Bầu Kiên 'lách luật' thế nào để đầu tư cổ phiếu?

author 14:16 26/05/2014

Một chiêu “lách luật” được tòa làm rõ: Khi không được trực tiếp mua cổ phiếu, “bầu” Kiên xoay sở bằng việc hợp tác đầu tư.

Trước đó, cuối năm 2009, thường trực hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã ban bố thông báo: “Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lời. Thường trực hội đồng quản trị chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao. Thường trực HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này”.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xét xử sáng 26/5

Không được mua thì xoay sang...hợp tác

Thực hiện nội dung này, “bầu” Kiên đã chỉ đạo Cty ACBS tiến hành đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác. Do hiểu luật không cho phép Cty ACBS mua cổ phiếu Ngân hàng ACB (Cty ACBS là Cty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ, và Bộ Tài chính có quy định: “Cty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của cty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của cty chứng khoán”), Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Cty cổ phần Đầu tư Á Châu (Cty ACI) và Cty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Cty ACI-HN) do ông Kiên làm chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, để đầu tư mua cổ phiếu.

Đơn cử như hành vi ngày 1/12/2009, Hội đồng đầu tư Cty ACBS gồm các ông Lê Vũ Kỳ, Đỗ Minh Toản, Nguyễn Ngọc Chung ký nghị quyết cho phép Cty ACBS hợp tác với Cty ACI để đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa 2.000 tỷ đồng. Nghị quyết này đã được Nguyễn Đức Kiên phê duyệt với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB.

Theo cáo buộc từ Viện KSND Tối cao, để Cty ACBS có tiền mua cổ phiếu, theo chỉ đạo của “bầu” Kiên, Ngân hàng ACB đã cho KienLongbank vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng và cho Vietbank vay liên ngân hàng 500 tỷ đồng, để KienLongbank và Vietbank cho Cty ACBS vay lại 1.500 tỷ đồng thông qua hình thức mua trái phiếu của Cty ACBS. Với hành vi này, theo kết luận của cơ quan truy tố, việc Ngân hàng ACB chuyển tiền cho Cty ABCS thông qua việc cho KienLongbank và Vietbank vay tiền liên ngân hàng dẫn đến việc Ngân hàng ACB bị thiệt hại hơn 60 tỷ đồng.

Bằng các hành vi tương tự, cơ quan điều tra khẳng định, hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ông Trần Xuân Giá (đã được tạm đình chỉ vụ án), Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải (Tổng GĐ Ngân hàng ACB) và hành vi tổ chức việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 687 tỷ đồng.

“Luật sư tạm ngồi xuống, lát hỏi”

Đó là những “điều chỉnh” từ HĐXX đối với phần thẩm vấn của luật sư. Khá nhiều luật sư bị cho là đã hỏi lại những nội dung mà tòa đã hỏi trước đó. Ngay lập tức, vị chủ tọa lên tiếng: “Luật sư tạm ngồi xuống, lát hỏi. Mời các luật sư khác”.

Liên quan đến những thiệt hại của Ngân hàng ACB, một luật sư đã đặt câu hỏi về phía đại diện Ngân hàng ACB: “Đến giờ phút này, phía ACB đã có văn bản nào yêu cầu ông Nguyễn Đức Kiên bồi thường thiệt hại chưa”, “Dạ chưa” – vị đại diện Ngân hàng ACB lên tiếng.

Trước khi tòa tạm nghỉ, luật sư đặt câu hỏi với đại diện Tổng cục Thuế liên quan đến nội dung hợp đồng ủy thác giữa Cty B&B và Nguyễn Thúy Hương (em gái “bầu” Kiên). Theo đó, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng: “Mọi việc phụ thuộc vào kết quả điều tra và phán quyết của tòa án”.

Ở nội dung này, cơ quan chức năng xác định, Cty B&B (vợ “bầu” Kiên – bà Đặng Ngọc Lan làm đại diện) đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Hương, với nội dung đầu tư vào việc kinh doanh vàng. Và đây là hợp đồng ủy thác không hợp pháp, do Cty B&B không có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Theo Tiền Phong

 


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang