"Bầu" Kiên và Dương Chí Dũng cùng bị khởi tố điều tra 1 hành vi

author 17:34 18/09/2012

(VietQ.vn) - Ngày 18/9/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản số 557/C41/C46, thông báo về vụ án Nguyễn Đức Kiên.

Ngày 18/9, theo Cổng thông tin điện tử Bộ công an, lãnh đạo 3 ngành Tư pháp Trung ương đã họp nghe Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an báo cáo tiến độ, đánh giá tài liệu, chứng cứ thu thập được trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và những người có liên quan.

Ông Nguyễn Đức Kiên
Ông Nguyễn Đức Kiên

Theo đó, cơ quan chức năng đã quyết định, Khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165- Bộ Luật Hình sự.

Đồng thời cơ quan điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139- Bộ Luật Hình sự.

Ngoài ra, Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với: Trần Ngọc Thanh – Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến – Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội với vai trò đồng phạm. Các bị can đã được dẫn giải về trại tạm giam Bộ Công an để điều tra làm rõ vụ án.

Trước đó, trong Công văn thông báo việc bắt giữ Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng cục hàng hải được phát đi, Bộ Công an cũng nêu rõ, bị can Dương Chí Dũng đã bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165, Bộ luật hình sự, xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Điều 159 Tội kinh doanh trái phép

1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;

c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

d) Thu lợi bất chính lớn.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

   1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
   2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

          a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
          b) Có tổ chức;
          c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
          d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

   3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
   4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Trần Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang