Bát nháo thị trường hồng sâm: Mua phải hàng giả rước họa vào thân

authorUyên Chi 18:25 17/04/2016

(VietQ.vn) - Sản phẩm cao sâm, hồng sâm Hàn Quốc đang được rao bán tràn lan. Tuy nhiên, với sự bát nháo của mặt hàng này người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả.

Thật – giả hồng sâm

Hồng sâm Hàn Quốc được giao bán tràn lan trên thị trường nhưng chỉ rất ít trong số đó được kiểm tra chất lượng

Mỗi nơi mỗi giá

Tại một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm bổ dưỡng như sâm, nấm, linh chi trên một ngách đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Các loại cao hồng sâm được bán ở đây được chủ cửa hàng quảng cáo được nhập về từ Hàn Quốc, bên cạnh đó cũng có những sản phẩm có xuất xứ Triều Tiên, thậm chí cả sản phẩm đến từ Trung Quốc.

Theo người bán, giá các loại cao hồng sâm Hàn Quốc chính hãng được bán ở đây là rẻ nhất Hà Nội. Cao hoàng đế, cao hoàng hậu có giá 1.550.000 đ/hộp, hồng sâm baby  có giá 1.100.000 đ/ hộp. Sâm Trung Quốc thì có giá mềm hơn, mỗi hộp hồng sâm giao động từ 700.000 – 900.000 đ/hộp. Dù cùng loại nhưng giá sâm Trung Quốc rẻ hơn theo người bán là do “thương hiệu”.

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, các sản phẩm về sâm được bán trên thị trường rất đa dạng về nguồn gốc. Bên cạnh các sản phẩm được nhập về theo đường chính hãng, nói cách khác là được doanh nghiệp trong nước nhập về phân phối và các sản phẩm này được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên số doanh nghiệp nhập khẩu hồng sâm, cao sâm và các chế phẩm khác từ sâm  có vẻ vẫn lép vế trước những cửa hàng kinh doanh online, cửa hàng xách tay kinh doanh mặt hàng bổ dưỡng này.

Tại cửa hành kinh doanh các sản phẩm xách tay từ Hàn Quốc trên đường Lạc Long Quân, hồng sâm, cao sâm được bán ở đây có giá rất đa dạng. Loại rẻ nhất cũng có giá trên 1 triệu đồng, giá cao nhất lên tới hơn 3.000.000 đ/ hộp. Trong khi đó, trên mạng xã hội, giá các sản phẩm này thì muôn hình vạn trạng. Theo người bán quảng cáo các sản phẩm đều chính hãng thế nhưng giá thì rẻ tới phân nửa hàng được dán tem chính hãng của nhà phân phối trong nước.

Theo chị Bích Hà, chủ cửa hàng kinh doanh các sản phẩm xách tay từ Hàn Quốc trên đường Lạc Long Quân, việc chênh lệch giá các sản phẩm sâm chưa hẳn đã phản ánh chất lượng cũng như nguồn gốc của mặt hàng này.

“Có quá nhiều nguồn, sâm được bán ở Việt Nam  được cho là từ Hàn Quốc hay Triều Tiên xịn nhưng thực tế khác xa rất nhiều. Người tiêu dung đôi khi nghĩ hàng xách tay mới xịn nhưng họ đâu biết cũng cùng một sản phẩm, mẫu mã như nhau nhưng chúng được nhập về từ Trung Quốc”, chị Hà nói.

Cũng theo chị Hà, việc làm giả sản phẩm có giá trị và được ưa chuộng như cao sâm, hồng sâm là rất phổ biến. Nếu không tìm được nơi uy tín, người tiêu dung một là mất tiền mua hàng dởm, hai là cũng mất tiền nhưng mua hàng không đúng chất lượng như đã cam kết. “ Giá tiền đôi khi cũng tỉ lệ thuận với tuổi đời, chất lượng sâm ở một số sản phẩm”, chị Hà bật mí.

Thật – giả hồng sâm

Sử dụng cao sâm, hồng sâm đúng cách và chọn đúng sản phẩm chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe

Cẩn trọng hàng giả và dùng đúng bệnh

Theo Giáo sư – Tiến sĩ Dương Trọng Hiếu, , nguyên trưởng khoa Tổng hợp, Viện Y học Cổ Truyền Trung ương, nhân sâm, trong đó có hồng sâm được xếp vào loại “đại bổ nguyên khí” vì nó tác dụng lên khí cơ thể. Nhân sâm còn có tác dụng chữa các bệnh yếu khí ở người già, trẻ con có mụn nhọt…Bệnh sa tử cung, sa trực tràng, người hay ra mồ hôi do dương khí kém, người có cơ thể hay bị lạnh.

Mặc dù nhân sâm rất tốt cho người “khí hư” (yếu khí) nhưng sẽ là nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nếu không biết cách dùng. Với người đang sốt cao, lạnh bụng bị tiêu chảy nếu dùng sâm sẽ gặp “tai vạ”. Với người có huyết áp thấp, dùng sâm thì tốt nhưng với người có huyết áp cao, mặt đỏ bừng bừng, nóng người tức là khí vượng nếu dùng sâm, huyết áp sẽ càng cao.

Tuy nhiên, nếu huyết áp cao mà cơ thể thấy mệt mỏi thì lại dùng được sâm nhưng phải có ý kiến của bác sĩ. Phụ nữ có thai, sau khi sinh cũng hạn chế uống sâm vì dễ bị tiêu chảy. Những người tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, bệnh  gút thì càng không nên dùng.

Cách phân biệt hồng sâm thật và hồng sâm giả, Tiến sĩ Hiếu cho rằng: Về cảm quan rát khó nhận biết vì hiện nay kỹ thuật làm giả quá tinh vi. Người tiêu dùng nên mua sản phẩm mà mình biết rõ nguồn gốc và chỉ cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm nghiệm mới biết được thật hay giả. Hồng sâm có thể để nguyên củ hoặc chiết xuất ra thành cao hoặc pha loãng ra để uống.

Để phân biệt cao sâm thật - giả người tiêu dùng có thể dựa vào các yếu tố đơn giản nhưng dễ tìm ngay trên nhãn mác sản phẩm như: Thương hiệu của sản phẩm được bảo hộ về chất lượng thông qua các tiêu chuẩn, quy định quản lý nghiêm ngặt của cơ quan chức năng đồng thời đạt tiêu chuẩn GAP và GMP; trạng thái sản phẩm cao sâm có độ đậm đặc với hàm lượng chất khô từ 60% trở lên…

Bảng thành phần trong cao hồng sâm có nhiều loại saponin khác nhau nhưng 3 thành phần quan trọng nhất là Rg1, Rb1 và Rg3 phải được thể hiện trên bảng thành phần với hàm lượng từ 6.0mg/g. Đối với cao hắc sâm hàm lượng saponin tổng phải từ 70mg/g. Tất cả thông số này phải được thể hiện rõ ở nhãn phụ của sản phẩm. Dựa vào các yếu tố trên người tiêu dùng sẽ dễ dàng tìm được cho mình và người thân những sản phẩm Nhân sâm thân thảo chính hiệu với chất lượng thượng hạng.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang