Mối nguy hiểm từ hóc thạch rau câu, cha mẹ cần biết

author 19:00 06/03/2017

(VietQ.vn) - Thông tin từ bệnh viện Nhi Đồng 1, trong thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ hóc dị vật, điển hình mới đây một em bé 5 tuổi đã tử vong do ăn thạch rau câu.

Báo Tiền Phong đưa tin, sáng 6/3, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, trong một tháng qua, bệnh viện tiếp nhận vật đường thở do trẻ ăn rau câu và ngã cắm đầu vào xô nước. Theo đó, bé trai 5 tuổi ngụ quận 10, TPHCM, trong lúc ăn rau câu do bé ngậm và hút rau câu quá mạnh khiến miếng thạch bị tuột thẳng xuống phổi làm nghẽn đường thở. Cả hai trường hợp đều được đưa vào bệnh viện cấp cứu quá trễ và không được sơ cứu đúng cách khiến các bé tử vong.

Tình trạng trẻ em hóc thạch rau câu ngày càng nhiều, cha mẹ nên lưu ý. Ảnh: Tiền Phong

Tình trạng trẻ em hóc thạch rau câu ngày càng nhiều, cha mẹ nên lưu ý. Ảnh: Tiền Phong 

Theo các bác sĩ, hầu như, trẻ em ở lứa tuổi nào cũng đều thích ăn các loại thạch rau câu. Trên bao bì của các loại thạch đều có ghi “thạch hoa quả”, “thạch dưa hấu”, “thạch xoài”. “thạch sữa chua” ... khiến phụ huynh lầm tưởng thạch có thành phần từ hoa quả. Nhiều phụ huynh cho con ăn thạch như một món ăn vặt, ăn phụ vì tưởng chúng bổ dưỡng, nhiều vitamin, hoa quả. Tuy nhiên, thực chất thành phần của thạch là đường, chất nhũ hoá sodium alginate, bột agar, hương liệu, phẩm màu, chất polymer sinh học tách ra các loại cây rong...

Ăn thạch chỉ giúp trẻ ngon miệng nhưng nếu ăn nhiều còn dễ đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu hóa. Khi ăn thạch, trẻ cũng rất dễ bị hóc, nghẹn, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trẻ dưới 6 tuổi khi bị hóc thạch. 

Cách xử lý khi trẻ hóc dị vật

Theo báo VnExpress, trường hợp trẻ còn tỉnh nên cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.

Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh cần đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.

Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.

An Dương (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang