Bắt 'ma nhớt' hiện hình

author 19:27 19/12/2015

Gần 20 năm qua ông đã vẽ ra hàng chục chân dung tội phạm nguy hiểm, giúp công an phá những vụ án chấn động tưởng chừng bế tắc.

Họa sĩ Võ Tấn Thành 

Ông cũng chính là người đã phục dựng, phác họa ra hàng trăm chân dung liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng (không kịp để lại di ảnh) ở khắp mọi miền đất nước, giúp thân nhân của họ có ảnh thờ phụng. Ông là họa sĩ Võ Tấn Thành (65 tuổi), hiện ngụ ở P.Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Họa sĩ Võ Tấn Thành tốt nghiệp Trường Trang trí - mỹ nghệ thực hành tỉnh Đồng Nai, hiện đang công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Ông cũng là cộng tác viên tích cực của Viện Khoa học hình sự phía Nam (Bộ Công an).

Chân dung tội phạm đầu tiên

Nhớ lại những vụ án gần hai thập niên trước, đại tá Phạm Văn Dớ (nguyên phó phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai) kể:

“Từ năm 1998, nhiều vụ trộm cướp, hiếp dâm xảy ra liên tiếp tại các hàng quán dọc trên quốc lộ 51 khiến người dân rất hoang mang. Các vụ án có tình tiết khá giống nhau nhưng hầu như không một nạn nhân nào thấy rõ mặt hung thủ. Nhiều lực lượng chức năng được huy động tung vào các điểm nóng nhưng chân tướng tội phạm vẫn không tìm thấy và gần như đi vào bế tắc”.

Lời khai của nạn nhân cho thấy hung thủ thường gây án vào ban đêm. Trước khi gây án, hung thủ nghiên cứu kỹ địa điểm, chọn các quán nước có chủ quán là nữ, thường bán một mình hoặc gia đình neo người để hành sự.

Sau đó, hung thủ đến gần hiện trường cởi bỏ quần áo, chỉ mặc một chiếc quần lót rồi bôi bùn, nhớt vào người. Khi khống chế nạn nhân, hung thủ thường hô hoán, ra lệnh cho đồng bọn tiếp ứng khiến nạn nhân nghĩ bọn chúng đông người nên sợ bị giết.

Sau khi đe dọa được nạn nhân, hung thủ thực hiện hành vi hiếp dâm rồi cướp tài sản tẩu thoát. Có trường hợp hung thủ hiếp dâm cả hai chị em rồi lấy đi một cái... bếp gas.

Trước tình hình đó, chuyên án mang bí số ĐB99 được thành lập. Dù hành vi của hung thủ manh động, thực hiện liên tiếp nhiều vụ trong gần một năm trời mà các trinh sát vẫn chưa lần ra được chút manh mối nào nên việc truy tìm vô cùng khó khăn.

Khi mọi thứ tưởng chừng bế tắc thì bất ngờ thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - nguyên phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (nay là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) - nêu sáng kiến: “Tại sao chúng ta không chuyển hóa lời khai của bị hại, nhân chứng thành hình ảnh để nhận dạng hung thủ?”.

Một câu hỏi gợi mở đã được sự đồng lòng của ban chuyên án.

Nhưng tìm ai để vẽ? Phó giám đốc Nguyễn Phi Hùng lại vắt óc suy nghĩ, chợt ông òa lên khi nhớ đến người bạn, người anh của mình là họa sĩ Võ Tấn Thành. Ông Thành là người chuyên vẽ chân dung ở Đồng Nai.

Nhận lệnh của ban chuyên án, đại tá Phạm Văn Dớ cùng các điều tra viên đã tìm gặp họa sĩ Thành, chuyển lời mời hợp tác của phó giám đốc công an tỉnh. Ông Thành đồng ý. Tuy vậy, trong thâm tâm mọi người vẫn không tin rằng người ta có thể phác họa chân dung hung thủ chỉ qua... lời kể.

Theo đại tá Dớ, hồi ấy việc họa sĩ Thành cùng tham gia với công an ghi nhận hiện trường, nghe lời khai của bị hại, nhân chứng để phác họa hung thủ là cách làm hoàn toàn mới.

“Cái khó là có những nạn nhân sau khi bị “ma nhớt” cưỡng hiếp nên xấu hổ, muốn che giấu thân phận nên bỏ đi nơi khác vì vậy cơ quan điều tra gặp không ít khó khăn” - ông Dớ nói.

Vì vậy, điều tra viên cùng họa sĩ Thành vất vả đi lại, gặp nhiều người bị trộm cướp, hiếp dâm ròng rã cả tháng để vừa hỏi vừa động viên nạn nhân rồi phác họa những nét sơ khai ban đầu.

Sau đó, họa sĩ Thành phác họa chân dung hung thủ rồi đưa cho nhân chứng, bị hại để nhận diện và chỉnh sửa.

Sau một thời gian, họa sĩ Thành vẽ ra khuôn mặt hung thủ và được số đông nạn nhân nhận định giống đến 90%. Từ đây, hình hung thủ được in ra, đưa về các địa bàn ven quốc lộ 51 để nhận diện, truy tìm.

Chân dung phác họa (bên trái) của họa sĩ Thành và ảnh thật của “ma nhớt” - Ảnh tư liệu

“Mấy ông chụp hình tui lúc nào?”

Là người tham gia trực tiếp, có mặt ở nhiều hiện trường vụ án do “ma nhớt” gây ra nên ông nhớ như in từng chi tiết.

Ông hồi tưởng: Trong khi người dân đang hoang mang về các vụ án hiếp dâm do “ma nhớt” thực hiện thì một ngày cuối tháng 9-1999, tổ trinh sát đã bắt được một tên trộm đang đi bộ, trên tay ôm một bọc đồ ở xã Tam Phước (nay thuộc TP Biên Hòa, Đồng Nai - PV).

Đáng chú ý, tên trộm này có khuôn mặt rất giống chân dung do họa sĩ Thành phác họa. Khi lực lượng công an xét hỏi, kẻ trộm khai tên là Phó Văn Chính. Khi truy hỏi về các vụ án cướp của, hiếp dâm xảy ra trước đó thì Chính chối đây đẩy, liên tục trưng ra bằng chứng ngoại phạm.

Mặc dù điều tra viên đưa ra nhiều chứng cứ khác để truy Chính nhưng hắn vẫn bình chân như vại, không lộ sơ hở gì. Cuối cùng, khi các anh đưa chân dung Chính do họa sĩ Thành vẽ, hắn giật nẩy người hỏi ngược lại: “Mấy ông chụp hình tui lúc nào vậy?”.

Các nạn nhân lần lượt được đưa lên nhận dạng và hầu hết đều khẳng định: “Chính là thằng này!”.

Biết không thể che giấu được thân phận, Chính khai răm rắp: Buổi sáng hắn đi từ Gò Vấp (TP.HCM) xuống Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu rồi “chấm” một hàng quán nào đó để theo dõi giờ giấc, quán có bao nhiều người, nữ chủ quán có “vừa mắt” hay không.

Đến đêm khuya, Chính cởi bỏ quần áo, bôi nhớt, bùn lên người cho trơn rồi đột nhập vào nhà ra tay trộm cướp, hiếp dâm. Sau khi gây án xong, Chính về lại TP.HCM. Một mình Chính đã gây ra gần 60 vụ án, trong đó có chín vụ hiếp dâm và cướp tài sản.

Lúc này lực lượng điều tra nhẹ nhõm, bắt đầu khai thác các vụ án do Chính gây ra để truy tìm thêm đồng phạm. Bởi theo lời các nạn nhân, khi khống chế họ, Chính luôn quát tháo hoặc ra lệnh cho đồng bọn khác.

Mọi người té ngửa khi Chính khai chỉ hành sự một mình. Việc hắn hô hoán, ra lệnh cho đồng bọn chỉ là thủ thuật để làm nạn nhân hoảng sợ.

Họa sĩ Thành kể: “Lúc đó tôi nhờ điều tra viên dẫn đi gặp các nhân chứng, bị hại rồi kể lại vóc dáng như tóc ngắn hay dài, mũi, miệng, giọng nói... và ghi chép.

Với nhiều chi tiết rời rạc, tôi đã phác họa chân dung hung thủ bằng bút chì đưa cho các nạn nhân xem rồi sửa một vài lần. Sau đó, tất cả nạn nhân, nhân chứng đều xác định ảnh phác họa gần giống với người gây án. Hung thủ hiện hình từ đó”.

Họa sĩ Võ Tấn Thành và thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Ảnh tư liệu

Nhớ lại chuyên án ĐB99, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng kể: “Khi ấy Công an Đồng Nai đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ lập chuyên án bí số ĐB99 để điều tra nhưng khi dựng lại tất cả hiện trường thì nạn nhân không thể hình dung được hung thủ nên rất khó cho cơ quan điều tra.

Lúc đó, khoa học nhận dạng đã có nhưng để phục dựng một chân dung tội phạm là hoàn toàn mới mẻ. Bất chợt tôi lóe lên ý nghĩ mời họa sĩ Thành vào hỗ trợ, không ngờ lại thành công”.

Cũng theo ông Hùng, trong chuyên án ĐB99, việc phân tích, nhận dạng hung thủ, đánh giá đi đánh giá lại mất khá nhiều thời gian nhưng khi bắt được hung thủ thì chân dung giống y chang bức họa của họa sĩ Thành.

Vụ án “ma nhớt” Phó Văn Chính là một khởi đầu cho công việc mới của ông: vẽ chân dung tội phạm.

Theo Tuổi trẻ

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang