Đuối nước và những sai lầm khi cấp cứu sai cách có thể làm mất mạng trẻ

authorThu Thảo 06:20 02/05/2017

(VietQ.vn) - Bị đuối nước trong bồn tắm, cháu Nguyễn N.T. (8 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê sâu.

Báo Dân trí đưa tin, cháu Nguyễn N.T. (8 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình gọi cấp cứu đưa vào bệnh viện E, sau đó chuyển sang bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê sâu do đuối nước trong bồn tắm.

Theo TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực – bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, da môi tái, hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng tử vong cao.

Ngay lập tức bệnh nhân đã được điều trị tích cực như: hồi sức hô hấp/tuần hoàn, chống phù não. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, phản xạ ánh sáng yếu, rối loạn nước điện giải.

Do sự chủ quan của bố mẹ, trẻ nhỏ rất dễ bị đuối nước khi chơi đùa ở những nơi như bồn tắm, hồ bơi, sông suối

 Do sự chủ quan của bố mẹ, trẻ nhỏ rất dễ bị đuối nước khi chơi đùa ở những nơi như bồn tắm, hồ bơi, sông suối

“Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu cháu, nhưng do bị ngạt nước quá lâu, ngày 14/4, bệnh nhi đã tử vong”, TS Tuấn cho hay.

Trước đó, theo lời kể của gia đình, khi đang tắm cho con gái thì có việc phải ra ngoài, 30 phút sau quay lại, người bố đã thấy con bất động trong bồn tắm. 

Theo thông tin từ Vnexpress, mỗi khi mùa hè đến, các vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ nhỏ thường xuyên xảy ra. Sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ khi bị đuối nước, tránh được di chứng não sau này.

Cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi viện.

Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Những việc làm không đúng trong dân gian cần tránh

Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

Hãy cho trẻ học bơi để trẻ có thể tự bảo vệ mình khi không có bố mẹ

 Hãy cho trẻ học bơi để trẻ có thể tự bảo vệ mình khi không có bố mẹ

Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu oxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

Cách phòng ngừa đuối nước ở trẻ

Không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh những tai nạn không mong muốn.

Đi bơi mùa hè: Làm gì để tránh tai nạn đuối nước thương tâm?(VietQ.vn) - Để tránh rủi ro đuối nước trong mùa hè, trẻ em không nên chơi đùa gần ao, hồ, cần học cách bơi đứng nước, nín thở khi bị sặc hay tránh vật cản khi bơi…

 

Thu Thảo (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang