Vì sao sản xuất, kinh doanh vàng trang sức bế tắc?

author 06:32 21/10/2013

(VietQ.vn) - Hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, nữ trang... đang bị mắc kẹt do cơ chế vốn vay.

Theo thống kê của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh, hơn 70% trong tổng số gần 3.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng và nữ trang của TP. Hồ Chí Minh đang lâm vào bế tắc do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt theo Thông tư 33 của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó là các doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất do không thể tham gia cuộc đua đặt giá để mua được vàng trong các phiên đấu thầu.

Thông tin trên cũng được xác nhận bởi lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh nữ trang hiện nay gặp nhiều khó khăn về vốn và không có nguồn nguyên liệu chính thống để sản xuất.

Kinh doanh vang trang suc gap kho khan

Thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh vàng trang sức. Ảnh minh họa

"Theo Thông tư 33 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng thương mại hạn chế cung cấp vốn cho các DN sản xuất nữ trang vàng bạc đá quý. Về nguyên liệu nữ trang, trước giờ DN mua trôi nổi ngoài thị trường, nguyên liệu cũ nấu lại, như vậy thì khó có sự ổn định, phát triển", ông Long nói.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Long, nhu cầu vàng nguyên liệu của DN trong nước khoảng trên 10 tấn/năm. Việc vừa qua NHNN thông tin đồng ý cho nhập khẩu vàng nguyên liệu là tín hiệu tốt với DN. Tuy nhiên, khi đã cấp phép cho DN nhập khẩu thì phải có kiểm soát để đảm bảo nguyên liệu này đi đúng mục đích. "Vấn đề mà tôi băn khoăn là việc cấp phép nhập khẩu này có lâu dài hay không, có đáp ứng cơ bản nguồn nguyên liệu cho sản xuất hay không và ai sẽ được cấp… thì cần phải minh bạch.

Trong giai đoạn đầu có thể hạn chế một số DN nhưng giai đoạn sau cần tính đến DN vừa và nhỏ bởi nền tảng sản xuất nữ trang là những DN vừa và nhỏ, hộ gia đình. DN nhỏ nhiều khi cũng sản xuất ra những mặt hàng độc đáo chứ không riêng gì DN lớn", ông Long kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo Thông tư 33 thì coi như Ngân hàng Nhà nước đã khóa van tín dụng, không cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vàng được tiếp cận nguồn vốn. Theo khảo sát của Hội, trong khoảng 3.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng nữ trang tại thành phố Hồ Chí Minh thì có 70% đang tạm ngưng.

"Trước tình hình này, có nhiều doanh nghiệp đối phó bằng cách trả giấy phép kinh doanh vàng và chuyển đổi sang hình thức khác như: dịch vụ cầm đồ, sản xuất các loại hàng hóa khác,… để được vay vốn. Các doanh nghiệp còn lại thì sản xuất cầm chừng để chờ cơ chế chính sách mới, những doanh nghiệp này trụ được là nhờ nguồn vốn riêng. Hội hiện nay cũng đang thống kê, khảo sát lại để nắm số liệu chính xác hơn báo cáo về Ngân hàng Nhà nước", ông Dưng nói

Thao go kho khan cho san xuat vang

Cần sớm mở "van" tín dụng cho sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang, trang sức. Ảnh minh họa

Trước thực tế như trên, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất 2 phương án đảm bảo nguồn nguyên liệu cho DN sản xuất kinh doanh. Theo đó, phương án thứ nhất vẫn làm như bây giờ, nhà nước quản lý chặt nguồn nguyên liệu và chỉ cấp quota cho một số DN, ưu tiên DN có những hợp đồng xuất khẩu, nhưng phải giám sát, kiểm soát gắt gao. Phương án thứ hai là cho đấu giá nguồn nguyên liệu, với sự tham gia không chỉ những DN lớn mà cả những DN nhỏ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dưng, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Thông tư 33 nhằm mở van tín dụng để cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tiếp đến là đã cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh vàng trang sức thì Ngân hàng Nhà nước cũng nên cấp phép cho họ được mua vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nên nhập khẩu vàng nguyên liệu để bán lại cho các donh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, những doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu mua 3kg, 5kg thì đến Ngân hàng Nhà nước  để mua nhằm tránh tình trạng mua phải vàng không kiểm soát.

Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang, trang sức tại TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn về vốn, doanh thu của doanh nghiệp giảm mạnh, người lao động mất việc làm hoặc có thì thu nhập cũng chẳng là bao.

Trong khi đó, nhiều thương nhân Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông nhân cơ hội này đưa hàng nữ trang thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Và theo phản ánh của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. HCM, hiện nay hàng Trung Quốc đang làm chủ thị trường về sản phẩm vàng trang sức, nữ trang.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang