Bắt quả tang hai 'anh tây' dùng hàng trăm thẻ ATM giả để rút tiền

author 07:00 29/10/2015

(VietQ.vn) - Hai người Nga bị bắt quả tang dùng thẻ ATM giả rút tiền của Ngân hàng BIDV. Tang vật thu được gồm hơn 400 triệu đồng tiền mặt và hàng trăm thẻ ATM giả.

Phát biểu trước báo chí vào ngày 28/10 vừa qua, ông Cao Thế Trọng - Phó Giám đốc BIDV Khánh Hòa - xác nhận, vào trưa ngày 26/10, chỉ nhánh ngân hàng BIDV Khánh Hòa phát hiện các đối tượng nước ngoài dùng nhiều thẻ ATM giả thực hiện các giao dịch bất thường nên đã báo với lãnh đạo công an tỉnh Khánh Hòa.

Đối tượng Troian Aleksei bị bắt quả tang khi đang dùng thẻ ATM giả rút tiền

Đối tượng Troian Aleksei bị bắt quả tang khi đang dùng thẻ ATM giả rút tiền

Sau 2 ngày liên tục theo dõi, tối 27/10, công an tỉnh Khánh Hòa bắt quả tang đối tượng Troian Aleksei (32 tuổi, quốc tịch Nga) đang dùng thẻ giả rút tiền ở trụ ATM của BIDV tại địa chỉ số 158, Ngô Gia Tự, TP Nha Trang. Công an thu giữ trên người đối tượng này 14 thẻ ATM và gần 24 triệu đồng tiền mặt cùng một số vật dụng. Khám xét khách sạn nơi Troian Aleksei lưu trú, công an thu giữ thêm 216 thẻ ATM giả các loại, hơn 61 triệu đồng cùng hơn 1.200 đô la Mỹ và một số tài liệu, vật dụng khác.

Tối cùng ngày, cơ quan công an đã khám xét nơi ở, thu giữ một số tang vật và đưa đối tượng về cơ quan công an lấy lời khai. Sau đó,  theo hình ảnh ghi lại từ camera an ninh, công an tỉnh Khánh Hòa tiếp tục bắt giữ Kotets Viacheslav (29 tuổi, quốc tịch Nga), qua khám xét nơi ở, thu giữ 25 thẻ ATM giả các loại, gần 16.000 EURO, gần 25 triệu đồng cùng nhiều ngoại tệ khác và các tài liệu, vật dụng.

Như vậy, tổng số tiền thu được từ các đối tượng trên 400 triệu đồng. Bước đầu, Troian Aleksei khai, được một đối tượng khác cung cấp thẻ giả với thỏa thuận ăn chia 50/50 nên đã nhập cảnh vào TPHCM từ ngày 24/10 để thực hiện hành vi. Đối tượng đã rút tiền từ các máy ATM của BIDV và Techcombank.

Công an tỉnh Khánh Hòa đã thu giữ được nhiều loại thẻ ATM giả khác nhau

Công an tỉnh Khánh Hòa đã thu giữ được nhiều loại thẻ ATM giả khác nhau

Tuy nhiên, đại diện ngân hàng BIDV khẳng định: “Có khả năng các đối tượng dùng thẻ giả rút tiền từ các tài khoản nước ngoài. Chúng tôi khẳng định, ngân hàng BIDV và các khách hàng không thiệt hại gì”. Hiện công an tỉnh Khánh Hòa đang điều tra mở rộng.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ các đối tượng (trong đó có cả người nước ngoài) sử dụng thẻ ATM giả rút tiền ở Việt Nam, khiến một số người đặt ra câu hỏi: “Vì sao dùng thẻ ATM giả lại có thể rút được tiền?” với số lần và lượng tiền nhiều đến vậy.

Trả lời câu hỏi này, báo Đất Việt từng dẫn lời ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết lý do dùng thẻ ATM giả vẫn rút được tiền là do tuy hình thức là thẻ ATM, nhưng bản chất là thẻ tín dụng, vì thẻ tín dụng cũng rút được ở cây ATM. Thông tin thẻ tín dụng chùa rất phổ biến trong thế giới ngầm và khi đối tượng nắm được thông tin này thì bước tiếp theo là tạo ra các thẻ giả để rút tiền tại các cây ATM.

Theo lời ông Ngô Tuấn Anh, hiện có ba cách chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng phổ biến nhất. Thứ nhất là do máy tính hoặc điện thoại của người sử dụng bị cài virus, khiến cho các thông tin về thẻ tín dụng bị kiểm soát và gửi dữ liệu về cho tội phạm mạng lấy mã số thẻ và thông tin thẻ.

Chuyên gia lý giải, dùng thẻ  ATM giả rút được tiền do bản chất của chúng là thẻ tín dụng

Chuyên gia lý giải về cách dùng thẻ  ATM giả rút được tiền bởi bản chất của chúng là thẻ tín dụng

Cách thứ hai là tội phạm mạng lừa và tìm cách gửi cho người dùng một đường link website nhưng thực sự là một trang lừa đảo có giao diện giống hệt một trang web thông thường, khi người dùng nhập thông tin vào thì những dữ liệu đó sẽ chuyển thẳng tới tội phạm mạng. Cách thứ ba là tội phạm mạng xâm nhập vào website mà người sử dụng đã giao dịch, dánh cắp thông tin từ những nơi khách hàng đã từng giao dịch.

Về vấn đề dùng thẻ ATM giả rút tiền, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng tại Việt Nam, loại ăn cắp thông tin thẻ qua lây virus là phổ biến. Để phòng tránh mối rủi ro này, trước hết người sử dụng phải sử dụng phần mềm phòng chống virus, vì người sử dụng không thể tự biết được trên máy có bị nhiễm virus hay không, không thể tự phát hiện ra các loại virus này.

Ngoài ra, ông Ngô Tuấn Anh khuyến cáo, để vào các cổng thanh toán trực tuyến, người dùng phải gõ địa chỉ trực tiếp vào trình duyệt, không nên bấm vào đường link, vì đường link và địa chỉ thực tế có thể khác nhau. Thêm vào đó, người dùng lưu ý không thanh toán điện tử ở những webite ít tên tuổi, ít đảm bảo. Cuối cùng, nếu có giao dịch, người dùng thẻ ATM nên đăng ký dịch vụ thông báo từ ngân hàng hoặc hạn chế số giao dịch/lượng tiền giao dịch trong một ngày với ngân hàng mà người dùng mở thẻ.

Thanh Huyền (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang