Bắt giữ cướp có vũ trang: Cảnh sát biển gặp khó vì vướng luật?

author 12:14 18/08/2015

(VietQ.vn) - Tại phiên họp sáng nay, 18/8, Thường vụ quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của Bộ luật Hàng hải Việt Nam

Tại buổi thảo luận, Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm cho rằng, nội dung hoạt động hàng hải rất rộng nhưng phạm vi điều chỉnh của dự luật chỉ giới hạn nên phần lớn vấn đề liên quan an ninh hàng hải chưa được điều chỉnh.

“Nhiều vấn đề trên biển hiện nay chưa được luật điều chỉnh nên chúng tôi thấy khó khăn như việc bắt giữ. Tôi lấy ví dụ cướp có vũ trang, Tổ chức chống cướp biển, cướp có vũ trang khu vực châu Á xếp Việt Nam ở vị trí thứ 3 trong châu Á về cướp có vũ trang. Điều đó cho thấy vấn đề an ninh liên quan đến hàng hải rất đáng quan tâm”, ông Nguyễn Quang Đạm cho biết.

Tư lệnh cảnh sát biển cho rằng vấn đề an ninh hàng hải cần phải được pháp luật quan tâm và điều chỉnh

Cũng theo Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, rất nhiều hoạt động liên quan an ninh hàng hải diễn ra ngoài lãnh hải mà trong Công ước Luật biển không điều chỉnh, giao quyền đó cho quốc gia ven biển thì luật pháp của chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ.“Như hiện tượng buôn bán dầu ở trên biển diễn ra phổ biến, nhưng các luật của chúng ta như luật hình sự, tố tụng hình sự chưa điều chỉnh nên CSB bắt giữ được cũng rất khó xử lý”, ông Đạm nêu.

Nêu cụ thể quy định về bắt giữ được thể hiện trong dự thảo, ông Đạm cho rằng việc thực hiện bắt giữ chỉ mới dừng lại khi toà yêu cầu ban quản lý cảng và cảng yêu cầu lực lượng chức năng như Cảnh sát biển, hải quan, biên phòng... trong khi thực tế hàng tháng đơn vị nhận rất nhiều đơn đề nghị của các tổng công ty, công ty yêu cầu tạm giữ tàu với lý do tranh chấp.

“Các bên tranh chấp yêu cầu Cảnh sát biển trong khi tuần tra kiểm soát thấy tàu đó có biểu hiện chạy mất, thất thoát tài sản thì giữ lại nhưng các luật không điều chỉnh nên quả thực không giữ được vì chưa có phán quyết của toà”, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Ngay sau đó, Ủy ban pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan  nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH; đồng thời, tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế ở một số cảng biển, cơ quan, doanh nghiệp…, nghe đối tượng chịu tác động trực tiếp báo cáo, kiến nghị... để trên cơ sở đó, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo luật này, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT cũng như của Ủy ban Pháp luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đưa được nhiều điểm mới vào dự thảo luật lần này.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh: “So với dự thảo lần đầu tiên được trình ra, dự thảo lần này đã là một bước tiến lớn, các nội dung trong luật được quy định tương đối hoàn chỉnh”.

Liên quan đến nội dung về Ban quản lý và khai thác cảng được đặc biệt quan tâm, ông Hiền nêu quan điểm ủng hộ nội dung quy định này vì đây là điều rất cần thiết. Trên thực tế, các nước đã tổ chức mô hình này và thực hiện rất có hiệu quả, vì vậy, chúng ta cần quan tâm thêm về nội dung này. Trên cơ sở đó, ông Hiền đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Ban quản lý và khai thác cảng với các cơ quan hữu quan khác vì lo ngại sẽ có sự chồng chéo.

Đánh giá Bộ luật lần này đã được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá, Ban quản lý và khai thác cảng chính là điểm đột phá của luật này, nếu chúng ta quy định được mô hình quản lý mà các nước đang áp dụng thì sẽ hiệu quả hơn.

“Nhưng nếu mô hình Ban quản lý và khai thác cảng này áp dụng cho những cảng lớn, xây dựng mới thì có cần cảng vụ hay không? Cảng vụ là cơ quan quản lý Nhà nước, là cánh tay nối dài từ Cục Hàng hải xuống và đặt tại cảng, nếu áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng mà để cảng vụ thì có bị chồng lấn, có thừa cơ quan quản lý Nhà nước hay không?” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Hoàng Ngân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang