều trị thuốc thang suốt 2 tháng mà vùng miệng vẫn chưa khỏi”, Bà Hiền cho biết.

Cũng theo bà Hiền, tại buổi làm việc với Công ty, nữ khách hàng này không đưa ra được các chứng cứ xác thực, khẳng định nguyên nhân việc dị ứng của mình là do son dưỡng môi Công ty TNHH AMI cung cấp.

Doanh nghiệp, người tiêu dùng trong quá trình giải quyết sự việc nên thông cảm cho nhau
Doanh nghiệp, người tiêu dùng trong quá trình giải quyết sự việc nên thông cảm cho nhau (Ảnh minh họa)

“Người này cũng đưa ra 5 đơn thuốc, hóa đơn mua thuốc và hóa đơn bán hàng giá trị mỗi cái vài triệu đồng. Tuy nhiên qua xác minh, các đơn thuốc này đều cùng một kiểu chữ viết và không phải là hóa đơn tài chính. Đặc biệt, sau khi đưa ra hàng loạt các bằng chứng thiếu căn cứ, nữ khách hàng còn yêu cầu công ty AMI bồi thường 50 triệu đồng ngay lập tức vì các thiệt hại dị ứng mĩ phẩm”, nữ Giám đốc nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nhập khẩu mĩ phẩm nói thêm.

Ngay sau khi nhận được “phản ứng” của khách hàng, Công ty TNHH AMI, đã tiến hành thử nghiệm bằng cách yêu cầu nữ khách hàng này thử bôi đúng sản phẩm son môi mà mình khiếu nại đã mua tại cửa hàng Linh Giang.

“Kết quả sau 3 tiếng đồng hồ, thỏi son môi bị nữ khách hàng này tố cáo không hề gây nên bắt cứ dấu hiệu dị ứng nào đối với bà. Hiện công ty AMI kiên quyết không chấp nhận bồi thường”, bà Hiền cho hay.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giảm đốc công ty cổ phần Sài Gòn Food cho biết, là một đơn vị sản xuất, doanh nghiệp (DN) hiểu rằng dù có kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đến đâu đi nữa vẫn có thể xảy ra trường hợp sản phẩm có lỗi. Đối với những trường hợp này, người tiêu dùng và cơ quan thẩm quyền, giới truyền thông cũng cần phải thông cảm và thấu hiểu cho doanh nghiệp.

“Người tiêu dùng cũng cần xem xét và đánh giá thông qua thái độ giải quyết sự cố của nhà sản xuất và quá trình kinh doanh của DN trước khi làm quan trọng hơn vấn đề và đánh động dư luận”, bà Tâm chia sẻ. 

Vì đâu nên nỗi?

Theo Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, tình trạng dẫn đến các khiếu nại thiếu trung thực có nhiều nguyên nhân.

Do sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng cũng có thể do người tiêu dùng muốn phóng đại sự việc để đòi khiếu nại hoặc do bị một tổ chức cá nhân nào đó lợi dụng nhằm hạ uy tín của doanh nghiệp – đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Ông Vương Ngọc Tuấn, phó Tổng thư kí Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, qua thực tế tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng thì có thể thấy lĩnh vực khiếu nại rất đa dạng. Trong đó, khiếu nại về chất lượng và bảo hành hàng hóa, khiếu nại về thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mĩ phẩm… chiếm tỉ trọng lớn. Trong đó cũng xuất hiện rất nhiều khiếu nại thiếu căn cứ, không hợp lí của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua sản phẩm bia Hà Nội bị lỗi (Ảnh tư liệu)
Người tiêu dùng mua sản phẩm bia Hà Nội bị lỗi (Ảnh tư liệu)

Theo thống kê của Hội, trong tổng số 961 trường hợp khiếu nại mà Hội tiếp nhận năm 2012 có nhiều khiếu nại quá đáng của người tiêu dùng nhằm mục đích vòi tiền hoặc hạ uy tín doanh nghiệp. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, tại Hà Nội, Vinastas đã tiếp nhận 73 khiếu nại bằng văn bản, có hồ sơ. Trong đó, khiếu nại tới thương mại điện tử chiếm số lượng lớn nhất 15/73, khiếu nại liên quan tới bất động sản 4/73, khiếu nại liên quan tới mĩ phẩm, dược phẩm 3/73.

“Thời gian gần đây, ngoài vụ việc của Công ty TNHH AMI, Hội cũng nhận được đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng tố cáo một Công ty chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm sữa rất uy tín trên thị trường. Theo đó, người tiêu dùng trên mặc nhiên cho rằng con mình mắc bệnh viêm đường tiết niệu là do dùng sữa nhãn hiệu này. Sau khi xem xét hồ sơ giải trình của người tiêu dùng và phía doanh nghiệp, Hội đã kết luận người tiêu dùng đã đòi hỏi số tiền bồi thường quá mức và khiếu nại thiếu căn cứ”, ông Tuấn cho hay.

Về vấn đề này, theo bà Trần Thị Hiền, người tiêu dùng cần phải trung thực khi khiếu nại, khiếu nại phải đúng và có cơ sở. Có như vậy khiếu nại mới là sự đóng góp cho DN, giúp DN phát triển, đem đến cho NTD các sản phẩm tốt hơn, dịch vụ hoàn hảo hơn.

Trong khi đó, ông Cao Hữu Tuấn (Hà Nội), một người từng mua sản phẩm lỗi của 1 Công ty lại cho rằng, việc bên Công ty – nhà sản xuất – bảo hành – cung cấp nếu không bị sức ép nhất định họ hay từ chối nghĩa vụ của mình bằng cách đổ lỗi cho NTD sử dụng.

Theo ông Nguyễn Hữu Trường (khu dân cư số 6 phường Kim Giang, Hà Nội - đại diện cho hàng chục hộ dân có khiếu nại quyền lợi ích hợp pháp liên quan đến trách nhiệm của Công ty Viwaco), cơ quan quản lý Nhà nước phải đặt lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đồng thời phải kiên quyết xử lí DN vi phạm bằng các biện pháp hành chính, kinh tế và pháp luật.

Đồng quan điểm của người tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội  siêu thị TP Hà Nội cho rằng, lãnh đạo các đơn vị cung cấp sản phẩm cần thường xuyên có những đợt kiểm tra đột xuất kho hàng và quầy hàng để đảm bảo chất lượng hàng hóa từ thu mua dự trữ cho đến bán ra, giải quyết kịp thời các khiếu nại 1 cách thỏa đáng cho khách hàng, không phiền hã, nhũng nhiễu làm mất uy tín của các đơn vị cung cấp hóa hàng hóa.

Khánh Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang