Bầu Kiên bị truy tố: Từ biệt thự khu 13ha đến nhà giam tỉnh Vĩnh Phúc

author 06:55 21/12/2013

(VietQ.vn) - 1 ngày đẹp trời, căn biệt thự khu 13ha, ngõ 27 Xuân Diệu, phường Quảng An, quân Tây Hồ, Hà Nội nơi ông Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) sinh sống cùng gia đình bỗng bị cảnh sát bao vây. Cuộc sống vương giả của bầu Kiên từ đấy rơi vào "đoạn trường".

Sự kiện:

Từ những lá đơn tố cáo…

Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bầu Kiên bị bắt ngày 20/8/2012 và hiện đang tạm giam tại Trại Tạm giam – Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Hơn 1 năm kể từ ngày bầu Kiên bị bắt đến nay quá quá trình đấu tranh, điều tra cơ quan điều tra đã làm rõ thủ đoạn kinh doanh trái pháp luật của bầu Kiên trong những phi vụ nghìn tỷ.

Nguồn cơn sự việc phải nhắc đến trong giai đoạn từ tháng 7 và tháng 8 năm 2012, lúc này, cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an nhận được nhiều đơn thư tố cáo của 1 cá nhân do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuyển đến. Nội dung đơn thư tố cáo ông Nguyễn Đức Kiên có hành vi kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước và quản lý kinh tế thao túng ngân hàng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Đồng thời lúc này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng nhận được kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP Hà Nội, xác định Ngân hàng thương mại cổ phần A Châu (Chi nhánh Thăng Long và Chi nhánh Hà Nội) có 1 số sai phạm trong quản trị và hoạt động kinh doanh ngân hàng. Xét thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định của pháp luật, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm về các hành vi phạm tội.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, căn cứ vào tài liệu thu thập được tại hồ sơ vụ án có căn cứ để kết luận Nguyễn Đức Kiên là cổ đông của Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) từ năm 1993. Bầu Kiên và người thân trong gia đình sở hữu 937.695506 cổ phần ngân hàng ACB, chiếm 9,03 vốn điều lệ trong đó Kiên sở hữu 31.574.183 cổ phần, chiếm 3,37%.

Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB từ năm 2003 đến 8/2012 và đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB nhiệm kỳ 1994-2008. Cuối năm 2007, ông Kiên khộng tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng đề nghị HĐQT Ngân hàng ACB ra quyết định thành lập Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB do Kiên làm Phó Chủ tịch.

Theo đó, Hội đồng có chức năng tư vấn cho HĐQT; Thành viên Hội đồng sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộ họp của HĐQT và thường trực HDQT Ngân hàng ACB, được cung cấp đầy đủ các tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB. Như vậy tuy không giữ chức danh do Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03 vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.

Không dừng lại ở đó, Nguyễn Đức Kiên thành lập đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên của 6 Công ty: Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty Cổ phần đầu tư thương mại B&B; Công ty Cổ phần tập đoàn Tài chính Á Châu; Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội; Công ty cổ phần đầu tư Á châu và Công ty TNHH đầu tư Tài Chính Á Châu ACB Hà Nội. Thông qua việc chỉ đạo điều hành hoạt động đối với các Công ty nêu trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã thực hiện các hành vi phạm tội của mình.

Đến hành vi phạm tội kinh doanh trái phép

Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nêu rõ: Công ty Cổ phần đầu tư thương mại B&B (Công ty B&B) có trụ sở số 63 Lương Sử C, Phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội được thành lập vào tháng 12/2008 với ngành nghề kinh doanh gồm xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho, bãi đỗ xe; kinh doanh vàng, bạc, đá quý; quảng cáo và nghiên cứu thị trường. Người đại diện là ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị. Vốn điều lệ 1,5 nghìn tỷ do 3 cổ đông là Nguyễn Đức Kiên, Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) và Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) đăng ký góp vốn nhưng thực tế số vốn góp là 1,46 nghìn tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của Kiên, Công ty này chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép  còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác mà thực hiện kinh doanh tài chính không được cấp phép sau:

Từ 4/9/2009-5/10/2009 Công ty B&B sử dụng 1,28 nghìn tỷ trong tổng số 1.460 tỷ đồng vốn điều lệ góp vốn vào Công ty Cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (ÀFG); Ngày 30/11/2011 Công ty B&B phát hành 10 triệu trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng bán cho ngân hàng ACB. Số tiền bán trái phiếu, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo sử dụng dùng mua cổ phiếu Công ty Cổ phần bất động sản Hòa Phát – Á Châu; dùng ủy thác cho Đặng Ngọc Lan 39 tủ đồng, Đào Văn Kiên 140 tỷ đồng, Nguyễn Tuấn Anh 145,6 tỷ đồng để họ mua cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thương tín (Vietbank);

Ngày 23 và 29/12/2012 Công ty B&B chuyển 55,07 tỷ đồng cho Công ty AFG để mua cổ phần Công ty Bất động sản Hòa Phát – Á Châu; Ngày 23/12/2012 Công ty B&B chuyển hơn 190 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần đầu tư Á châu (ACI) để mua cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nhà Rồng; Ngày 29, 31-12/2010 và 31/3/2011 Công ty B&B chuyển hơn 72 tỷ đồng cho Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) để mua cổ phần Công ty cổ phần đầu tư INB, Công ty Cổ phần thương mại Dịch vụ Bắc Qua và Công ty cổ phần thương mại Lãng Yên.

Như vậy, dù Công ty B&B không được cấp phép hành nghề kinh doanh tài chính nhưng từ ngày 4/9/2009 đến 31/3/2011 Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B sử dụng số tiền hơn 2,348 nghìn tỷ để mua cổ phần và góp vốn vào các Công ty khác.

Chưa dừng lại ở đó, đối với các Công ty còn lại của mình sáng lập nên, “Bầu Kiên” cũng đã định sẵn con đường phạm pháp của mình thông qua hành vi kinh doanh tài chính trái phép.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Tối cao, trong phi vụ phạm pháp của Bầu Kiên, lần lượt các nhà băng bị ông trùm này ‘ghé thăm’ thông qua các hình thức mua cổ phiếu, cổ phần như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank); Ngân hàng KienLongBank; EximBank; VietBank, Techcombank. (Còn nữa).

Theo Điều 159, Bộ Luật hình sự, hình phạt đối với tội kinh doanh trái phép được chia thành 3 trường hợp:
1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.


 

 

Mạnh Phan

Kỳ tới:  Bầu Kiên mua cổ phiếu Techcombank - DaiAbank - Eximbank - KienlongBank - VietBank ra sao?

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang