Bẻ gãy các luận điệu dối trá của Trung Quốc

author 10:50 14/06/2014

Các luận điệu ngụy biện và che giấu sự thật của Trung Quốc xung quanh vụ giàn khoan Hải Dương-981 tiếp tục bị vạch trần và bác bỏ.

Tàu tuần tiễu, tấn công nhanh 789 của TQ tiến sát, đe dọa tàu VN hồi tháng 5 ở khu vực giàn khoan đặt trái phép trong vùng biển VN.

Ngày 13.6, ông Dịch Tiên Lương, Phó ban Sự vụ hải dương và biên giới thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ), trắng trợn chối rằng nước này “chưa bao giờ đưa lực lượng quân sự” đến hộ tống giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), theo Reuters. Ông Dịch còn quả quyết từ đây cho đến khi giàn khoan kết thúc hoạt động, dự kiến vào ngày 15.8, TQ cũng sẽ không triển khai lực lượng quân sự đến khu vực, đồng thời ngụy biện khu vực xung quanh giàn khoan “nằm trên tuyến đường biển nên có lúc cũng có tàu quân sự TQ từ phía nam trở về nước”.

Sự thật là ngày 9.5, Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) VN, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm khẳng định có 3 tàu quân sự và một số máy bay quân sự của TQ hiện diện trong khu vực hạ đặt giàn khoan nhằm đe dọa lực lượng thực thi pháp luật VN. Trong tháng 5, phóng viên Thanh Niên tác nghiệp tại thực địa cũng đã chụp được ảnh một số tàu chiến TQ như tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 571, tàu chiến 789 và tàu tên lửa tấn công nhanh 755.

Chưa hết, ông Dịch còn khẳng định TQ “đã có hơn 30 vòng đàm phán” với VN từ khi căng thẳng xảy ra. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn AP tại Mỹ ngày 10.6, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực VN tại LHQ, khẳng định Bắc Kinh đã từ chối tham gia đối thoại, ngang ngược tuyên bố khu vực xung quanh giàn khoan là “thuộc về TQ” và đây là hành động mang tính khiêu khích, gây quan ngại nghiêm trọng.

Phản bác của giáo sư Úc

Trong mấy ngày qua, học chức và quan chức TQ gửi đăng 2 bài bình luận trên báo chí Úc nhằm bảo vệ hành động cắm giàn khoan Hải Dương-981, củng cố cái gọi là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và vu cáo VN. Cụ thể, ngày 11.6, tờ The Australian Financial Review đăng bài bình luận Vietnam has no claim to sovereignty over China's Xisha Islands (tạm dịch: VN không có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa của TQ) của học giả Triệu Thanh Hải từ Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế TQ; và ngày 13.6 báo The Australian đăng bài Vietnam has no legitimate claim to Xisha islands (tạm dịch: VN không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Tây Sa) của Đại sứ TQ tại Úc Mã Triều Húc. Tây Sa là tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Trước những luận điệu sai trái trong 2 bài báo này, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc đã gửi thư cho Ban biên tập của 2 tờ báo trên để trình bày phản ứng của ông. Theo bức thư được ông Thayer chuyển lại cho Thanh Niên, ông khẳng định bài của học giả Triệu chỉ dẫn lại các luận điệu của Bộ Ngoại giao TQ hay những thông tin sai trái về công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Triệu còn ngang nhiên bịa đặt rằng tiến sĩ Trần Trường Thủy thuộc Học viện Ngoại giao VN “đã có những nhận định ủng hộ TQ”, điều mà tiến sĩ Trần Trường Thủy đã bác bỏ.

Giáo sư Thayer cũng chỉ ra rằng bài viết của Đại sứ Mã đã bóp méo sự thật khi chỉ chắt lọc những diễn biến có lợi cho TQ liên quan đến giàn khoan.

Trung Quốc tăng cường xây dựng phi pháp ở Trường Sa

Ngày 13.6, tờ The Philippine Star trích nội dung báo cáo mật của chính phủ Philippines tiết lộ TQ đang có hoạt động khai phá ở 5 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN là Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Én Đất và Tư Nghĩa và không loại trừ Bắc Kinh sẽ có hoạt động tương tự ở các bãi đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn. Trước đó, theo Kyodo News, khoảng 200 người Philippines đã tập trung trước văn phòng lãnh sự của Đại sứ quán TQ ở Manila để phản đối hành vi xâm nhập hung hăng ở biển Đông.

Bên cạnh đó, The Philippine Star dẫn lời một sĩ quan cấp cao Philippines đánh giá cuộc giao lưu thể thao ngày 8.6 giữa hải quân VN và hải quân Philippines ở đảo Song Tử Tây là “một thành công lớn”, chứng tỏ tranh chấp chủ quyền có thể được giải quyết một cách hòa bình và thân thiện, thay vì phải bắt nạt lẫn nhau.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 12.6 (giờ địa phương) Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Tony Abbott đã thảo luận về tình hình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và nhấn mạnh rằng tuân thủ luật pháp quốc tế là mấu chốt cho việc giải quyết tranh chấp, theo Đài NHK. 

Theo TN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang