Bầu Kiên chi nghìn tỷ mua cổ phiếu nhà băng như thế nào?

author 13:24 21/12/2013

(VietQ.vn) – Thành lập liên tiếp nhiều Công ty cùng 1 thời điểm do mình đứng vai trò chủ đạo Chủ tịch lẽ dĩ nhiên Nguyễn Đức Kiên (bầu kiên) đã tính trước cho mình những đường đi nước bước trong các phi vụ làm ăn. Việc Bầu Kiên dùng tiền mua cổ phiếu của các ngân hàng khác không nằm ngoài mục đích kiếm lợi bất chính(!?)

Chi tiền mua cổ phiếu DaiAbank – Vietbank- Eximbank- Kienlongbank…

Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á châu Hà Nội (Công ty ACI-HN) có trụ sở tại 157B Phan Châu Trinh, Hà Nội được thành lập theo giấy chứng nhận kinh doanh Công ty TNHH có hai thành viên trở lên số 0102690190 ngày 21/3/2008; đăng kí thay đổi lần 1 ngày 12/3/2012. Ngành nghề kinh doanh của Công ty là mua bán vàng, bạc, đá quý; mua bán, gia công, sản xuất, xuất nhập khẩu càng trang sức, mỹ nghệ, đá quý; đại lý thu đổi ngoại tệ, nghiên cứu phân tích thị trường, quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; tư vấn đầu tư; xây dựng giao thông cầu đường, dân dụng và công nghiệp; xây dựng và kinh doanh sân golf; kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Hội đồng thành viên. Vốn điều lệ của Công ty là 500 tỷ đồng.

Từ Eximbank...

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ rõ, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Công ty ACI-HN chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính không được phép sau:

Từ ngày 22/12/2008 đến 11/6/2011 Công ty ACI-HN góp vốn hơn 19 tỷ đồng để sở hữu 45%cổ phần của Công ty Đầu tư Năm Sao; sử dụng 9 tỷ đồng mua 45.000 cổ phiếu để sở hữu 39% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối; sử dụng 8,750 tỷ đồng ủy thác cho ngân hàng ACB mua 17.5000 cổ phiếu ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank); sử dụng 198 tỷ đồng và thông qua các ông Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Đàm Văn Tuấn đứng tên mua 19.800.000 cổ phiếu KienlongBank; sử dụng hơn 129 tỷ đồng và thông qua các ông Huỳnh Văn Sơn, Nguyễn Văn Hòa, Đỗ Minh Toàn đứng tên mua hơn 12 nghìn cổ phần Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Đại Á (DaiABank).

Tiếp đó, Ngày 29/7/2010, Công ty ACI-HN phát hành 3,5 nghìn trái phiếu tổng giá trị 350 tỷ đồng bán cho VietBank. Sau đó Công ty ACI-HN sử dụng tiền bán trái phiếu và vốn huy động trả cho Công ty TNHH chứng khoán ACB (Công ty ACBS) số tiền hơn 353 tỷ đồng để mua lại hơn 11,9 nghìn cổ phiếu Ngân hàng ACB.

đến KienlongBank...

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ: Ngày 10/11/2010, Công ty ACI-HN phát hành 11 triệu trái phiếu trong đó ngày 30/11/2010 Công ty bán 6,5 nghìn trái phiếu giá trị 650 tỷ đồng cho Ngân hàng ACB. Số tiền 650 tỷ đồng được sử dụng như sau:

Ngày 30/11/2010 chuyền tiền cho Nguyễn Văn Hòa hơn 91 tỷ đồng, Huỳnh Vân Sơn hơn 85 tỷ đồng, Đỗ Minh Toàn hơn 88 tỷ đồng, Lê Vũ Kỳ hơn 99 tỷ đồng để những người này đứng tên thay Nguyễn Đức Kiên mua cổ phần DaiAbank; Ngày 10/12/2010 ủy thác cho ngân hàng ACB hơn 58,5 tỷ đồng mua 58.5000 cổ phiếu VietBank.

Tháng 4-6/2011 Công ty ACI-HN sử dụng số tiến hơn 234 tỷ đồng mua 15.770800 cố phiếu EximBank trên sàn giao dịch chứng khoán .

Đại Á Bank

Ngày 3/8/2012 sử dụng hơn 35 tỷ đồng tiền vay để mua 3.457.1000 cổ phiếu Công ty Cổ phần xi măng Bút Sơn trên sàn giao dịch chứng khoán.

Như vậy dù Công ty ACI-HN không được cấp phép hành nghề kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty sử dụng số tiền hơn 1,4 nghìn tỷ để góp vốn vào các Công ty khác và mua cổ phiếu ngân hàng ACB, DaiAbank, Vietbank, Kienglongbank, Eximbank

Mua cổ phiếu Techcombank, sở hữu hàng chục nghìn cổ phần Công ty  CP thép Hòa Phát

Quay trở lại với hoạt động kinh doanh tài chính trái phép của bầu Kiên thông qua Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI, trụ sở 57B Phan Châu Trinh, Hà Nội), cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng nêu rõ, với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch HĐQT đã thực hiện kinh doanh tài chính không được cấp phép sau:

Ngày 15/5/2007 và ngày 16/6/2008 Công ty ACBI góp vốn 120 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần xi măng Hòa Phát (Nay là Công ty cổ phần Xi măng Vissai3). Từ ngày 2/3/2007 đến 7/9/2009 góp 21 tỷ đồng vào Công ty cổ phần thương mại Hải Phòng Plaza để sở hữu 21% cổ phần. Từ ngày 29/1/2008 đến 11/8/2010 góp vốn khoảng 126 tỷ đồng vào Công ty cổ phần đầu tư INB. Từ ngày 2/4-18/4/2008 góp vốn 7,9 tỷ đồng vào Công ty cổ phần địa ốc Hồng Hà.

Và Techcombank đều bị 'bầu Kiên" tung tiền mua cổ phiếu

Từ ngày 14/12/2007 – 4/7/2008 Công ty ACBI góp vốn 28,2 tỷ đồng vào Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Bắc Qua để sở hữu 760.000 cổ phần (tỉ lệ 38%). Từ ngày 8/5/2008 -14/7/2009 góp 35,175 tỷ đồng vào Công ty cổ phần thương mại Lãng Yên để sở hữu 35% cổ phần. Ngày 9/6/2011 góp vốn 47,175 tỷ đồng vào Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh siêu thị Á Châu để sở hữu 41% cổ phần. Từ ngày 15/3/2008 – 19/11/2010 góp vốn 307, 459 tỷ đồng vào Công ty cổ phần thép cán tấm Kinh Môn (Nay là Công ty cổ phần Thép Hòa Phát) để sở hữu 29,996 nghìn cổ phần (tỷ lệ 14,998%). Ngày 23/1/2011 và ngày 26/6/2012 góp vốn 39,9 tỷ đồng để lập Công ty TNHH một thành viên thương mại đầu tư Liên Á Châu.

Ngày 25/3/2008, Công ty ACBI phát hành 8 nghìn trái phiếu giá trị 800 tỷ đồng bán cho Ngân hàng ACB. Ngày 26/3/2008 Công ty ACBI đã sử dụng hơn 699 tỷ đồng để trả tiền nhận chuyển nhượng 9,67 nghìn cổ phiếu ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) của 12 người. Số tiền còn lại, ngày 26/4/2008 Công ty ACBI chuyển 100 tỷ đồng cho Công ty ACI vay để mua cố phiếu ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Như vậy, mặc dù Công ty ACBI không được cấp phép hành nghề kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBI sử dụng số tiền hơn 1,4 nghìn tỷ góp vốn cào các Công ty khác vào mua Cổ phiếu Techcombank, Eximbank.  (Còn nữa)

Theo Điều 159, Bộ Luật hình sự, hình phạt đối với tội kinh doanh trái phép được chia thành 3 trường hợp:
1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

 

 Mạnh Phan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang