Bê bối chấn động lực lượng Cảnh sát thế giới

author 08:16 05/02/2014

Từ châu Á đến châu Âu, từ châu Phi đến châu Mỹ... năm 2013 là một năm đầy biến động của lực lượng cảnh sát trên toàn thế giới. Bên cạnh những vụ án lớn, những chiến công vang dội thì lực lượng cảnh sát cũng có không ít những bê bối. Trước thềm năm mới 2014, hãy cùng CSTC điểm lại những bê bối chấn động lực lượng Cảnh sát trong năm qua.

1. Peru: 3 Tướng, 2 tá mất chức vì "bảo kê" cho tội phạm

Vào tháng 11, báo giới Peru phanh phui vụ bê bối gây chấn động đất nước khi phát hiện lực lượng cảnh sát đã bố trí lực lượng bảo vệ trái quy định một doanh nhân có quan hệ với cựu chỉ huy tình báo Vladimiro Montesinos - người đang phải ngồi tù vì vi phạm nhân quyền. Vụ bê bối đã khiến 6 chỉ huy cảnh sát Peru mất chức, trong đó có 3 người đeo hàm cấp tướng và 2 người đeo hàm tá. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peru, ông Wilfredo cũng xin từ chức vì vụ việc này.

Vào trung tuần tháng 11, ông Pedraza đã phải giải trình trước Quốc hội. Theo ông Pedraza, lực lượng cảnh sát đã tự động triển khai phương án bảo vệ nơi ở của doanh nhân Oscar Lopez - người từng có mối quan hệ rất thân thiết với ông Motesinos dưới thời Tổng thống Alberto Fujimori (1990 - 2000). Ông Lopez bị tuyên án 4 năm tù vào năm 2012 vì tội tham ô, nghe lén điện thoại, tàng trữ vũ khí trái phép nhưng được hưởng án treo. Tuy nhiên, theo những lời cáo buộc thì cảnh sát đã tiến hành bảo vệ nhân vật này trong khoảng thời gian dài trước đó. Tổng thống Peru, ông Humala cho hay, vụ việc chưa dừng lại ở đây, có thể sẽ có thêm những quan chức nữa mất việc vì có liên quan.

2. Thổ Nhĩ Kỳ: Hàng loạt cảnh sát bị sa thải vì "đối đầu" với Thủ tướng

Những ngày cuối tháng 12, xung đột chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hàng loạt quan chức cao cấp của lực lượng cảnh sát "té ghế". Câu chuyện bắt đầu khi lực lượng cảnh sát nước này thực hiện lệnh của công tố viên bắt giữ 49 người, bao gồm một ông trùm xây dựng, một chính trị gia địa phương, 3 người con trai của ba Bộ trưởng thuộc Chính phủ của ông Erdogan. Theo Anadolu, Hãng thông tấn Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ thì vụ bắt giữ được tiến hành sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, những người bị bắt giữ vì bị tình nghi tham nhũng, rửa tiền và buôn lậu vàng.

Theo thống kê, đã có khoảng 70 nhân viên cảnh sát, bao gồm vị cảnh sát trưởng thành phố Istanbul Huseyin Capkin, 14 người đứng đầu các đơn vị thuộc Cảnh sát Quốc gia như lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm có tổ chức, tội phạm tài chính, tội phạm buôn lậu… đã bị sa thải hoặc chuyển công tác sau vụ việc.

3. Australia: Thám tử cảnh sát bị bắt vì tham gia vào đường dây phim khiêu dâm trẻ em toàn cầu

Hồi tháng 6, một nhân viên cảnh sát Tây Úc bị bắt giam vì tham gia vào đường dây phim khiêu dâm trẻ em. Lynton John Moore, 30 tuổi, là một trong hàng trăm người đàn ông bị bắt vì là khách hàng "thường xuyên" của một trang web chuyên cung cấp các dịch vụ tình dục trẻ em có trụ sở ở Canada. Khi khám xét nhà của Moore, các đồng nghiệp đã tìm thấy hơn 20.000 hình ảnh, video của những cậu bé lên bảy bị khai thác tình dục. Với hành vi sai phạm trên, nhân viên cảnh sát Moore bị sa thải và bị Tòa án ở Perth kết án hai năm sáu tháng tù giam.

Chiến dịch mang tên Project Spade nhằm truy quét các đối tượng có liên quan đến đường dây khiêu dâm trẻ em trên quy mô toàn cầu được cảnh sát Toronto triển khai cách đây 3 năm và đã có gần 350 nghi phạm bị bắt giữ. Riêng ở Australia, có 7 người bị bắt giữ, bao gồm cả nhân viên cảnh sát, linh mục và giáo viên.

4. Tonga: Hàng trăm tội phạm được cảnh sát "tiếp tay" để nhập cư vào New Zealand

Hàng trăm tội phạm có thể đã được cho phép nhập cư vào New Zealand sau khi những quan chức có thẩm quyền thuộc lực lượng cảnh sát Tonga đã ký xác nhận lý lịch "sạch sẽ" cho họ. Nguồn tin ngoại giao và cảnh sát ở Thái Bình Dương nhận định, vụ bê bối có thể không chỉ xảy ra ở Tonga mà còn ở cả nước láng giềng như Samoa.

Cơ quan nhập cư của New Zealand cho biết, họ đang "vô cùng lo lắng" về sự việc này và hiện cơ quan này đã xác định được 33 người từng có hành vi phạm tội được phép nhập cư vào New Zealand. Tất cả các hồ sơ đều có chữ ký của quan chức cảnh sát cấp cao. Cũng theo nguồn tin này, đã có đến hàng trăm tên tội phạm nhập cư "trót lọt" vào New Zealand. Alan Barry, nhân viên quản lý di trú khu vực Thái Bình Dương cho biết, New Zealand đang làm việc với các cơ quan có liên quan ở Tonga để làm sáng tỏ vụ việc.

5. Brazil: Bắt giữ sĩ quan cảnh sát trong vụ bê bối lương hưu

Cảnh sát Brazil hồi tháng sáu bắt giữ bốn nhân viên cảnh sát và 15 người khác trong một vụ bê bối liên quan đến tiền hưu trí, số tiền ít nhất là 135 triệu USD. Cảnh sát liên bang cho hay, số tiền  lương hưu bị chiếm dụng được đầu tư vào các công trình xây dựng nhưng thất bại. Ngoài những người bị bắt giữ, cảnh sát Brazil cũng đã thu giữ một chiếc xe thể thao hiệu Lamborghini cùng chiếc du thuyền sang trọng. Cảnh sát cho hay, những người bị bắt giữ vì tình nghi rửa tiền, lạm dụng các nguồn lực công từ quỹ thành phố ở 10 bang trên khắp cả nước.

Ngoài dịch vụ công cộng kém, sự yếu kém của cảnh sát, tham nhũng và lạm dụng tiền thuế của dân là nguyên nhân dẫn đến những cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hơn một triệu người ở Brazil thời gian qua.

6. Mỹ: Tân binh Học viện cảnh sát gian lận thi cử "quy mô lớn" chưa từng có

Giám đốc Học viện Cảnh sát ở tiểu bang Washington cho biết, các tân binh của trường bị bắt vì gian lận trong các kỳ thi viết với quy mô lớn. Sue Rahr, Giám đốc điều hành của Học viện chia sẻ với Hãng tin Komo Newsradio rằng, hệ thống câu hỏi thi và trả lời đã bị đánh cắp. "Chắc chắn ngân hàng câu hỏi của nhà trường đã bị xâm nhập. Đây là một trong những vụ bê bối lớn nhất của nhà trường trong quá trình đào tạo", bà Rahr nói. Cũng theo bà Rahr, tân binh của 2/3 lớp hiện đang theo học đã chia sẻ câu hỏi, đáp án với nhau. Có thể những câu hỏi và đáp án này bị đánh cắp hoặc do các tân binh khoá trước để lại. Một cuộc điều tra nội bộ đã được tiến hành ngay sau đó. "Tôi thất vọng và rất lấy làm tiếc khi ngay cả những tân binh mới đã không trung thực trong quá trình rèn luyện. Hành vi đó đã đánh mất niềm tin và sẽ rất khó để khôi phục lại niềm tin đó", bà Rahr nó

Theo ANTG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang