Bất ngờ với làng quê thời nay

author 11:07 31/08/2014

Chúng ta đang chứng kiến những vụ lở làng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Làng quê nhiều nơi bây giờ như một bầy ong vỡ tổ. Ở trong đó người ta nháo nhào kiếm ăn, nháo nhào sống, nháo nhào họp họ tách họ, nháo nhào yêu đương và... ly dị.

Chuyện bên gốc đa làng

Từng đàn tàu sắt đen trũi như những con quái vật khổng lồ ngang nhiên cắm vòi xuống bờ bãi màu mỡ mà hút. Đám chuối xanh nõn, bụi tre xanh thẫm bật rễ, rơi xuống lòng sông kéo theo những tảng đất phù sa đỏ ối. Chứng kiến cảnh ấy, ông đau như chính da thịt mình bị tùng xẻo vậy.

"Xin hỏi chức trách các ông nghĩ gì?"

Cái xóm Mai Đồi (xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ) nhỏ bé của ông Lưu Đức Hồng hồi này đổi thay quá, cái tốt cái xấu đan cài. Nhiều thói xấu cũ tưởng đã chết lại được dịp đội mồ ma dậy tác quái, nhiều thói xấu mới tiêm nhiễm từ bên ngoài tràn vào như thác lũ. Đau đớn quá, ông mới rút gan ruột mình ra gửi gắm vào trong một tập thơ gọi là “Diễn ca sáng và tối” kể chuyện ở làng.

Riêng về chuyện lở làng, ông viết: “Soi Dầu ơi, Soi Dầu/ Có từ dựng nước chứ đâu bây giờ/ Là thần hộ vệ hai bờ/ Khống chế thủy quái vào mùa nước to… Bà Trưng thắng cướp giang sơn/ Mấy nghìn năm trước biết ơn nơi này/ Sáu vạn quân sĩ giấu đây/ Hừng hực khí thế diệt bầy Hán Tô…”.

Cái bãi từ thời thượng cổ gắn với di tích Bà Trưng đánh giặc nhưng nay không thoát khỏi số phận bị giặc hút cát tàn phá. Từng vần thơ cũng đau đớn khôn nguôi: “Tàu ngoạm đất ngày đêm ầm ì/ Hết đất hút cát tàu đi, tàu vào/ Sóng vỗ đập bờ ào ào/ Tránh sao bãi cạn không nhào xuống sông… Xin hỏi chức trách các ông nghĩ gì?”. Hỏi là hỏi như thế thôi chứ ông thừa biết nhà chức trách cứ túi càng nặng thì lại càng nhẹ thương dân.

Làng lở

Tôi đến nhà, người thân bảo ông đang ở viện. Đến bệnh viện thì thấy ông đang nằm bên mớ máy móc, cái dây rợ lòng thòng, cái nhấp nháy liên hồi những vạch, những thông số. Đã từ lâu ông bị chứng tắc mạch máu nuôi não nó hành hạ. Cứ nghĩ ngợi là đầu đau như búa bổ. Cứ nghĩ ngợi là có thể nguy hiểm đến cả tính mạng. Nhưng ông vẫn nói. Nói sang sảng nữa là đằng khác.

Người con gái liên tục nhắc khiến ông gắt: “Kệ bố, cứ để bố nói cho thỏa. Ở quê tôi nhà đã dột từ nóc dột xuống, bức xúc không chịu được. Nhiều người bảo tôi sắp kề miệng lỗ rồi nói ra không sợ chết người ta đào mồ, đào mả lên à? Tôi bảo: Kể cả họ ỉa cả lên mộ của mình mà nói ra được những ấm ức trong lòng cũng cam. Dù mình chỉ là hạt cát trong xã hội nhưng trước tiên phải làm tròn vai trò của hạt cát đã cậu ạ!”.

"Sống bằng cái gì đây"?

Giờ đây còn rất ít người thích chụp ảnh cùng với mấy cái huy hiệu như ông bởi họ ngại nhưng ông bảo kể cả còn một tí sức tàn cũng phải giữ lấy phẩm giá làm người thì tại sao lại ngại khi đeo huy hiệu?

Ông chép miệng than về trật tự xã hội giờ lỏng lẻo quá trong khi văn hóa truyền thống không có sự tập hợp đủ mạnh để cố kết làng. Nhiều lễ hội giờ chỉ còn cái vỏ vô hồn. Đến như đình làng vừa rồi được trùng tu nghe đâu mất tiền tỉ để giữ lấy nếp nhà mà vẫn không dấy lên được một cái gì cho ra trò.

Ông kể chuyện quê mình có mấy vị “quan làng” nghĩa là chức bé nhất trong xã hội nhưng vừa rồi cũng bị dân làng đem ra đàm tiếu tập thể bởi tham ô. Mà nào có nhiều nhặn gì đâu, chỉ mấy tấn xi măng thôi. Các vị này cũng đâu phải là nghèo? Toàn cán bộ về hưu, đảng viên, lương ngót chục triệu mỗi tháng mà vẫn không thể tránh được bệnh chung của cán bộ là tham, là có cơ hội vẫn “ăn” như thường. Bây giờ lộ ra không biết để đâu cho hết nhục.

Tôi ra bãi Soi Dầu, bãi Lâu Thượng chứng kiến những đoạn lở sâu hoắm. Đi trên bãi mà tóc gáy cứ dựng lên vì chỉ sợ đất dưới chân mình bất chợt bở ra. Đội trưởng đội 1, ông Trịnh Đăng Khoa bảo quê mình đất chật người đông, ruộng ít nên mỗi khẩu được phân thêm 72m2 đất bãi cải thiện cuộc sống. Giờ bãi lở hết sinh kế của người dân chẳng biết dựa vào đâu?

Đầu năm 2013 thấy cảnh từng đoàn xe kìn kìn chở đất cát trên bờ đê dân làng kéo ra nhau phản đối. Đêm đó, chẳng biết toán côn đồ ở đâu lén đến ném chai xăng, nã súng đì đoàng vào xóm. Làng được một phen nhốn nháo. Người người, nhà nhà dúm dó vì sợ. Anh Lương Thượng Hưng ở đội 3 kể chuyện mình thầu 2 mẫu đất bãi trồng chuối. Vừa rồi bãi lở, cả chuối lẫn lều trông coi đều làm mồi dưới sông cho hà bá.

Lầm lụi kiếm ăn

Bà Hà Thị Vịnh ở đội 11 thì kể gia đình có một sào đất bãi. Biết được nỗi lo của người dân về nạn sạt lở nên nhân việc có quy hoạch bến bốc xếp hàng hóa bà được người ta động viên nhận tiền đền bù cho nhanh chóng. Cộng tất tật tiền bồi thường đất, bồi thường hoa màu, hỗ trợ sinh nhai được 32,4 triệu đồng. Bà cứ thở vắn, than dài: “Mấy sào ruộng nhà tôi trước đó đã bị lấy làm đường với giá rẻ mạt giờ có sào bãi cũng mất nốt. Ăn hết tiền đền bù thì sống bằng cái gì đây?”.

Giỗ chồng ở... trụ ở ủy ban

Đất đai ở làng giờ thành vấn đề thời sự, không hiếm chuyện đau đớn. Ở Dữu Lâu, Việt Trì trong một dự án người ta lấy trên 2.000m2 đất thổ cư của bà Nguyễn Thị Quách. Bà Quách là vợ liệt sĩ. Khi đứa con còn đỏ hỏn thì chồng chẳng may chết trận, mẹ góa, con côi nương tựa nhau khôn lớn đến giờ. Mảnh đất trong diện giải tỏa nhà bà lại đứng tên của người khác. Khi di dời bà cứ nằng nặc xin một mảnh đất tái định cư cho mấy mẹ con nhưng không được.

Về lý thì Ban giải tỏa có thể không sai nhưng về tình thì quá cạn. Buổi cưỡng chế, người ta đến đem tài sản của mẹ con bà đi. Bát hương, ảnh thờ của chồng bà họ đem đến UBND phường còn bà thì được dời tạm xuống Trạm Y tế. Giỗ chạp chồng, mẹ con bà làm ngay ở UBND. Thớt băm côm cốp. Khói hương vàng mã bảng lảng.

Được hai năm như thế thấy cũng khá bất tiện, chính quyền bèn di dời bát hương, bàn thờ của chồng bà gửi vào chùa làng. Giờ đây đã mấy năm trôi qua mà sự giận dỗi của bà Quách vẫn chưa nguôi. Tôi hỏi bà chuyện có đón bàn thờ chồng cùng bát hương trên chùa về nhà không, bà chỉ lắc đầu, lặng thinh không nói.

Khu Hương Trầm ở phường Dữu Lâu có khoảng 120 hộ dân ảnh hưởng bởi chuyện giải tỏa mặt bằng. Người ta lấy bờ xôi ruộng mật để hình thành nên đường xá, nên những vi - la, biệt thự cao cấp. Nhiều nông dân thắc mắc với tôi về mức đền bù rất thấp. Đáng phải được nhân hệ số 1,2, đáng giá đền bù phải tính ở thời điểm có quyết định thu hồi đất, đáng phải có 10% đất dịch vụ nhưng đơn từ mãi mà vẫn không thấy động tĩnh gì.

Bụi tre làng bây giờ thành của hiếm, tìm đỏ mắt cũng không thấy đâu mà nếu có thấy thì nó cũng nhỏ bé, tội nghiệp, khuất lấp sau những ngôi nhà cao tầng đồ sộ…

Nụ cười làng

Khi công trường đựng dựng lên, cống rãnh bị vùi lấp gần hết nên ruộng đồng tránh sao cảnh khỏi ngập úng. Đồng Trằm Sơn, đồng Cây Trôi chìm dần, chìm dần khiến mấy năm nay nông dân không thể cày cấy. Có thiếu niên trong làng ra đồng chơi chẳng may sa xuống ruộng, mò cả buổi mới thấy xác. Nước ngập đến cổ người lớn bảo sao mà em chẳng chết tức tưởi?

Đất hai bên đường Hòa Phong kéo dài giờ thành vàng. Ven con đường được mệnh danh là đẹp nhất đất Tổ mọc lên những ngôi nhà của giới nhà giàu hay cán bộ to được thiết kế tân kỳ như những biệt phủ đêm đến sáng trưng, rộn rã cười vui. Bên này đường là phía làng tối om bèo tây lầm lụi.

Theo Báo nông nghiệp


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang