Vụ án bầu Kiên: Bầu Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù với 4 tội danh

author 16:38 27/05/2014

(VietQ.vn) - Ngày 27/5, phiên toà xét xử vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm đã kết thúc. Sau khi nêu các tội danh, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tổng mức án cho Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

Sự kiện:

Tin mới nhất trên báo Tuổi Trẻ cho hay , sau ngày thứ 7 phiên xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị 30 năm tù cho cả 4 tội danh.

Bầu Kiên tại tòa

Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB): 18-24 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, phạt tiền 25-30 triệu đồng sung công quỹ, đề nghị tịch thu sung quỹ số tiền đã sử dụng vào việc kinh doanh trái phép; 4-5 năm tù về tội trốn thuế, truy thu gần 25 tỉ đồng số thuế đã trốn, tuyên phạt từ 2-3 lần số thuế đã trốn để sung công quỹ Nhà nước; 16-18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cấm điều hành quản lý chức vụ ở các tổ tức tín dụng từ 3-5 năm.

Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

Nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 9-10 năm tù;

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội ): 7-8 năm tù.


Nhóm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:


Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 7-8 năm tù.

Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB): 12-14 năm tù;

Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 6-7 năm tù.

Bị cáo  Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3-5 năm tù cho hưởng án treo.

“Bầu” Kiên không thành khẩn nhận tội

Trước đó, khi đánh giá tính chất mức độ hành vi của từng bị cáo trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cho rằng bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã dùng áp lực và quyền lực của mình tại ACB để buộc các thành viên trong HĐQT ACB thực hiện ý chí của mình. Các ý kiến này sau đó đã trở thành nghị quyết của HĐQT ACB.

Theo đại diện VKS, tại tòa bị cáo Kiên không thành khẩn nhận tội, có thái độ coi thường pháp luật, không thành khẩn khai báo… nên cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian dài.

Với bị cáo Trịnh Kim Quang, nhiều năm giữ chức vụ tại ACB nhưng vì muốn giữ lợi ích của nhóm cổ đông Ngân hàng ACB đã đồng ý chủ trương ủy thác gửi tiền và cấp vốn mua cổ phiếu, gây thiệt hại cho ACB hơn 1.400 tỉ đồng. Bị cáo chưa có tiền án tiền sự, có thể áp dụng khung hình phạt dưới mức truy tố. Tuy nhiên vẫn cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội.

Bị cáo Phạm Trung Cang thành khẩn khai nhận tội, chưa có tiền án tiền sự, có thể xem xét giảm mức hình phạt dưới khung hình phạt đã truy tố, xét thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội.

“Cáo trạng truy tố chính xác”

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa là hai kiểm sát viên Đào Thịnh Cường và Đỗ Thị Thu Yến đã trình bày bản luận tội đối với các bị cáo. 8 bị cáo đã đứng nghe đại diện viện kiểm sát kết luận về vụ án.

Theo đại diện VKS, trong những năm vừa qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách pháp luật đến các hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động tích cực, góp phần vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên có không ít doanh nghiệp giả dối, trốn tránh trách nhiệm với nhà nước, thao túng lũng đọa thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, gây bất bình dư luận. Trong đó có vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Trên cơ sở xem xét đánh giá các tài liệu, qua quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đại diện VKS tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Về hành vi kinh doanh trái phép,

Theo đại diện VKS, từ tháng 5-2007 đến tháng 8-2012, Nguyễn Đức Kiên đã thành lập 6 công ty do Kiên làm chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên. Mặc dù không được cấp phép nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo công ty kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỉ đồng.

Theo các quy định của pháp luật, hoạt động kinh doanh, mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các doanh nghiệp khác có mã ngành, tuy nhiên các công ty của Nguyễn Đức Kiên không kê khai ngành nghề kinh doanh mua cổ phần, cổ phiếu và góp vốn vào doanh nghiệp khác. Việc làm trên của Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 Bộ luật hình sự.

Trong khi thông tin mới nhất trên tờ Dân Trí đưa tin về quan điểm của Luật sư cho rằng việc "Truy tố ông Kiên tội lừa đảo là không có căn cứ"

Luật sư Ngô Huy Ngọc, bảo vệ cho “bầu” Kiên đứng lên để trình bày quan điểm về tội Lừa đảo và Trốn Thuế, luật sư cho rằng không có việc lừa đảo, vì các bên vẫn đang thực hiện nghĩa vụ của mình và đang thực hiện việc thanh lý hợp đồng. Thời điểm ông Kiên bị bắt thì hợp đồng vẫn đang còn hiệu lực.

Luật sư Ngọc cho rằng, việc Viện kiểm sát (VKS) truy tố ông Kiên về tội Lừa đảo là không có căn cứ pháp luật vì các lý do: Căn cứ để VKS cho rằng lập biên bản khống vì không có cuộc họp nào nhưng vẫn có biên bản.

Luật sư phân tích không phải lập biên bản khống vì, trong luật doanh nghiệp có quy định, được phép tổ chức các cuộc họp HĐQT dưới nhiều hình thức, có hình thức thể hiện các thành viên của HĐQT bằng văn bản nên không phải biên bản khống.

 Về nội dung, cuộc họp là có thật, việc sở hữu 20 triệu cổ phiếu của Thép Hoà Phát cũng là thật. Việc lập biên bản khống chỉ là sự suy diễn.

 Theo luật sự, việc ông Kiên đứng ra ký văn bản là hoàn toàn đúng pháp luật.

 Luật sư Phạm Thanh Phong bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến đứng lên bày tỏ quan điểm, việc thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên chuyển nhượng cổ phần của bà Nguyễn Thị Hải Yến không phải chịu trách nhiệm vì trước đó không có sự thống nhất và tiếp nhận ý chí của nhau.

Về ý chí, bà Yến không có ý định chiếm đoạt, về hành vi chỉ thực hiện và buộc phải làm theo chỉ đạo của công ty với tư cách là người làm công ăn lương.

Đối với cáo buộc của viện kiểm sát cho rằng, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và thực hiện chủ trương bán 20 triệu cổ phiếu mà ACBI sở hữu, luật sư phân tích rằng, biên bản không phải được lập khống mà là văn bản nội bộ của công ty. Việc thực hiện chỉ căn cứ theo hợp đồng ngày 21/5/2012 giữa ACBI và Thép Hoà Phát.

 Sau phần bào chữa của Luật sư Nguyễn Thị Minh Thanh, ông Trần Đình Tuấn, luật sư bảo vệ cho bị cáo Trần Ngọc Thanh cũng đứng lên khái quát tiểu sử hoạt động của ông Trần Ngọc Thanh tại ACB cũng như quá trình tham gia vào việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu.

Theo luật sư Tuấn, việc hoán đổi cổ phiếu do thư ký và chủ tịch HĐQT đã ký trước nên ông Thanh ký chỉ là thủ tục.

Về các hành vi ký uỷ nhiệm chi, ông Trần Ngọc Thanh đã khai tại bút lục 014538 như sau: “Việc ký chuyển 264 tỉ đồng là do cô Yến đưa hồ sơ lên, ông Kiên đã đồng ý và tôi chỉ thực hiện theo thủ tục chứ không có quyền quyết định gì”.

Về nhân thân của ông Thanh, luật sư bào chữa cho biết, ông Thanh không có tiền án, tiền sự, gia đình liệt sĩ, hiện mẹ già ốm nằm liệt giường, vợ con phải đi thuê nhà. Do di chứng chiến tranh, ông Thanh tiềm ẩn nhiều bệnh hiểm nghèo.
Sau khi nghe 2 luật sư biện hộ, ông Thanh bước lên trước vành móng ngựa nói rằng: “Tôi xin bày tỏ lòng tin tưởng với HĐXX, xét xử công mình, xử lý trường hợp tôi đúng người đúng tội”.

 

Minh Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang