Tâm sự người ra đề thi đại học khi bị cả xã hội "soi"

author 10:14 14/07/2014

(VietQ.vn) - Đối với một kì thi quốc gia như kỳ thi đại học, mọi khâu từ chọn giáo viên ra đề, chọn đề đến lưu trữ bài đều được bảo mật cẩn thận, không để xảy ra sai sót.

 

4 nguyên tắc ra đề thi đại học

Nhiều năm làm công tác ra đề thi đại học, PGS.TS T.Đ. - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - xây dựng cho mình bốn nguyên tắc trong ra đề thi đại học.

Ông nói: “Nguyên tắc thứ nhất là bám sát chương trình sách giáo khoa, cụ thể là lớp 12. Anh ra đề vào lớp 10 là sai nguyên tắc, chết học trò ngay. Nhảy vào đầu lớp 11 xa quá cũng không được. Trong chương trình học của học sinh không học lịch sử Canada, Úc thì cũng không được hỏi. Thứ hai là trong đề thi lịch sử luôn có hai phần: lịch sử VN và lịch sử thế giới. Thường là lịch sử VN chiếm 70% và còn lại là lịch sử thế giới”. 

ra đề thi đại học

Để hoàn thành một đề thi đại học cần trải qua rất nhiều khâu với sự bảo mật kĩ lưỡng. Ảnh minh họa

Ông T.Đ. nói thêm: “Nguyên tắc thứ ba là để đạt được mục tiêu của kỳ thi tuyển chọn học sinh vào đại học nên phải có sự phân hóa, sàng lọc sao cho đề dễ một tí, trung bình một tí và khó một tí. Theo tôi, một đề thi đẹp là 50% thí sinh phải làm được 5-6 điểm, 25% làm được 7 điểm trở lên và 25% dưới trung bình. Phân hóa như thế mới đạt yêu cầu của đề thi. Nguyên tắc thứ tư đề thi phải tường minh, rõ ràng, không thừa một từ và không thiếu một từ. Phải trong sáng, rõ ràng và hiểu một cách rành mạch, không được hiểu khác”. 

Trong bốn nguyên tắc trên, người ra đề trăn trở nhất phần thứ ba và thứ tư. “Hoặc khó quá, hoặc dễ quá, hoặc không chính xác cũng không được. Ra đề thi mà bị hiểu sai, hiểu câu hỏi theo những cách khác nhau là hỏng. Đề thi khó quá thì chết trò, dễ quá xã hội bảo thế này mà cũng thi. Đó là áp lực của người ra đề” - ông T.Đ. ưu tư. Những nguyên tắc ấy được thầy T.Đ. tự xây dựng dựa trên kinh nghiệm của mình và tuân thủ để có một đề thi tốt nhất.  

Đổi mới từng bước phương thức ra đề

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết xuất phát từ chủ trương thay đổi cách thi để đổi mới phương pháp dạy và học hiệu quả, tiếp cận theo hướng phát huy năng lực học sinh, từ ba năm nay bộ đã định hướng lại công tác ra đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sự chuyển hướng này diễn ra một cách từ từ, thận trọng nhưng không kém phần quyết liệt.

Việc đầu tiên là thuyết phục những người ra đề thi. Điều này quả là không dễ dàng. Bao nhiêu năm dạy học và ra đề theo kiểu truyền thống nên khi được yêu cầu ra đề theo kiểu mới, các thầy cô giáo đều ngại. 

Sự ngần ngại này có lý của nó vì đề thi là khâu quan trọng, cả xã hội “soi” rất kỹ, mỗi một sơ suất đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kỳ thi và uy tín của người ra đề.

Để có được sự thay đổi đó, hơn ba năm nay ban chỉ đạo tuyển sinh của bộ đã kiên trì thuyết phục, điều chỉnh ban đề thi chuyển dần sang hướng mới. Đội ngũ những người ra đề thi được chọn lọc kỹ càng hơn, thành phần của ban đề thi cũng đã được cấu trúc lại, tỉ lệ giáo viên phổ thông tăng dần, nhiều thầy cô trẻ, năng động được bổ sung...

Bấm giờ làm thử đề thi đại học

Đề thi soạn xong, Bộ GD-ĐT sẽ mời ba giáo viên cho mỗi tổ vào phản biện và quy trình mời giáo viên phản biện cũng bí mật như mời giáo viên ra đề.

Thành phần tổ phản biện của các môn đều có giáo viên THPT và giảng viên đại học. Giáo viên phổ thông sẽ bấm giờ làm thử bài thi để xem mức độ khó dễ, ngôn ngữ sử dụng trong đề có gần gũi với học sinh hay không. Giáo sư đại học cũng làm thử để kiểm tra tính khoa học trong nội dung đề thi.

Sau đó, giáo viên làm thử đề sẽ viết đề xuất chỉnh sửa đề thi và chuyển cho thư ký. Từ đề xuất này, thư ký sẽ chuyển lại cho trưởng ban ra đề thi. Sau đó trưởng ban sẽ chuyển lại đề cho tổ ra đề. Lúc này, giáo viên phản biện và giáo viên ra đề mới được gặp nhau để trao đổi, bàn luận về những thay đổi trong đề thi. Sau khi phản biện xong, giáo viên ra đề, phản biện sẽ cùng nhau ngồi lại xây dựng đề thi, đáp án của đề thi cho phù hợp với thí sinh về độ khó, ngôn ngữ. Sau đó, có ba đề được xây dựng hoàn chỉnh cả đề thi cùng đáp án và đánh số ngẫu nhiên 1, 2, 3.

“Ba đề này sẽ được bày lên bàn, đánh số ngẫu nhiên. Xong xuôi, trưởng ban ra đề thi (cũng bị “nhốt” cùng giáo viên) sẽ gọi điện cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khi ấy là giáo sư Bành Tiến Long. Giáo sư Bành Tiến Long lúc này cũng không biết “mặt mũi” các đề thi số 1, 2, 3 ra sao nhưng sẽ chọn ngẫu nhiên kiểu như đề 2 làm đề chính thức, đề 3 làm đề dự bị 1, đề 1 làm đề dự bị 3” - một cán bộ ra đề thi ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) kể lại.

Ngoài ra, ông Bùi Văn Ga còn cho hay, theo chỉ đạo của Chính phủ, việc xây dựng đề án kỳ thi quốc gia chung Bộ GD&ĐT cần hoàn thành trong quý III năm 2014. Hiện bộ đang xây dựng đề án theo chỉ đạo của Chính phủ, trong quý III này sẽ công bố dự thảo đề án, sau đó sẽ xin ý kiến của dư luận xã hội.

Nguyễn Huyền (t/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang