Bê bối tình dục trong quân đội Mỹ

author 08:14 09/03/2014

Một nữ đại úy lục quân Mỹ hôm qua xuất hiện trước tòa án quân sự ở bang Bắc Carolina, khóc sụt sùi nói rằng, mình bị Thiếu tướng Jeffrey Sinclair (51 tuổi) tấn công tình dục và đe dọa giết cả gia đình cô.

Vị tướng Sinclair được cho là vụ quan chức cao cấp nhất trong quân đội Mỹ bị truy tố từ trước tới nay. Trước đó, tướng Sinclair đã thừa nhận tội ngoại tình và một số sai phạm khác ở trong quân đội.

Riêng với những hành vi này, tướng Sinclair có thể phải lĩnh mức án lên tới 15 năm tù giam. Nếu tòa tuyên ông còn phạm tội tấn công tình dục thì mức án có thể là tù chung thân.

Nữ đại úy khai trước tòa rằng, cô bị tướng Sinclair ép quan hệ tình dục bằng đường miệng phục vụ ông ta hai lần. “Ông ấy bảo tôi rằng, nếu tôi kể cho vợ ông ấy hoặc bất kỳ ai khác về chuyện của tôi và ông ấy, ông ấy sẽ giết tôi và sau đó giết cả gia đình tôi”, nữ đại úy khai.

Luật sư bào chữa nói rằng, tướng Sinclair là nạn nhân của một phụ nữ si tình, nguyên cáo và nạn nhân quan hệ ngoài hôn nhân với nhau 3 năm qua. Luật sư cũng cho rằng, thân chủ của mình bị truy tố dưới áp lực chính trị.

 

 

Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây cam kết xử lý mạnh tay với những hành vi vi phạm liên quan tình dục trong quân đội.

Hôm 7/3, trung sĩ Gregory McQueen ở bang Texas, người phụ trách phòng chống lạm dụng và tấn công quân đội ở căn cứ Fort Hood, bị cáo buộc thành lập đường dây mại dâm liên quan các nữ binh sĩ.

Cùng ngày, trung sĩ Michael McClendon ở Học viện Quân sự West Point, thừa nhận đã bí mật chụp ảnh, quay phim một số nữ học viên đang thay quần áo.

Hôm 7-2, theo Reuters, Bộ trưởng Hagel cho biết sẽ chỉ định một sĩ quan cao cấp báo cáo trực tiếp với ông về các vấn đề đạo đức trong quân đội, phối hợp hành động với các chỉ huy về vấn đề đạo đức, nhân cách và tư cách lãnh đạo. Ông nhấn mạnh các vụ bê bối vừa qua đã làm dấy lên câu hỏi về quy mô của vấn đề này trong các lực lượng vũ trang.

“Chúng ta cần phải tìm ra liệu vấn đề có ăn sâu và lan rộng hay không? Nếu có, quy mô của vấn đề này ở mức nào? Và nó đã xảy ra như thế nào?” - ông Hagel nói trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc.

Hàng loạt bê bối

"Đừng ngạc nhiên khi quân đội bắt đầu chú trọng hơn vào việc huấn luyện đạo đức"

Trang Defense One bình luận

AFP dẫn lời chuẩn đô đốc John Kirby cho biết ông Hagel đã nêu vấn đề này với chỉ huy các lực lượng vũ trang. “Tôi nghĩ bộ trưởng quan ngại rằng có một sự suy đồi trong cư xử đạo đức, ít nhất là ở một mức độ nào đó” - ông Kirby nói.

Ông Hagel lên tiếng về quan ngại của mình hôm 5-2, một ngày sau khi hải quân Mỹ thừa nhận các giảng viên tại một trường về chuyển động hạt nhân đã bị đình chỉ trước các cáo buộc gian lận trong một kỳ thi kiểm tra trình độ.

Trước đó một tuần, lực lượng không quân cũng thừa nhận 92 sĩ quan của bộ phận phóng tên lửa hạt nhân liên quan đến một vụ gian lận trong kỳ thi kiểm tra khả năng tại một căn cứ ở bang Montana.

Gian lận trong thi cử chỉ là phần tiếp theo của những câu chuyện được miêu tả là đáng xấu hổ trong quân đội Mỹ, nơi mà trong năm qua một loạt tướng lĩnh bị cách chức hoặc bị điều tra vì hạnh kiểm xấu, trong đó có các hành vi nghiện rượu nặng, ngoại tình, đánh bạc trái phép.

Mùa xuân năm ngoái, theo báo Washington Post, chuẩn tướng Bryan Roberts đã công khai cảnh cáo binh sĩ tại trại Fort Jackson rằng quân đội sẽ không dung thứ cho việc quấy rối và xâm hại tình dục. Nhưng có một điều mà ông không nói cho các binh sĩ biết: vào thời điểm đó, bản thân tướng Roberts cũng đang bị điều tra về các cáo buộc nhiều lần hành hung một trong các cô bồ của mình!

Hay như vụ chỉ huy Martin Schweitzer của sư đoàn không vận 82 gặp một nữ nghị sĩ xinh đẹp với thái độ rất đáng kính và lịch sự. Tuy nhiên, sau đó ông đã không kiềm chế được và viết email cho hai tướng lĩnh khác, miêu tả nữ nghị sĩ này là “nóng bỏng đến bốc khói” và có những câu đùa cợt ngụ ý các hành động tình dục. Washington Post còn cho biết có tướng lĩnh luôn đặt chai vodka trên bàn làm việc và luôn chè chén trong lúc làm nhiệm vụ.

Chưa hết, như Reuters cho biết hồi tháng 10 năm ngoái, người đứng đầu lực lượng tên lửa xuyên lục địa của Mỹ, thiếu tướng không quân Michael Carey đã bị sa thải sau khi say xỉn và nhậu nhẹt với nhiều phụ nữ khi đang dẫn đầu một đoàn đại biểu của chính phủ đến Matxcơva (Nga) tham dự đàm phán về an ninh hạt nhân.

Cũng trong năm ngoái, một vụ bê bối lớn trong lực lượng hải quân cũng bị phanh phui. Trong đó, các quan chức hải quân bị cáo buộc đã nhận tiền, những chuyến đi chơi xa hoa, vé hòa nhạc và cả gái mại dâm để tuồn thông tin cho một doanh nhân Malaysia.

Nghiêm túc chấn chỉnh

Chuẩn đô đốc Kirby thuật lại lời của Bộ trưởng Chuck Hagel rằng “ngài bộ trưởng quan ngại về sức khỏe của lực lượng và sự vững mạnh của văn hóa trách nhiệm và chịu trách nhiệm mà người Mỹ trông mong từ quân đội của họ”.

Ông Hagel cũng yêu cầu xem lại quy trình giảng dạy các nguyên tắc đạo đức trong các học viện quân sự và ủng hộ các nỗ lực tăng cường nhận thức tầm quan trọng của đạo đức trong huấn luyện sĩ quan cao cấp.

 

 

Tuy nhiên theo AFP, ông Hagel tin rằng “phải có một sự khẩn trương hơn nữa đằng sau các nỗ lực này” và các lãnh đạo trong quân đội phải “đặt một trọng tâm mới trong việc phát triển tính cách đạo đức”.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey nói với Wall Street Journal hôm 3-2 rằng các trường đào tạo quân sự ở Mỹ giờ đây sẽ có “các đơn vị đạo đức”, nơi mà các sĩ quan cấp cao sẽ xem lại các thủ tục phù hợp cho việc đi công cán và nhận quà cáp của các thành viên quân đội. Việc thăng chức cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn đối với tư cách của sĩ quan.

Tuyển quân làm thất thoát hàng chục triệu USD

Hơn 1.200 quân nhân Mỹ đang bị điều tra về vụ gian lận liên quan đến hàng chục triệu USD từ một chương trình tăng cường tuyển mộ binh sĩ trong cuộc chiến ở Iraq.

Chương trình tuyển mộ này được khởi xướng năm 2005 lúc cao điểm chiến tranh ở Iraq để giải quyết thiếu hụt trong lực lượng vệ binh quốc gia. Theo Reuters, quân đội đã thực hiện chương trình đẩy mạnh tuyển mộ này bằng cách chi số tiền hoa hồng từ 2.000-7.500 USD cho mỗi trường hợp giới thiệu người tham gia được vào lực lượng.

Các nhân viên tuyển mộ chính thức không được nhận số tiền hoa hồng này. Tuy nhiên nhiều quân nhân đã bị cáo buộc sử dụng tên của người khác để đăng ký vào chương trình, thậm chí là tên của những người đã có sẵn trong danh sách nhận tiền.

Năm 2007, công ty mà quân đội Mỹ thuê để thực hiện chương trình đã cảnh báo về các trường hợp nghi vấn gian lận.

Người nhận được số tiền cao nhất là 275.000 USD và bốn người nhận được số tiền khủng khác với hơn 100.000 USD mỗi người. Vụ việc được coi là một trong những cuộc điều tra gian lận lớn nhất trong quân đội xét trên quy mô và số người liên quan.

Reuters cho biết các nhà điều tra đã bắt đầu xem lại “tất cả 106.364 cá nhân nhận tiền từ chương trình tuyển mộ”. Các cuộc điều tra sẽ kéo dài đến tận năm 2016.

 

 

 

Theo Tuoitre-TP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang