Bê bối trong trạm thu phí BOT, những bộ nào phải chịu trách nhiệm?

author 15:46 25/10/2017

(VietQ.vn) - Liên quan đến những bê bối về trạm thu phí BOT, hàng loạt các bộ đã phải cùng nhau chịu trách nhiệm, trong đó Bộ Giao thông chịu trách nhiệm chính.

Báo Economy đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Nghị quyết khẳng định, việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án này còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Như thẩm định phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch. Các quy định của pháp luật và thực tế triển khai về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, vị trí đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý...

Nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém là do các cơ quan quản lý còn ít kinh nghiệm, chưa bao quát đầy đủ các tình huống phát sinh, sự phối, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thực sự hiệu quả, trách nhiệm chưa cao, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý.

 Thời gian vừa qua, nhiều tài xế trả tiền lẻ qua một số BOT để phản đối. Ảnh: Dân trí

 Thời gian vừa qua, nhiều tài xế trả tiền lẻ qua một số BOT để phản đối. Ảnh: Dân trí

Nghị quyết cũng nêu rõ, trong khi Chính phủ và các cơ quan chức năng chưa chủ động tổng kết đánh giá, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo BOT, nhưng đã cho phép triển khai đầu tư nhiều dự án giao thông theo hình thức này.

Báo VietNamNet thông tin, Bộ Gia thông Vận tải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Cụ thể, thực hiện chưa đúng quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án đầu tư; quyết định đầu tư, phương án thu phí một số chưa hợp lý; lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ...).

Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chịu trách nhiệm về những hạn chế, vi phạm do địa phương quyết định đầu tư và việc chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc lựa chọn dự án, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí, bảo đảm an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng chậm.

Bộ Tài chính liên quan đến việc ban hành thông tư thu phí chưa hợp lý, giá, vị trí đặt trạm và giám sát còn thiếu chặt chẽ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư không kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình thẩm định cấp giấy chứng nhận, chậm ban hành thông tư hướng dẫn, cũng như chưa đánh giá hết tác động đối với quy định khuyến khích đầu tư cải tạo nâng cấp các công trình hiện hữu.

Bộ Xây dựng chậm rà soát, sửa đổi ban hành hệ thống đơn giá, định mức và các quy định quản lý chất lượng, chi phí đối với các dự án BOT.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa kịp thời rà soát văn bản liên quan đến chính sách, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Ngoài ra, Uỷ banThường vụ cũng chỉ rõ, các ngân hàng thương mại cho vay dự án giao thông BOT chịu trách nhiệm trong việc chưa thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục cấp tín dụng.

Còn nhà đầu tư chịu trách nhiệm về việc huy động vốn chủ sở hữu không đúng so với quy định; phê duyệt thiết kế, dự toán không đúng; đấu thầu lựa chọn nhà thầu không theo quy định; chọn nhà thầu chưa đáp ứng năng lực theo yêu cầu; thi công không bảo đảm chất lượng...

Các tổ chức tư vấn cũng phải chịu trách nhiệm về những tồn tại sai sót trong lập dự án đầu tư, tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình, giám sát chất lượng.

Theo thông tin trên báo Dân trí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan bộ ngành: Hoàn thiện pháp luật đầu tư theo hình thức BOT để Quốc hội sớm ban hành Luật, tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ.

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi gây rối tại các trạm thu phí BOT(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại các trạm thu phí.

"Bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với năng lực tài chính của nhà đầu tư. Rà soát quy định về lập, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư... Thường vụ Quốc hội yêu cầu: Bổ sung chế tài xử lý đối với nhà đầu tư chậm quyết toán, chậm công khai cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn...", Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Yêu cầu đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rõ: Chỉ được áp dụng cho các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.

Đặc biệt, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.

Ánh Nguyệt (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang