Bầu Kiên nhận sai tại phiên xử phúc thẩm

author 09:50 11/12/2014

Thừa nhận sai sót của mình và các thành viên trong hội đồng quản trị Ngân hàng ACB khi thực hiện chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền.

Đó là trình bày của bị cáo Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) trong phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm ngày 10-12 (ngày thứ chín của phiên tòa).

Tự bào chữa trước tòa, “bầu” Kiên đã phủ nhận lời khai của các bị cáo khác về việc bị cáo có ảnh hưởng, áp đặt ý kiến tại ACB. Tuy nhiên, sau đó “bầu” Kiên cho rằng: “Nếu nói tôi không ảnh hưởng, không có vị trí tại ACB là tôi đớn hèn. Tôi thừa nhận tôi có vị trí, có ảnh hưởng tại ACB nhưng ảnh hưởng đó là khi nào các anh cần xin ý kiến thì hỏi”.

Về việc ủy thác gửi tiền, “bầu” Kiên khẳng định ACB không lách luật như lời bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) khai tại tòa. Năm 2010, các bị cáo đã thực hiện ủy thác đúng pháp luật. “Đến năm 2011, khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, HĐQT ACB đã họp ra nghị quyết dừng việc ủy thác vì xác định hành vi này là sai trái.

Tuy nhiên sau đó ACB vẫn tiếp tục thực hiện. Tôi bàn với anh Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) sẽ lấy 718 tỉ đồng của cá nhân tôi nộp lại cho ACB để sửa sai, khỏi vi phạm pháp luật nhưng anh Hải không đồng ý. Tôi và anh em ở ACB biết rõ là sai nhưng cái sai đó không phải cố ý làm trái. Cái sai là do không nắm bắt kịp thời thay đổi của pháp luật để có những điều chỉnh phù hợp” - ông Kiên nói trước tòa.

Tranh luận lại với các bị cáo và luật sư, đại diện viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng bản án sơ thẩm đối với các bị cáo là đúng người đúng tội.

Trong khi đó, các luật sư đề nghị tòa phải làm rõ số tiền 718 tỉ đồng tại VietinBank đã mất hay chưa? Tại sao các cơ quan tố tụng cứ áp đặt ACB phải có thiệt hại trong khi ACB khẳng định không có thiệt hại? Nếu cho rằng “bầu” Kiên có quyền lực cao nhất tại ACB thì căn cứ vào đâu?

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho “bầu” Kiên) đề nghị tòa phải làm rõ việc Tập đoàn Hòa Phát đã sang tên cổ phần sau khi nhận chuyển nhượng từ công ty của ông Kiên. Tình tiết này đã không được các cơ quan tố tụng làm rõ, sổ cổ đông thể hiện việc chuyển nhượng cổ phần đã không được thu thập, đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Hải Dương không có mặt tại tòa.

Theo luật sư Thiệp, đây là yếu tố rất quan trọng trong việc xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Theo Tuoitre

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang