Bất đồng trong việc "xóa sổ" SIM không phát sinh cước

author 06:15 30/07/2013

(VietQ.vn) - Cả ba nhà mạng điện thoại di động lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay là Viettel, VinaPhone, MobiFone có ý kiến khác nhau trong việc xóa sổ SIM điện thoại không phát sinh cước.

Việc có ý kiến khác nhau giữa các nhà mạng bắt nguồn từ chỗ, ông Nguyễn Việt Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel đề xuất tại cuộc họp chiều ngày 25/7/2013 tại Cục Viễn thông, với những bộ kit đã kích hoạt trước ngày 01/01/2013 mà đến nay vẫn không phát sinh lưu lượng thì sẽ thống nhất 1 thời hạn chung là 1/9/2013 để các nhà mạng cùng đưa hết về tài khoản mức 0 đồng.

Hàng loạt cửa hàng bán lẻ SIM điện thoại trả trước vẫn có những hoạt động chui. Ảnh minh họa<br>
Hàng loạt cửa hàng bán lẻ SIM điện thoại trả trước vẫn có những hoạt động chui. Ảnh minh họa

Không đồng tình với đề xuất trên, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho rằng, đã có nhiều bộ kit thuộc loại đã kích hoạt nhưng không phát sinh giá cước đang nằm trong tay người dùng thật sự chứ không phải diện “găm hàng” của các đại lý, các tay đầu cơ SIM/kit. Vì vậy, sẽ có thể gây ra phản ứng tiêu cực từ cộng đồng nếu làm mạnh tay ngay.

Đại diện VinaPhone cũng cho rằng, đối với lượng SIM đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước đang nằm trong tay các đại lý, các đại lý có quyền sử dụng hợp pháp các sim này sau khi ký hợp đồng với nhà mạng. Nếu xử lý mạnh ngay thì sẽ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng chục nghìn đại lý trên cả nước.

Trên thực tế, số lượng SIM đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước cũng sẽ tự khắc bị “xóa sổ” nếu nhà mạng áp dụng nghiêm túc quy định hiện hành về thời hạn bị khóa SIM/kit và thu hồi số (60 ngày sau khi kích hoạt tài khoản mà không phát sinh cước sẽ bị cắt 1 chiều, thêm 15 ngày nữa sẽ bị cắt 2 chiều, tối đa 105 ngày sẽ bị cắt số).

Theo ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông – Bộ TT&TT, số lượng lớn SIM đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước có thể là “thành quả” của hiện tượng giả mạo đăng ký thông tin để kích hoạt thuê bao. Khi thanh tra, kiểm tra thấy các trường hợp giả mạo như vậy thì yêu cầu nhà mạng “cắt” luôn. Việc xác định SIM/kit này đang nằm trong tay đại lý hay người tiêu dùng là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và các nhà mạng hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Cắt SIM điện thoại không phát sinh cước nhưng phải đảm bảo lợi ích của người dùng. Ảnh minh họa
Cắt SIM điện thoại không phát sinh cước nhưng phải đảm bảo lợi ích của người dùng. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng yêu cầu, các nhà mạng đều đã thỏa thuận bằng điều khoản cụ thể trong hợp đồng với khách hàng về thời hạn phải phát sinh cước sau khi kích hoạt sim/kit, nên với những SIM/kit đã kích hoạt trước 1/1/2013, không cần Nhà nước can thiệp bằng biện pháp hành chính. Chậm nhất 30/9/2013, khoảng 12 triệu bộ SIM/kit tồn này, gồm cả những sim/kit thuộc diện được khuyến mại bằng ngày sẽ bị “xóa sổ”.

Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp viễn thông phải triển khai các hoạt động truyền thông, thông báo để khách hàng có nhu cầu sử dụng thực sự nhanh chóng phát sinh cước cho những bộ sim/kit đã kích hoạt trước 1/1/2013, đồng thời phải giải quyết những tranh chấp phát sinh liên quan. “Đến hết ngày 30/9/2013, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải báo cáo Bộ TT&TT về kết quả xử lý hết SIM tồn này. Doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm khi quản lý không hiệu quả, lãng phí tài nguyên kho số chứ không thể để khách hàng gánh chịu”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Theo Thông tư quản lý thuê bao do động trả trước của Bộ TT&TT từ 1/1/2013 quy định giá cước hòa mạng đối với thuê bao trả trước là 25.000 đồng, thuê bao trả sau là 35.000 đồng. Đối với thuê bao trả trước, việc hòa mạng chỉ được thực hiện khi thuê bao di động trả trước mua SIM, đăng ký thông tin thuê bao và nạp tiền từ thẻ thanh toán vào tài khoản của SIM này.

Đến thời điểm này sau 7 tháng Thông tư quản lý thuê bao di động có hiệu lực thì 100% đại lý SIM thẻ ở Hà Nội được khảo sát vẫn bán các SIM đã được kích hoạt sẵn.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang