Bé trai 7 tuổi suy đa cơ quan nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết

author 10:57 21/03/2018

(VietQ.vn) - Tại BV Nhi Đồng TP.HCM, một bé trai 7 tuổi mắc sốt xuất huyết dẫn đến tổn thương đa cơ quan, suy hô hấp, rối loạn đông máu gây nguy hiểm đến tính mạng

Tin tức đăng tải trên báo Công an TP HCM, bé trai P.H.T. (7 tuổi, quê Vĩnh Long) được chuyển viện đến với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4, tổn thương đa cơ quan, suy hô hấp, rối loạn đông máu.

Sau khi nhập viện, bệnh nhi T. được điều trị tích cực chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục.

Bé trai 7 tuổi suy đa cơ quan nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết

Diễn tiến bệnh của bé T. vẫn diễn tiến rất phức tạp. Ảnh: Công an TP HCM

Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng diễn tiến bệnh của bé vẫn diễn tiến rất phức tạp, cơ thể bé dần xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan, suy gan, tiểu ít dần và vô niệu diễn tiến suy thận cấp. Hiện bé vẫn đang được lọc máu và theo dõi sát sao.

Được biết, gia cảnh của bệnh nhi rất khó khăn, mẹ làm công nhân, cha làm ruộng gồng gánh nuôi cả nhà 7 miệng ăn. Em của bé T. hiện cũng đang nhập viện tại Vĩnh Long vì bệnh viêm phổi. Người cha phải vừa đôn đáo chạy lên xuống Vĩnh Long - Sài Gòn để chạy tiền cứu chữa cho 2 con đang nằm mê man bên giường bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo cũng đã có khuyến cáo phòng bệnh.

Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Chỉ trong tháng 1/2018, TP.HCM ghi nhận có 1,050 mắc sốt xuất huyết. Ổ dịch được tập trung ở quận 2 và huyện Bình Chánh. 

Năm 2017, TP.HCM ghi nhận đợt dịch sốt xuất huyết lịch sử với số ca mắc cao nhất nước với gần 11.000 ca, 6 trường hợp tử vong, nhiều bệnh viện quá tải khi lượng bệnh nhân nhập viện tăng.

 

Minh Châu (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang